Wednesday, May 14, 2014

Căng thẳng tăng cao tại Việt Nam trong vụ tranh chấp với Trung Quốc

 

Căng thẳng tăng cao tại Việt Nam trong vụ tranh chấp với Trung Quốc

 — Căng thẳng đang tăng cao tại Việt Nam với những cuộc biểu tình trên toàn quốc giữa những tranh chấp với Bắc Kinh về một giàn khoan dầu của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa. Thông tín viên đài VOA Mariane Brown tường trình từ Hà Nội.

Theo báo chí địa phương tại Hà Nội, hàng ngàn công nhân tại những công xưởng của Hong Kong và Đài Loan đổ ra đường kêu gọi Trung Quốc dời giàn khoan dầu khổng lồ của nhà nước ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Có tin một khách sạn tại một thị trấn bờ biển được du khách ưa chuộng từ chối nhận khách Trung Quốc, và những khách du lịch Việt Nam hủy bỏ những chuyến đi thăm Trung Quốc.

Cuối tuần qua, hàng trăm người biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, và những cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra trên toàn quốc. Nhiều cuộc biểu tình khác nữa dự trù sẽ xảy ra trong tuần này.


Truyền thông do nhà nước Việt Nam kiểm soát thường không tường thuật nhiều về những mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng trong tuần này, họ đã có vô số các bài tường thuật về những vụ đối đầu và những cuộc biểu tình.

Ông David Brown, chuyên gia về Việt Nam và từng phục vụ cho ngoại giao Mỹ, nói những hoạt động tường thuật ban đầu về vụ giàn khoan có tính chất dè dặt, nhưng sau đó, sự việc đã thay đổi một cách nhanh chóng.


“Đây là từ một người của báo chí dòng chính. Ông ấy nói rằng họ đã được chỉ thị là có thể in lại bất cứ những gì nhận được từ người nước ngoài. Tuy nhiên, họ vẫn phải cẩn thận đối với những gì họ viết. Đó là tình hình của một vài ngày đầu.”

Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu nhấn mạnh đến tầm quan trọng kinh tế và chính trị của Biển Đông, một khu vực được biết là có nhiều dầu mỏ và khí đốt.

Tuy nhiên Lô 143, nơi giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được kéo đến trước đây trong tuần, chưa được khai thác.

Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nói 'có một sự đồng thuận giữa các người trong ngành dầu mỏ là nơi này không phải là nơi có nhiều triển vọng'.

“Lô 143 không được khai thác. Việt Nam ít có nỗ lực để làm việc này, do đó họ chỉ tranh cãi để giữ Vùng Đặc quyền Kinh tế. Nếu qua lô kế cận thì tại đây đang có những hoạt động. Công ty ExxonMobil đang khai thác cách đó vài lô.”

Một số nhà quan sát đồn đoán là động thái này được Công ty Dầu khí Ngoài khơi của Trung Quốc CNOOC thúc đẩy.

Tuy nhiên, giáo sư Thayer không tán đồng nhận xét đó.
 
“Tôi nghe tin là công ty CNOOC khi được yêu cầu đến đây, lúc đầu họ trả lời không, vì việc hoạt động trong một thời gian dài ở đây rất tốn kém và đây không là ưu tiên cao đối với họ. Nhưng sau đó họ được lệnh đến đây.”



Giáo sư Thayer nói vấn đề này liên hệ đến chủ quyền, chứ không phải là lợi ích kinh tế.

Đây là thông điệp được truyền thông địa phương Việt Nam nhắc lại trong tuần trước, có liên hệ đến chiến lược của chính phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để chống Trung Quốc và tránh xung đột quân sự.

Tại một hội nghị của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ở Miến Điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một tuyên bố nói rằng 'tình hình cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải và an toàn ở Biển Đông'.



 Thiếu tướng Lê văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công An, nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rõ ràng kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

“Tôi thấy những lần trước phản ứng chưa tương xứng với hành động gây hấn của Trung Quốc. Lần này khác. Các bạn biết là tại ASEAN cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một tuyên bố rõ ràng mạch lạc và kiên quyết nói rõ những hành động của Trung Quốc, nói rõ thái độ của Việt Nam và kêu gọi quốc tế ủng hộ. Lần đầu tiên trong ba thập kỷ nay, theo quan sát của tôi, thưa các vị là tôi đã bỏ ra 32 năm nghiên cứu Trung Quốc từ năm 1972 đến bây giờ không ngưng nghĩ, tôi theo dõi, chưa bao giờ về phía Việt Nam từ cấp cao nhà nước đến người dân có phản ứng một cách mạch lạc, kiên quyết, kịp thời như vậy.”

