Tuesday, September 30, 2014

Anh trai của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tái xuất


Ông Kim Jong-nam đã được các du khách Hàn Quốc phát hiện hôm 29.9 và họ cho biết ông này lưu trú tại khách sạn Le Meridien Etoile cùng với một phụ nữ trong độ tuổi 30.
Một du khách cho biết đã nhìn thấy ông Kim “cách đây 3 hoặc 4 ngày với một phụ nữ có dáng vẻ thanh lịch”.
Khi được một phóng viên Hàn Quốc tiếp cận, ông Kim đã nói: ”Tôi không biết gì về Kim Jong-un hay những gì đang xảy ra ở Triều Tiên”.
Sau khi ông Jang bị xử tử hồi tháng 12.2013, ông Kim đã rời Malaysia và đến Indonesia vào tháng 5.
Các nhân chứng nói rằng ông Kim có vẻ thoải mái. Một doanh nhân Hàn Quốc ở cùng khách sạn với ông Kim cho biết ông nhìn thấy anh trai của đương kim lãnh đạo Triều Tiên đi bộ bên ngoài khách sạn và hút thuốc sau khi dùng điểm tâm. “Ông ta có vẻ đang rất khỏe”, doanh nhân trên nói thêm.
Tuy nhiên, ông Kim đã không xuất hiện tại hành lang hay nhà hàng của khách sạn sau khi phát hiện mình đã bị nhận diện.
Chi phí thuê phòng tại Le Meridien Etoile là 380 euro/đêm. Khách sạn này nằm gần một khu thương mại trên đại lộ Champs-Élysées và là nơi lưu trú của nhiều người Hàn Quốc giàu có. Một số lượng lớn người Hàn Quốc đang có mặt tại khách sạn để tham dự một hội nghị về kinh doanh.
Có thể ông Kim đến Paris để gặp con trai Kim Han-sol đang học tại trường Sciences Po.
Ông Kim Jong-nam vốn thất sủng ở Triều Tiên kể từ khi bị bắt do toan tính nhập cảnh vào Nhật Bản bằng hộ chiếu giả và đã sống lưu vong ở Trung Quốc, Macau trước khi ông Jang bị xử tử hồi năm ngoái.
Trùng Quang
Nguồn Thanh Niên

Hong Kong tiếp tục biểu tình ngày quốc khánh


Phe đấu tranh dân chủ ở Hong Kong tiếp tục biểu tình và hy vọng thu hút thêm người ủng hộ trong ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10.
Hàng chục nghìn người đã có mặt trên nhiều ngả đường của thành phố bốn ngày hôm nay.
Họ đòi Trung Quốc rút kế hoạch bầu chọn ứng viên cho chức Hành chính Trưởng quan của đặc khu vào năm 2017.
Lãnh đạo hiện tại, CY Leung (Lương Chấn Anh), đã kêu gọi người biểu tình rút lui, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Hong Kong.
Hôm thứ Ba 30/9, ông Tập nói với các lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Bắc Kinh rằng chính phủ của ông sẽ "kiên trì bảo vệ sự thịnh vượng lâu dài và ổn định ở Hong Kong và Macau".
Ông Leung cũng bác kêu gọi từ chức mà người biểu tình đưa ra cho ông.
Sáng thứ Tư, ông đã tham dự một buổi lễ ở Hong Kong để kỷ niệm ngày Quốc khánh 1/10.
Lễ thượng cờ diễn ra hòa bình, và các sinh viên biểu tình chỉ đứng quan sát.
Chính quyền Hong Kong tuy vậy đã hủy lễ bắn pháo hoa vào buổi tối.

Giữ lập trường

Trong khi đó, Hoa Kỳ tái khẳng định lập trường của mình, rằng bầu chọn thực chất lãnh đạo sẽ làm tăng uy tín của Hành chính Trưởng quan.
Cuộc biểu tình hiện tại bắt đầu vào cuối tuần, và cảnh sát đã có lúc phản hồi bằng hơi cay. Cảnh sát chống bạo động sau đó đã rút đi và kể từ sáng thứ Hai tình hình yên ắng hơn.
Trong hôm thứ Ba, phố xá Hong Kong khá yên tĩnh cho tới buổi tối, khi hàng nghìn người xuống đường.
Người biểu tình, gồm các sinh viên, người ủng hộ của phong trào bất tuân dân sự Occupy Central và các nhóm khác, tỏ ra tức giận về phản ứng của cảnh sát và tuyên bố sẽ gia tăng biểu tình vào thứ Tư.
Lãnh đạo phong trào Occupy Central Ed Chin nói với hãng AFP ông trông đợi con số người tham gia biểu tình vào thứ Tư sẽ là hơn 100.000 người.
Lãnh đạo sinh viên Lester Shum thì tuyên bố trước đám đông: "Chúng ta không sợ cảnh sát chống bạo động... Chúng ta sẽ không rút lui chừng nào CY Leung chưa từ chức."
Hong Kong có dân số 7,2 triệu người và tuy số người trên đường phố khá đông, mức độ ủng hộ trong cộng đồng cho người biểu tình hiện còn chưa rõ ràng.
Một số người dân lo ngại rằng biểu tình sẽ ảnh hưởng quan hệ với Bắc Kinh hoặc gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Anh quốc đã chuyển giao Hong Kong lại cho Trung Quốc năm 1997 với mô hình xã hội bảo đảm các quyền tự do khác với ở đại lục, như quyền tự do ngôn luận và biểu tình.
Các cuộc biểu tình hiện nay được xem như thách thức trực tiếp cho sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với nền chính trị của Hong Kong.
Giới quan sát cho rằng lãnh đạo Đảng CSTQ lo ngại rằng lời kêu gọi dân chủ có thể lan rộng ra các nơi trong Hoa lục.
Tin tức về đợt biểu tình này bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc, báo chí nhà nước nói có bàn tay của "lực lượng đối lập cực đoan" trong vụ này.
Hoa Kỳ thì nhiều lần kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong phản ứng với biểu tình.
Hôm 30/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói Ngoại trưởng John Kerry sẽ thảo luận chủ đề này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khi hai người gặp nhau vào thứ Tư này.
Nguồn BBC

Chàng trai tuổi 17 dẫn đầu bãi khóa ở Hong Kong


Ít ai ngờ người đứng đầu phong trào thanh niên sinh viên thực hiện cuộc biểu tình dữ dội tại Hong Kong trong vài ngày gần đây, Joshua Wong, lại là một người mới 17 tuổi. 

Joshua Wong, sinh tháng 10/1996, đeo kính, dáng người mảnh khảnh, dễ dàng lẫn vào vô số sinh viên khác. Cậu đã tích cực hoạt động chính trị trong vài năm trở lại đây.
Wong đã xuất bản một cuốn sách có tên Tôi không phải là một anh hùng, dẫn chương trình phát thanh, viết báo, và thực hiện các cuộc phỏng vấn. Cậu mô tả mình là một thiếu niên bình thường, thích chơi trò chơi điện tử và xem ti vi. Cậu dành 18 giờ mỗi ngày để học tập và hoạt động chính trị. Khi được hỏi cậu làm gì trong thời gian rảnh rỗi, Wong cười và trả lời nửa đùa nửa thật "ngủ và chỉ ngủ mà thôi".
Năm 2011, khi mới 15 tuổi, bất bình trước đề xuất về chương trình học mới của các trường công lập tại Hong Kong, Wong thành lập một nhóm sinh viên biểu tình mang tên Scholarism (Học dân) với sự giúp đỡ của một vài người bạn. Phong trào này đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng. Trong tháng 9/2012, Scholarism tập hợp được 120.000 người, biểu tình chiếm trụ sở chính quyền Hong Kong, đòi lãnh đạo đặc khu hành chính này xóa bỏ chương trình đề xuất.
Đó là khi Wong nhận ra tiếng nói của giới trẻ Hong Kong cũng có sức nặng. 
"Năm năm trước, không thể tưởng tượng là học sinh Hong Kong sẽ có chút mảy may hứng thú với chính trị. Nhưng chúng tôi đã thức tỉnh khi có vấn đề trong nền giáo dục quốc dân. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến chính trị", cậu nói.
Wong đang nỗ lực hoạt động để đòi quyền bỏ phiếu phổ thông. Nhóm của cậu hiện trở thành một trong những tiếng nói dân chủ mạnh mẽ nhất của thành phố. Nhóm gồm khoảng 300 thành viên là học sinh, sinh viên. Tuy tuổi đời còn trẻ, quan điểm của những thanh thiếu niên này được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Scholarism hồi tháng 6 soạn thảo một kế hoạch cải cách hệ thống bầu cử của Hong Kong, giành được sự ủng hộ từ gần một phần ba số cử tri, trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn thành phố không chính thức.
Scholarism trong tháng này huy động học sinh, sinh viên bãi khóa, nhằm phản đối các quy định mới về việc bầu người đứng đầu chính quyền đặc khu, dự kiến diễn ra năm 2017. Đây là một hành động rất táo bạo vì Hong Kong vốn là một nơi coi trọng giáo dục.
Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ban giám hiệu và giảng viên cam kết sẽ không kỷ luật học viên bãi khóa để tham gia biểu tình. Hiệp hội giáo viên lớn nhất Hong Kong cũng đưa ra khẩu hiệu kêu gọi "Đừng bỏ mặc sinh viên biểu tình".
Trái lại, trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc, Scholarism là nhóm các phần tử "quá khích". Wong cho biết cậu bị nêu tên trong Sách xanh An ninh Quốc gia Trung Quốc, vốn liệt kê các mối đe dọa nội bộ đến sự ổn định của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Wong bị bắt hôm 26/9, sau khi xâm nhập vào khu nhà của chính quyền Hong Kong trong cuộc biểu tình chiếm trung tâm của học sinh, sinh viên. Cảnh sát đã lục soát phòng ký túc xá đại học của Wong và tịch thu một số tư trang, bao gồm cả máy tính và điện thoại. Cảnh sát và một đại diện của sinh viên cho biết cậu đã được thả hôm 28/9.
Nhà hoạt động trẻ từng tuyên bố cậu sẽ không lùi bước. "Người dân không nên sợ chính phủ. Chính phủ mới phải e ngại người dân của mình". Nguồn VNExpress
Vũ Thảo (Theo CNNFT)

Rộ tin đồn quân đội Triều Tiên lật đổ Kim Jong-un


Cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền tin đồn ông Kim Jong-un đã bị quân đội đảo chính lật đổ.