Tuy nhiên tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên hôm thứ Hai là Biển Nam Trung Hoa không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Bà nói Trung Quốc đạt được nhận thức chung với các nước ASEAN trong việc đảm bảo an toàn và ổn định trong vùng.

Tại Việt Nam, có những lo ngại là căng thẳng có thể tiếp tục leo thang. Tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, tướng Lê Văn Cương nói nhiều người lo lắng về sự không cân bằng về lực lượng quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên ông nói Việt Nam có lịch sử đứng về phía mình.

Tướng Cương nói: “Và quan điểm cá nhân tôi thì không có chuyện gì phải lo sợ hết. Trung Quốc mạnh thật nhưng họ có rất nhiều chỗ yếu. Cái yếu nhất của họ là không có pháp lý, không có đạo lý, bị cả thế giới cô lập. Nếu như 8 tỉ người trên hành tinh này cùng một tiếng nói thì họ sống với ai?”

Tướng Cương nói rằng tuy là nước yếu về kinh tế, Việt Nam đã đánh bại Pháp vào năm 1954 và Mỹ trong những năm của thập niên 1970.

Theo VOA News

'Một lần nữa Asean lại chia rẽ'


 Thượng đỉnh Asean đã ra một tuyên bố mang tính 'trung hòa', 'trung lập' theo nhà bình luận.


Tuyên bố của Thượng đỉnh Asean lần thứ 24 một lần nữa cho thấy khối này đã chia rẽ ra sao trước một chủ đề nhạy cảm trong khu vực, theo một nhà quan sát châu Á từ châu Âu.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo của khối các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hôm Chủ Nhật cho thấy các quốc gia thành viên Asean khó có thể kỳ vọng vào một sự nhất trí chung trong vấn đề này, theo nhà nghiên cứu David Souquet, từ Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS).

Trao đổi với BBC hôm 12/5/2014 từ Brussels, Bỉ, nhà nghiên cứu nói:
"Bản tuyên bố phản ánh một thực tế trong khối Asean mà chúng ta đã chứng kiến từ trước trong những tình huống khó khăn như thế này,
"Một sự chia rẽ giữa và bên trong các thành viên của Asean thực ra cũng giống như ở bất cứ một nhóm nào, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu (EU) trong nhiều vấn đề."
"Bạn không thể trông đợi luôn có được một sự nhất trí hoàn toàn về bất cứ điều gì."
 "Đây chỉ là một nhóm quốc gia, và rất khó để lúc nào cũng có thể tìm kiếm được một sự nhất trí, nó cũng giống như cả Liên Hợp Quốc, bạn không thể kỳ vọng một sự thống nhất hoàn toàn và tuyệt đối, mọi vấn đề đều phải được đàm phán, bàn thảo,

"Và một số thỏa hiệp, nhượng bộ có thể sẽ diễn ra là hệ quả, tuy nhiên Asean cũng đã có một số tiến bộ, mặc dù so với EU, nhóm này còn thiếu vắng một số cơ cấu về luật pháp, về chế tài, về các hiệp định, nhưng không thể phủ nhận, Asean đã tích hợp vào thế giới theo một số cách lối riêng."
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu, những tuyên bố như ở Thượng đỉnh 24 về vụ giàn khoan có thể có một số tác động nhất định tới 'kỳ vọng' của các quốc gia thành viên Asean vào khối này, mỗi khi họ cần một sự 'hậu thuẫn quan trọng' của khối.
Ông Souquet nói:
"Chúng ta đã gặp tình hình như thế này từ trước, Philippines đã gặp vấn đề có tính chất tương tự từ trước, và trong quá khứ họ (Philippines) đã tìm kiếm sự hậu thuẫn của khối và họ đã nhận được những phản ứng tương tự,

"Tức là một phản ứng không phản ánh sự nhất trí của khối mà trái lại lại phản ánh một sự chia rẽ, chúng ta đã thấy điều đó từ trước,
"Tuy nhiên điều này không có ý nghĩa là một sự phá hoại của Asean, cũng tương tự như là không phải là sự phá hoại của Liên minh Châu Âu khi khối này bị chia rẽ,



'Không phải là đột ngột'

 Nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc cũng không hoàn toàn phải tỏ ra 'bất ngờ' hoặc 'ấn tượng' về phản ứng của khối Asean trong vụ giàn khoan.