Ngày 29/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ không thể xác nhận được tin đồn đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự ở Triều Tiên trong bối cảnh dư luận quốc tế vẫn đang đặt câu hỏi về sự biến mất bí ẩn suốt hơn 3 tuần qua của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
 - 1
Cộng đồng mạng Trung Quốc dậy tin đồn ông Kim Jong-un đã bị quân đội bắt giữ
Tin đồn về cuộc đảo chính quân sự ở Triều Tiên lan truyền rất nhanh chóng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, khi có rất nhiều người tin rằng quân đội Triều Tiên đã lật đổ và bắt giữ ông Kim.
Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận đã biết về những tin đồn trên, song họ không có bất cứ nguồn thông tin nào để kiểm chứng tính xác thực của tin đồn.
Hôm 29/9, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng đã chỉ trích cộng đồng mạng Trung Quốc đã lan truyền những “tin đồn nhảm” về một cuộc đảo chính ở Triều Tiên, quốc gia được coi là đồng minh thân cận với Trung Quốc.
Theo ông Shin Gi-wook, giám đốc Trung tâm Nghiên cứ châu Á-Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford, tin đồn đảo chính có thể xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Triều Tiên loại bỏ nhân vật số 2 Choe Ryong-hae gần đây.
Ông Shin nói: “Choi Ryong-hae chỉ ngồi ở vị trí số 2 trong vòng 6 tháng, một quãng thời gian quá ngắn ngủi. Ở bất cứ nước nào cũng vậy, nếu nhân vật số 2 bị thay đổi nhanh như vậy, có nghĩa là đã có điều gì đó xảy ra”.
 - 2
Ông Kim tập tễnh bước đi trong một sự kiện hồi tháng 7
Sở dĩ nhà lãnh đạo Kim Jong-un được dư luận và truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm vì nhiều người cho rằng sức khỏe của nhà lãnh đạo này có liên hệ mật thiết với số phận của Triều Tiên.
Ngoài tin đồn đảo chính, một số người còn nhận định rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều khả năng đang có một số vấn đề về sức khỏe liên quan đến tình trạng béo phì của ông. Hồi tháng 7, ông Kim xuất hiện trên truyền hình với những bước đi tập tễnh trong ngày giỗ ông nội mình.
Hôm 30/9, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một nguồn tin bên trong Triều Tiên cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa mới được phẫu thuật mắt cá chân và hiện vẫn đang phải nằm viện.
Nguồn tin này cho biết: “Tôi nghe nói ông Kim bị thương mắt cá chân phải hồi tháng Sáu sau khi đến thăm một loạt đơn vị quân đội và cuối cùng cả 2 mắt cá chân đều bị thương vì ông không chịu chữa chạy”.
 - 3
Ông Kim Jong-un đã lên cân đáng kể trong thời gian gần đây
Cũng theo nguồn tin này, ông Kim đã được phẫu thuật tại bệnh viện Bonghwa chuyên dành cho các cán bộ cấp cao hồi giữa tháng Chín và hiện vẫn đang trong quá trình hồi phục.
Các cận vệ thường xuyên xuất hiện tại bệnh viện này, và an ninh xung quanh cũng được thắt chặt, trong khi số lượng quan chức cấp cao đến thăm bệnh viện này tăng đột biến.
Một quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết xe của ông Kim vẫn chưa rời khỏi Bình Nhưỡng, nên nhiều khả năng ông này vẫn đang ở thủ đô. Quan chức này nói rằng một trong những nguyên nhân khiến ông Kim bị thương ở mắt cá chân là do ông đã tăng cân rất nhanh trong thời gian gần đây.
 Nguồn Khámphạ.net

Trí Dũng (Theo Chosun, Sina)

Việt Nam đã mua máy bay không người lái của Israel ?


Trang mạng Flightglobal đưa tin Việt Nam đã mua máy bay không người lái (UAV) Orbiter 2 của Israel.

    Theo Flightglobal (một website của tập đoàn Reed Business Information, chuyên cung cấp thông tin liên quan tới ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ), UAV mini này sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ giám sát mục tiêu từ trên không cho lực lượng pháo binh. Hiện giá trị hợp đồng và số lượng UAV mà Việt Nam đặt mua chưa được tiết lộ.
    UAV trinh sát mini Orbiter 2
    Đề tài nghiên cứu Ứng dụng thiết bị bay không người lái MICRODRONE MD4-1000 trong thành lập bản đồ 3D độ chính xác cao, phục vụ tốt cho hoạt động tác chiến quân sự vừa hoàn thành.
    Orbiter là một hệ thống máy bay không người lái nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ được thiết kể để sử dụng trong các nhiệm vụ quân sự và an ninh nội địa. Hệ thống cung cấp các giải pháp cuối cùng cho nhiệm vụ trinh sát, xung đột cường độ thấp và các hoạt động chiến tranh đô thị.
    UAV Orbiter 2 có độ cao hoạt động tối đa 5,4 km, phạm vi liên kết dữ liệu tối đa 80 km, tốc độ tối đa 130 km/h. UAV này có thể mang theo tải trọng cảm biến nặng 1,5 kg, thời gian hoạt động liên tục khoảng 3-4 giờ.
    Trước đó trong tháng 05/2013, cũng có thông tin Việt Nam lên kế hoạch mua UAV từ Belarus, bên cạnh đó Việt Nam cũng đang phát triển các máy bay không người lái nội địa. Sự có mặt của loại UAV trinh sát mini Orbiter 2 sẽ nâng cao đáng kể khả năng trinh sát cho quân đội Việt Nam.
    Theo Đại Lộ

    Ngày càng có nhiều lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, do từ mấy tuần qua người ta không còn thấy ông xuất hiện trước công chúng.
    Lãnh đạo trẻ của chế độ Bình Nhưỡng, năm nay 30 hoặc 31 tuổi, đã không thấy xuất hiện trước công chúng kể từ đầu tháng 9 đến nay. Vào tuần trước, Đài truyền hình Nhà nước Bắc Triều Tiên đã gián tiếp xác nhận là lãnh tụ chế độ Bình Nhưỡng đang bị bệnh, đúng hơn là đang « khó ở », nhưng không nói rõ là ông bị bệnh gì.
    Được biết ông Kim Jong-Un là một người rất khoái ăn nhậu, cho nên ngay lập tức các chuyên gia suy đoán ông bị những bệnh có liên quan đến chế độ ăn uống. Một cựu cố vấn của gia đình họ Kim, ông Kenji Fujimoto, đã đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, gần đây cho biết là ông Kim Jong Un thường xuyên ăn Big Mac ( thức ăn nhanh McDonald ), uống nhiều rượu vodka ( có khi một mình uống cả chai ) và hút thuốc. Lãnh đạo trẻ của Bình Nhưỡng cũng rất thích ăn fromage của Thụy Sĩ, nơi mà vào lúc trẻ ông đã đi học. Ông cũng đã cử nhiều quan chức đi các nước để tìm mua những loại fromage thật ngon đem về cho ông.
    Người ta đã chú ý đến tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-Un từ tháng 7 vừa qua, sau khi xem một đoạn video trong đó lãnh đạo Bắc Triều Tiên có vẻ mập hơn nhiều so với lần xuất hiện trước đó và đi tập tễnh.
    Những hình ảnh gần đây cho thấy là Kim Jong-Un đi đứng càng khó khăn hơn, cho nên người ta suy đoán rất có thể là ông bị gout. Nhưng một nguồn tin cho hãng tin Yonhap gần đây biết là ngoài bệnh gout, ông còn bị béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao. Đây là điều dễ hiểu vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên ăn uống quá độ mà lại không tập thể dục thể thao.

    Theo tờ Chosun Ilbo, do quá mập cho nên ông Kim Jong-Un đã bị trật cả hai cổ chân, phải vào bệnh viện để mổ và hiện còn nằm viện, cho nên đã không thể dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Bắc Triều Tiên ngày 25/09 vừa qua. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên vắng mặt tại buổi khai mạc kỳ họp của Quốc hội.
    Cũng theo tờ báo nói trên, dường như lãnh đạo trẻ họ Kim đã bị trật cổ chân khi đi thăm các căn cứ quân sự và các nhà máy với đôi giày có đế cao để làm tăng chiều cao cho ông, tạo thêm uy thế của lãnh tụ. Một nguồn tin cho tờ báo này biết là chung quanh bệnh viện nơi Kim Jong-Un đang tĩnh dưỡng có rất nhiều lính gác và an ninh ở khu vực này được tăng cường chặt chẽ.
    Có tin là cách đây không lâu các quan chức Bắc Triều Tiên đã sang Thụy Sĩ và Đức để hỏi về cách thức điều trị cho ông Kim Jong-Un. Cũng có tin là một đoàn bác sĩ từ châu Âu đã đến Bắc Triều Tiên gần đây, có lẽ là để điều trị cho một lãnh đạo cao cấp.
    Đến ngày 10/10 tới đây, ngày kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, các nhà quan sát sẽ chăm chú nhìn trên khán đài để xem ông Kim Jong-Un có xuất hiện trở lại hay không. Nhưng đúng là trong một đất nước khép kín nhất thế giới này, rất khó mà biết được những gì đã thật sự xảy ra với lãnh chế độ đạo Bình Nhưỡng.
    Nguồn RFi

    Monday, September 29, 2014

    Cướp giật hung bạo ở Sài Gòn: Ám ảnh kẻ cướp 'máu lạnh'


    Ai đeo khẩu trang cũng nghĩ là cướp

    Thời gian gần đây, cướp giật hung bạo xuất hiện trở lại Sài Gòn khiến người dân luôn lo lắng, bất an. Có nhiều vụ, người đi đường không giấu được cảm giác bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến kẻ cướp gây án máu lạnh dẫn đến những cái chết thương tâm ngay trên đường phố. 
    Cướp giật hung bạo ở Sài Gòn: Ám ảnh kẻ cướp 'máu lạnh'
    Nạn cướp giật hung bạo xuất hiện trở lại Sài Gòn khiến người dân bất an 
    Theo một điều tra viên, hầu hết các đối tượng gây ra những vụ cướp giật trên địa bàn TP.HCM đều có tiền án, tiền sự và nghiện ma túy nặng. Do không có tiền “phê” ma túy, bọn chúng thường lảng vảng khắp các tuyến đường của thành phố để “ăn hàng”.

    Video thiếu nữ bị cướp trắng trợn trước cửa hiệu thuốc


    Khi xác định được con “mồi”, chúng ra tay rất nhanh và táo tợn khiến nạn nhân không kịp phản ứng. Dù công an các quận, huyện đóng trên địa bàn TP.HCM thường xuyên cắt cử các tổ trinh sát tuần tra, chốt chặn tại những điểm “nóng” nhưng tình trạng cướp giật vẫn thường xuyên xảy ra.

    Ông Sáu (ngụ quận Bình Thạnh) - người từng hơn 10 năm hành nghề xe ôm tại trung tâm quận 1 - cho biết hàng ngày chứng kiến nhiều vụ cướp trở thành nỗi ám ảnh.

    Cướp giật hung bạo ở Sài Gòn: Ám ảnh kẻ cướp 'máu lạnh'
    Dù lực lượng CSCĐ, cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an TP.HCM luôn chốt chặn tại các điểm "nóng" nhưng tình trạng cướp giật vẫn xảy ra như cơm bữa 
    “Ở Sài Gòn bây giờ cướp giật xảy ra như cơm bữa, có ngày tôi chứng kiến từ 3-4 vụ cướp. Nhưng điều làm tôi buồn nhất là có những người nước ngoài khi sang Việt Nam đi du lịch đều bị cướp hết tài sản; thậm chí không còn giấy tờ tùy thân để làm thủ tục về nước.", ông Sáu trầm ngâm nói.

    Ông Sáu kể, năm 2012 từng bị 1 tên cướp thuê chở về địa bàn quận 8 với mục đích cướp tài sản. Vì cảnh giác từ trước nên khi bị truy sát, ông Sáu đã thoát được và chạy vào nhà người dân tri hô cầu cứu. Vụ cướp này ông Sáu may mắn thoát chết, còn tên cướp bị người dân truy lùng nhưng không tóm được.
    Video: PV VTC News theo chân hiệp sĩ đuổi bắt cướp giữa Sài Gòn


    Khi hỏi về tình trạng cướp giật bùng phát trở lại trong thời gian gần đây, những người bán hàng rong khắp đường phố Sài Gòn đều lắc đầu ngán ngẩm.

    “Thường xuyên chứng kiến nhiều vụ cướp, giờ tôi có cảm giác những ai đeo khẩu trang đều là cướp vậy. Thật ra, kẻ cướp hiện nay gồm nhiều thành phần và manh động lắm, chỉ có cảnh giác tột độ mới khỏi bị cướp thôi. Tôi đã nhìn thấy nhiều người bị cướp đã không may tử vong vì bị kẻ cướp đạp đổ xe khiến họ ngã xuống đường. Nhiều người bị thương tích nặng, tàn tật hết đời vì bọn cướp hung hãn", bà N.T.L (56 tuổi, người bán hàng rong trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) chia sẻ.
     
    'Sài Gòn bây giờ bất an quá'

    KCN thuộc xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), cầu vượt An Sương (quận 12), đường 3/2 (quận 10), Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức)… ở Sài Gòn từ lâu được biết đến là những điểm “nóng” về các tệ nạn mại dâm, cướp giật...
    Cướp giật hung bạo ở Sài Gòn: Ám ảnh kẻ cướp 'máu lạnh'
     Anh Hà Văn Nhật chưa hết bàng hoàng sau vụ cướp táo tợn xảy ra vào đêm 29/9
     
    Đặc biệt, khu vực dưới chân cầu Sài Gòn (hướng về quận 2 và quận Bình Thạnh) nạn cướp bóc đang khiến người dân luôn có trạng thái bất an. Đơn cử như mới đây, một người đàn ông quốc tịch New Zealand điều khiển xe máy chở bạn gái (khoảng 22 tuổi) lưu thông hướng từ quận Bình Thạnh rẽ vào đường Trần Não (quận 2, TP.HCM).

    Khi vừa đổ dốc cầu Sài Gòn không được bao xa, bất ngờ xuất hiện 2 đối tượng đi trên xe gắn máy áp sát giật túi xách của cô gái đeo trên vai. Nạn nhân giằng co lại khiến xe máy của người nước ngoài ngã nhào xuống đường. Cô gái trẻ bị chấn thương sọ não được người dân đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng đã tử vong.
    Video: Cướp điện thoại bị dân trói đánh hộc máu mũi giữa phố

    Mới đây, khoảng 20h đêm 29/9, anh Hà Văn Nhật (SN 1984, tạm trú quận Thủ Đức) điều khiển xe gắn máy lưu thông trên Quốc lộ 13 hướng từ bến xe Miền Đông về quận Thủ Đức. Khi anh đang nghe điện thoại thì lập tức bị 2 đối tượng áp sát xe, giật phăng chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia bỏ chạy. 

    Tuy nhiên, do chỉ cướp được chiếc điện thoại "cùi bắp", 2 tên cướp tức tối quay lại "cười đểu" anh Nhật rồi bỏ đi. Riêng anh Nhật vì sợ đối tượng gây chuyện không dám tri hô mà chỉ biết lẳng lặng đi về nhà. Vì tài sản bị cướp không lớn nên anh Nhật không trình báo công an. 

    “Cách đây không lâu, tôi cũng từng bị cướp 1 chiếc điện thoại hiệu Sony ngay tại đoạn đường này mà không dám phản ứng. Sài Gòn bây giờ bất an quá, cứ ra đường là sợ bị cướp giật!”, anh Nhật lo lắng. 

    Gần đây, một số người dân ở quận Thủ Đức đang bàn tán xôn xao về thủ đoạn cướp giật hết sức tinh vi của băng nhóm lạ mặt trên Quốc lộ 1A. 
    Cướp giật hung bạo ở Sài Gòn: Ám ảnh kẻ cướp 'máu lạnh'
    Những người hành nghề xe ôm ở Sài Gòn cũng luôn là con "mồi" mà đối tượng nhắm đến để cướp tài sản
    Theo chị Nguyễn Thị Nhi (ngụ quận Thủ Đức), khoảng 1 tháng trước, chị đang đổ xăng ở cây xăng Huệ Thiên trên Quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) thì xuất hiện 2 đối tượng lảng vảng gần khu vực cây xăng.

    Nhanh như cắt, chúng tiến đến mở cổ chiếc xe tay ga của chị Nhi để cướp thì bị người dân phát hiện nên tẩu thoát ra hướng cầu vượt Gò Dưa. Một số người dân sau đó dùng xe gắn máy đuổi theo nhưng 2 tên cướp đã nhanh chân leo lên xe đồng bọn chờ sẵn thoát thân.

    Trước tình trạng cướp giật ngày càng lộng hành, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân ra đường cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng cướp giật. Người dân phải tự bảo quản cẩn thận tài sản cá nhân và tính mạng của mình; không đeo đồ trang sức đắt giá, không sử dụng ĐTDĐ đắt tiền khi đang lưu thông trên đường, ba lô nên để trong cốp xe hoặc đeo trước ngực.

    Thường xuyên quan sát kính chiếu hậu xem có đối tượng khả nghi đeo bám hay không... Khi phát hiện đối tượng nghi vấn hãy gọi điện cấp báo cho các trinh sát hình sự đặc nhiệm Công an TP.HCM hoặc cơ quan công an gần nhất để đấu tranh phòng chống tội phạm. 


     Sỹ Hưng

    Hồng Kông: Sinh viên tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ


    Khí thế đấu tranh của sinh viên Hồng Kông không hề suy giảm, bất chấp sự trấn áp của cảnh sát. Sáng nay, hàng ngàn người vẫn tiếp tục đấu tranh đòi chính quyền Bắc Kinh phải chấp nhận để người dân ở Hồng Kông tự lựa chọn lãnh đạo của họ trong cuộc bầu cử vào năm 2017.
    Chính việc cảnh sát dùng vũ lực để trấn áp giới sinh viên đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ, đặc biệt từ phong trào Occupy Central. Chính quyền Hồng Kông đã phải ra lệnh rút lực lượng cảnh sát chống bạo động.
    Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Chengy tường trình :
    « Hồng Kông thức giấc trong bối cảnh gần như siêu thực sau những ngày cuối tuần bị chấn động mạnh. Phong trào chiếm đóng một cách hòa bình mang tên Occupy Central, theo dự kiến sẽ bắt đầu vào thứ Tư tới, để chiếm đóng trung tâm tài chính của Hồng Kông. Thế nhưng, ban tổ chức đã cho khởi phát phong trào ngay từ tối thứ Bẩy, rạng sáng Chủ nhật, tức là sớm hơn dự định 3 ngày rưỡi, để ủng hộ phong trào đấu tranh của sinh viên diễn ra từ thứ Hai tuần trước. 
    Hàng chục trường học đóng cửa ngày hôm nay và chỉ số trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã tụt giảm mạnh trong phiên khai mở hôm nay. Khoảng 200 xe khách ngừng hoạt động hoặc phải chuyển hướng. Ban đầu, phong trào Occupy Central chỉ nhằm mục tiêu chiếm lĩnh trung tâm thương mại, kinh tế, nhưng giờ đây phong trào này đã chiếm lĩnh trên thực tế nhiều khu vực khác của Hồng Kông, trong đó có khu vực Wan Chai, Causeway Bay và thậm chí cả khu vực rất đông dân như Mongkok. Như vậy, Occupy Central trở thành Occupy Hongkong.
    Chính việc cảnh sát lạm dụng lựu đạn hơi cay và hạt tiêu để chống lại những người biểu tình, vốn chủ trương và duy trì thái độ bất bạo động, đã làm dấy lên một phong trào ủng hộ, liên kết mạnh mẽ mà đa phần là tự phát ».
    Nguồn FRi

    Người Hong Kong tích trữ lương thực cho biểu tình lâu dài


    VOV.VN - Hàng chục nghìn người biểu tình ngày 29/9 mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên khắp các con phố ở Hong Kong.

    Theo Reuters, họ cũng đã tích trữ lương thực và dựng hàng rào do lo ngại cảnh sát có thể sẽ phải tìm cách dẹp các cuộc biểu tình trước ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10).
    Cảnh sát chống bạo động Hong Kong đã phun hơi cay vào người biểu tình vào cuối tuần qua nhưng đến ngày 28/9, họ đã ngừng việc này do những cuộc biểu tình đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Người biểu tình đã luân phiên canh gác cho nhau trong đêm 29/9 trên các đường phố tại Hong Kong.
    Một quầy cung cấp xúc xích cho những người tham gia biểu tình ở Hong Kong (Ảnh Reuters)
    Rất nhiều người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, đang yêu cầu Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh từ chức, sau khi Bắc Kinh ngày 31/8 từ chối việc Hong Kong được bầu cử để chọn ra nhà lãnh đạo cho mình trong năm 2017.
    Những người biểu tình đã tuần hành ở ít nhất 4 khu phố đông đúc nhất của Hong Kong, bao gồm khu hành chính Admiralty, khu trung tâm tài chính và Causeway Bay, một trong những khu phố mua sắm đông đúc nhất tại Hong Kong và khu dân cư Mong Kok ở Kowloon.
    Kể từ đêm 26/9, khoảng 80.000 người đã đổ ra khắp các đường phố tại Hong Kong. Họ dựng các trạm cung cấp nước sạch, trái cây, áo mưa, khăn mặt, kính và lều trại và tuyên bố sẽ đấu tranh lâu dài.
    Một số người còn dựng hàng rào sắt tại nhiều vị trí để ngăn cản bước tiến của cảnh sát. Tại một con phố, nhiều xe tải và xe du lịch đã được đỗ nối đuôi nhau để chặn đường.
    Các cuộc biểu tình tại Hong Kong dự kiến sẽ gia tăng trong ngày 1/10 và có thể lan sang cả Macau.
    Cảnh tượng hỗn loạn tại Hong Kong được phát trên truyền hình đã gây ra những ấn tượng sâu sắc ở khắp nơi trên thế giới.
    Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố Bắc Kinh “cần phải lắng nghe thật kỹ những đòi hỏi của người dân Hong Kong”./.
    Trần Khánh/VOV.VN

    Người biểu tình ca hát, thắp sáng đường phố Hong Kong


    Nguồn VNExpess.net 
    Bầu không khí ở Hong Kong dịu xuống, với hàng chục nghìn người biểu tình ngồi hoặc ca hát, dùng điện thoại thắp sáng các quảng trường và đường phố, trong khi cảnh sát không hiện diện nhiều và dữ dội như đêm qua.
    lightsup-8745-1412010075.jpg
    Tối 29/9, đường phố Hong Kong không còn bóng dáng của hơi cay và dùi cui như đêm trước. Người biểu tình ôn hòa thắp sáng phố xá bằng điện thoại. Bầu không khí mang vẻ hội hè.
    policetense-6620-1412010075.jpg
    Tại Wanchai, có lúc tình hình căng thẳng khi cảnh sát huy động thêm khoảng 100 người, mang rào chắn để bảo vệ các tòa công sở trong khi người biểu tình ngồi để bày tỏ sự phản đối.
    20140929-212801-resized-0-8131-141201007
    Một đoàn người biểu tình đem theo chữ thập lớn, hát và cầu nguyện cho Hong Kong.
    grass-9435-1412010075.jpg
    Nhiều thanh niên biểu tình ngồi bên quảng trường tưởng niệm chiến tranh. Dù đông, không một ai giẫm lên cỏ. Giới chức Hong Kong thông báo nhiều trường học vẫn đóng cửa ngày mai, trong khi sinh viên tiếp tục bãi khóa. Các trường cũng được đề nghị linh hoạt với học sinh sinh viên nếu họ đi muộn hoặc vắng mặt vì lý do tắc nghẽn giao thông.
    image2-4974-1412010075.jpg
    Một khu trung tâm thương mại tối nay đóng cửa như giờ thường lệ. Quản lý trung tâm cho biết đêm qua là đặc biệt khi họ mở cửa muộn, bởi thấy cảnh sát dùng hơi cay nên để ngỏ cửa trung tâm, phòng khi người biểu tình cần chỗ trú ẩn.
    sogophoto-3710-1412010075.jpg
    Nơi phục vụ hậu cần cho phong trào biểu tình và bãi khóa. Người biểu tình Hong Kong phản đối các quy định mới về bầu cử chính quyền đặc khu mà Bắc Kinh đưa ra.
    s3-reutersmedia-net-1834-1412010075.jpg
    Không khí lắng dịu của đêm 29/9 khác xa những gì diễn ra 24 giờ trước đó.
    Ánh Dương (theo SCMP)

    Bác tin Bắc Kinh sẽ trấn áp biểu tình


    Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ vẫn còn trụ lại trên đường phố Hong Kong bất chấp hơi cay của cảnh sát và phớt lờ lời kêu gọi hãy về nhà của chính quyền.
    Trong đêm qua ngày 28/9, cảnh sát chống bạo động đã tiến vào đám đông sau khi đưa ra cảnh báo chính thức rằng các cuộc biểu tình như thế này là ‘bất hợp pháp’.
    Những người biểu tình phản đối kế hoạch của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh kiểm duyệt các ứng viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017.

    ‘Không có chuyện đàn áp’

    Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã trấn an công chúng rằng tin đồn về việc Bắc Kinh sẽ dùng quân đội để trấn áp là ‘không đúng sự thật’.
    “Tôi hy vọng công chúng sẽ giữ bình tĩnh. Đừng để bị tin đồn dẫn dắt,” ông Lương nói.
    “Cảnh sát sẽ cố gắng duy trì trật tự xã hội, trong đó có đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho công chúng.”
    Hàng ngàn người biểu tình vẫn cắm trại qua đêm bên ngoài trụ sở chính quyền. Nhiều người đã dựng hàng rào.
    Trong một dấu hiệu cho thấy biểu tình đang lan rộng, đã có thêm các cuộc biểu tình mới ở các khu vực khác.
    Khoảng 3.000 người đã phong tỏa một con đường chính băng qua vịnh ở Mongkok trong khi 1.000 người khác đã đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở quận mua sắm sầm uất Causeway Bay nằm về phía đông trung tâm Hong Kong.
    Trước giờ cao điểm vào sáng thứ Hai ngày 29/9, cảnh sát đã ra thông cáo kêu gọi người biểu tình ‘giữ bình tĩnh, ngưng tấn công vào hàng rào cảnh sát cũng như ngừng chiếm giữ các con đường chính’.
    Sở Giáo dục Hong Kong cũng thông báo rằng các trường học ở Wan Chai cũng như các quận trung tâm và phía Tây sẽ đóng cửa.
    Trong các diễn biến khác, hơn 200 tuyến đường xe buýt đã bị hủy hoặc đổi hướng, một số cửa ra ở trạm xe điện ngầm trong khu vực biểu tình cũng bị chặn.
    Một số ngân hàng trong khu vực bị ảnh hưởng đã tạm dừng hoạt động.
    Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 78 người trong ngày 28/9 sau khi bắt giữ 70 người một ngày trước đó.
    Còn ở Đài Bắc, thủ phủ Đài Loan, một số người cũng đã tụ tập bên ngoài Phòng Văn hóa Hong Kong để bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình.
    Tổng thống Mã Anh Cửu nói Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Hong Kong.

    ‘Ông Lương hãy từ chức’

    Nhiều trung tâm mua sắm của Hong Kong đã bị phong tỏa
    Cho đến lúc này, cảnh sát Hong Kong đã dùng dùi cui, hơi cay và xịt tiêu để đối phó với người biểu tình với các mức độ thành công khác nhau.
    Tuy nhiên, các lãnh đạo biểu tình đã kêu gọi người biểu tình rút lui nếu cảnh sát dùng đạn cao su.
    “Đây là vấn đề sinh mạng. Nếu mạng sống của người biểu tình gặp nguy hiểm thì họ nên rút lui để giữ mạng,” giáo sư Chan Kin-man, một người đồng sáng lập của nhóm Occupy Central, nói.
    Phong trào biểu tình rộng lớn Occupy Central đã dồn sức ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên và đẩy lên sớm hơn một chiến dịch bất tuân dân sự mà họ dự kiến sẽ phát động vào đầu tháng 10.
    Trong một thông cáo hôm 28/9, tổ chức này đã kêu gọi ông Lương hãy từ chức và nói rằng ‘chỉ như thế mới có thể tái khởi động tiến trình cải cách chính trị và tạo một không gian để tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng’.
    Trung Quốc có một đội quân của Giải phóng Quân PLA đóng ở Hong Kong. Họ nói họ tin tưởng rằng chính quyền Hong Kong có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng.
    Một phát ngôn nhân của Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh ‘kiên quyết phản đối mọi hành động phi pháp phá hoại nền pháp trị và gây nguy hoại cho bình yên xã hội’. Bắc Kinh cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền Hong Kong, Tân Hoa Xã đưa tin.
    Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đang lo lắng rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ có thể lan đến các thành phố khác ở đại lục.
    nguồn BBC

    Chuyện Đông Âu kéo tượng Lenin


    Thời gian trước, trên diễn đàn của người Việt ở Ukraine, có tin chính quyền một thành phố ở xứ này quyết định hạ tất cả tượng đài Lenin ở địa phương để tránh những vụ phá phách của những kẻ không ưa vị lãnh tụ vô sản.
    Và sau mẩu tin, có nhiều ý kiến thương khóc, trách móc của độc giả Việt, cho rằng hành động trên là 'phản bội quá khứ', 'tráo trở', 'ăn cháo đá bát'...
    Đọc những bình luận đó, có thể liên tưởng tới những vần thơ “bất hủ” của Tố Hữu thời 1953, khi ông ta cùng các đồng chí khóc Stalin trong thi phẩm 'Đời đời nhớ Ông'.
    Đối với một kẻ xa lạ, ở một đất nước mà khi đó có lẽ đại đa số dân Việt chưa biết là ở đâu, chưa thấy có mối liên hệ hay công trạng gì với Việt Nam, nhưng nhà thơ lại rưng rưng:
    “Yêu biết mấy khi con học nói - Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”.
    Để rồi trong cả 'bài thơ', thi sĩ nhiều khi òa lên một cách hết sức vô duyên:
    “Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi! - Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không? - Thương cha, thương mẹ, thương chồng - Thương mình thương một, thương Ông thương mười...”. Và đặt vào miệng con trẻ những lời hết sức “chối”: “Con còn bé dại con ơi - Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!”.

    'Sùng bái lãnh tụ'

    Tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ một cách mù quáng, vô độ, phổ biến trong thế giới cộng sản xưa, đã bị chính các đảng cộng sản bài trừ từ vài chục năm nay, coi đó là cội nguồn của những thảm họa dân tộc.
    Chỉ cần đọc lại bản báo cáo mật của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 vào cuối tháng 2-1956, là đủ thấy những hậu quả khôn lường của nó.
    Dầu sao đi nữa, không thể không đặt câu hỏi: Stalin trên cương vị một trong những đao phủ lớn nhất của lịch sử loài người tất nhiên là đáng lên án, nhưng phải chăng chỉ ông ta mới 'đáng trách'?
    Phải chăng ông là cội nguồn của tất cả những tội ác, mà sau này, một sử gia của Pháp đã nhận định rằng, đau đớn thay, đó là tội ác của một nhà nước nhằm vào và chống lại nhân dân của chính mình?
    Câu trả lời là Không.
    Bởi lẽ, Stalin đã tiếp thu và tất nhiên, có nâng cao tất cả những tệ hại nhất của người thầy Lenin - như chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, thanh trừng và khủng bố, đàn áp tôn giáo...


    Lenin rất mạnh tay với giới trí thức và hóa truyền thống Nga

    Tất cả những tội ác đó đã được thực hiện rất triệt để trong thời gian 1917-1922, tức là khi Lenin còn khỏe và mọi hành động của ông đều là rất có ý thức, chứ không phải sự nhầm lẫn đáng tiếc lúc già yếu.
    Trên cương vị người sáng lập nhà nước vô sản đầu tiên trên hoàn cầu, suốt đời hoạt động của mình, Lenin trước sau như một ủng hộ sự áp dụng bạo lực cách mạng như một phương tiện cần thiết và tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội và chính trị.
    Sự độc đoán và phi dân chủ đó của ông đã khiến cả những gương mặt lớn, cùng lý tưởng - như Rosa Luxemburg, hay văn hào Maxim Gorky - phải 'kêu trời'.
    Cũng trong thời gian đó, những phần tử ưu tú, tinh hoa nhất của giới trí thức Nga truyền thống đã bị cưỡng bức rời quê hương - mở đầu cho một thông lệ tệ hại ở Liên Xô là chính quyền có thể trục xuất chính công dân mình nếu cảm thấy ai đó có thể không hợp hoặc không có lợi cho họ.
    Đấy cũng là tội của Lenin - người rất thấu hiểu sức mạnh của tri thức nên đã rất mạnh tay với giới trí thức, với nền văn hóa truyền thống Nga.
    Thế nên, rất có thể đối với Đảng Cộng sản Liên Xô, hoặc với cá nhân ai đó thì Lenin (từng) là thần tượng, là người hiền, nhưng chỉ cần đọc lại một chút những nghiên cứu lịch sử đứng đắn là biết được di sản của Lenin nguy hại như thế nào đối với một phần đáng kể nhân loại.
    Vậy có nên tiếp tục nhắm mắt nhắm mũi mà sùng bái ông hay không, nhất là nhiều khi chỉ là theo quán tính, theo thói quen mà không hề có óc suy xét?
    Hơn thế nữa, liên quan tới quyết định của thành phố nọ, có thể nghĩ xem Lenin đã làm được gì cho Ukraine, mà Ukraine cần giữ tượng đài Lenin ở mọi nơi?
    Những pho tượng ấy đã được dựng lên - và có thể phù hợp với ý thức hệ bị cưỡng bức của một thời kỳ nào đó, khi dân tộc Ukraine chưa được độc lập - thì bây giờ, sau hai mươi ba năm, nếu thấy nó ko còn phù hợp nữa, người ta hạ xuống. Có gì đáng thương khóc?
    Những tượng đài Lenin, hồi xưa vốn hiện diện nhan nhản, đa phần do bị bắt buộc ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ tại Đông Âu, thì nay dường như đã bị loại sạch.
    Có những nơi như tại Hungary, những pho tượng ấy được tập trung lại một nơi để ai có nhu cầu tìm hiểu quá khứ có thể tới thăm viếng.

    Thêm một pho tượng Lenin bị kéo đổ ở Ukraine

    Như thế là văn minh: vị trí của chúng là ở đó, chứ không phải tại các quảng trường, nơi công cộng... bởi công tội phải phân minh.
    Cũng như, lịch sử phải được tôn trọng, quá khứ phải được nhìn nhận sòng phẳng. Người dân Đông Âu biết đánh giá hơn ai hết giá trị to lớn của nền văn hóa Nga, vẻ đẹp của đất nước Nga, họ cũng không có vấn đề gì với dân tộc Nga vốn được mô tả như những con người hiền hậu, tốt bụng và mến khách. Tuy nhiên với những trải nghiệm lịch sử đau đớn, họ quá hiểu cần gìn giữ cái gì, và loại bỏ cái gì.
    Việt Nam ta ở xa, chớ nên 'dạy khôn' cho họ.
    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả ký bút danh Người Dân đã đăng trên trang Nhịp cầu Thế giới hôm 20/8/2014 ở Hungary.
    Ghi chú:
    Rosa Luxemburg (1871-1919) là nhà cách mạng, triết gia, tác giả cuốn “Về cuộc cách mạng Nga” (Die Revolution in Russland) viết trong tù ngục để phê phán chủ trương của Lenin - tiêu diệt các đảng phái đối lập và bóp nghẹt dân chủ trong chính nội bộ Đảng. Rosa Luxemburg để lại câu nói nổi tiếng, đến giờ vẫn hay được trích dẫn: “Tự do dành riêng cho những ai ủng hộ chính phủ, dành riêng cho thành viên một đảng – cho dù đông đảo đến mấy – cũng không phải là tự do. Tự do, luôn phải là tự do của những người khác chính kiến”.
    Maxim Gorky (1868-1936), tác giả “Những suy tưởng không hợp thời” về cách mạng cộng sản Nga, bị cấm tại Liên Xô trong bảy thập niên trong khi chính quyền vẫn tung hô Gorky như là nhà văn lớn nhất của trường phái Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nguyên tác Nga ngữ thì kiếm: М. ҐОРЬКИЙ: Несвоеврменные мысли (đăng lần đầu trên tạp chí Литературное обозрение, số 9, 10, 12 năm 1988).
    Source BBC