Ông Souquet giải thích: "Đây là một quá trình đã diễn ra trong nhiều năm, toàn bộ câu chuyện không phải nổ ra từ tuần trước, Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm, thăm dò ở khu vực này trong thời gian một vài năm liền,
"Trung Quốc cũng đã đặt các vấn đề và cũng đã được hưởng ứng ít nhiều về 'hợp tác phát triển', 'cùng nhau chia sẻ' trong khu vực ở một số lĩnh vực,
"Họ cũng đã thử thái độ nhiều, cho nên tôi nghĩ họ sẽ không 'bi kịch hóa', hoặc là 'phấn khích quá' về thái độ của Asean, cũng như họ sẽ không nhìn đây là thắng lợi hay thất bại nào đó của khối này."
Trước câu hỏi bao giờ Trung Quốc có thể di chuyển giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực mà Việt Nam coi là vùng độc quyền kinh tế của mình, ông Souquet nói:
"Tôi nghĩ việc đặt giàn khoan vào địa điểm hiện nay đối với một công ty như CNOOC về mặt thương mại là một hoạt động đắt đỏ, việc di chuyển đi trong một thời gian ngắn sẽ gây tốn kém, tổn phí,
"Mặt khác, Trung Quốc cũng có thể đã đang có những kênh đối thoại, tham vấn với khối Asean về các hợp tác khác nhau, cho nên việc hủy bỏ ngay một kế hoạch thiết đặt giàn khoan như vậy cũng không phải là dễ dàng."

 
                                                                    Không phải là lần đầu Asean không thể có quan điểm rõ ràng về xung đột giữa TQ và thành viên.

Trước câu hỏi liệu Việt Nam có nên 'kiện Trung Quốc' ra các tòa quốc tế về không chỉ vụ giàn khoan HD-981 hiện nay mà cả về vụ việc Trung Quốc 'cưỡng chiếm Hoàng Sa' sau 40 năm không có động thái pháp lý nào hay không, nhà nghiên cứu nói:
"Như quý vị biết, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển ở Hamburg, và tới nay Tòa án này chưa có phán quyết về vấn đề này, nên bây giờ Philippines lại chuyển vụ việc sang Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague,
"Nhưng tiếp cận pháp lý này hết sức khó khăn, bởi vì Trung Quốc, cùng với nhiều quốc gia khác, đã nói rằng họ sẽ không tham dự và sẽ không tuân theo bất cứ một phán quyết nào,
"Do đó về mặt pháp lý, tôi không dám chắc chắn về tính hiệu quả, nhưng tôi cho rằng có thể động thái có thể mang lại một hiệu quả khác về mặt chính trị,
"Song mặt khác, tôi cũng thấy rằng có nhiều trường hợp tranh chấp, xung đột mà cộng đồng quốc tế chưa thể có một động thái can thiệp hiệu quả nào, trong nhiều vụ việc, các bên tranh chấp, xung đột phải tìm cách chung sống với nhau, mà không nhất thiết là mở ra chiến tranh, và tôi nghĩ điều này trong trước mắt có thể là một thực tế mà các bên nào đó phải chấp nhận."

'Cũng là một bước tiến'

Hôm thứ Hai, từ Hà Nội, một chuyên gia công pháp quốc tế nói với BBC ông tin rằng tuyên bố của Asean cũng có thể là chấp nhận được và có thể coi là 'một bước tiến'.
"Dù sao tuyên bố vừa rồi của cuộc họp cấp cao Asean cũng là một bước tiến, để ra được một tuyên bố chung về vấn đề tranh chấp Biển Đông, cũng nhắc lại tuyên bố DOC trước đây giữa Asean với Chủ tịch Nước Trung Quốc năm 2002, đó là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình," PGS. TS. Nguyễn Bá Diến, chuyên gia về luật quốc tế và luật biển nói với BBC.
"Thì đấy cũng là một bước tiến, đặc biệt là căn cứ vào tình hình chưa được đồng thuận lắm trong đội ngũ Asean vừa rồi, thì tôi nghĩ đó là một bước tiến,
"Tuy nhiên tuyên bố này chưa nêu rõ được, hay nói cách khác là chưa vạch trần được chủ mưu và chủ phạm trong vấn đề bất ổn trên Biển Đông hiện nay, và đặc biệt là việc hạ đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc, đó là Trung Quốc là chủ mưu và thủ phạm của việc gây bất ổn và tranh chấp ở Biển Đông."

Nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội tin rằng đây là thời điểm Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra quốc tế trên cả hai nội dung: vụ giàn khoan HD-981 và vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa từ năm 1974.
Ông Diễn nói: "Bây giờ có lẽ không còn con đường nào khác, có lẽ hợp pháp nhất, tiến bộ nhất, văn minh nhất, đó là sử dụng diễn đàn quốc tế, sử dụng luật pháp quốc tế, cho nên việc sử dụng các thiết chế tài phán quốc tế: như Hội luật gia, Tòa án Công lý Quốc tế,
"Hay là Tòa án Luật Biển, Tòa án Trọng tài, cũng như sử dụng các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an v.v..., tôi nghĩ rằng đó là con đường chính đáng, hợp pháp và đúng đắn nhất trong thời điểm hiện nay cho Việt Nam, cũng giống như Philippins vậy thôi."
Tuy nhiên, theo chuyên gia công pháp này, quyết định có đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không, mặc dù về mặt 'hồ sơ' đã đầy đủ, lại không thuộc thẩm quyền của giới chuyên gia về luật pháp mà phải đợi quyết định chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
"Đây là thời cơ và đây là sức mạnh vô địch của Việt Nam, cũng như các nước ở ven bờ Thái Bình Dương, nhưng sử dụng nó khi nào, lúc nào và thế nào lại thuộc vào ý trí chính trị, tức là ý trí của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước Việt Nam,
"Chứ còn chúng tôi nghĩ, thời cơ đã chín muồi, và căn cứ pháp lý cũng như những cơ sở về lập luận cũng như chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử Việt Nam có thừa, chứ không phải là chỉ có đầy đủ," PGS Nguyễn Bá Diến nói với BBC.
Theo BBC News.

Saturday, May 10, 2014

ASEAN kêu gọi tự chế trong tranh chấp Biển Đông

ASEAN kêu gọi tự chế trong tranh chấp Biển Đông

Các vị ngoại trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Naypyitaw, Myanmar, thứ Bảy 10/5/2014

 Các vị ngoại trưởng của 10 nước hội viên ASEAN đã bày tỏ quan tâm về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp với hai nước hội viên ASEAN là Việt Nam và Philippines.

Các giới chức này đã họp với nhau ngày hôm nay tại thủ đô Napyidaw của Miến Điện để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Thượng đỉnh ASEAN vào ngày mai.

Các giới chức cho biết tổ chức khu vực này hôm nay đưa ra một thông cáo chung để kêu gọi tự chế trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

 Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin hôm nay kêu gọi Trung Quốc và các nước liên hệ giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông bằng phương thức hòa bình.

Sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh, cho báo chí biết rằng ASEAN có thể có vai trò rất quan trọng cho việc giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ.

Ông Vinh nói thêm rằng mọi người cảm thấy hài lòng về việc ASEAN có thể nắm giữ một vai trò trọng yếu và đã có được một lập trường chung về vấn đề này, nhưng các nước không vui khi thấy những vụ việc xảy ra ngoài Biển Đông.

Hôm qua, Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh, cho biết tranh chấp Biển Đông sẽ ở vị trí hàng đầu của chương trình nghị sự. Ông cũng nói rằng ASEAN đang chuẩn bị để hình thành Cộng đồng Kinh tế vào tháng 12 năm tới.

Hồi đầu tuần này, Manila đã bắt 11 ngư phủ Trung Quốc về tội đánh bắt trái phép trong vùng biển gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Cảnh sát Philippines đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi họ trả tự do cho các ngư phủ này.

 Trong khi đó, các tàu bè của Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm với nhau trong vài ngày qua gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc mới đưa một giàn khoan dầu khổng lồ đến hoạt động trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Đòi hỏi của họ trùng lắp với những yêu sách chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.Trong khi đó, các tàu bè của Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm với nhau trong vài ngày qua gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc mới đưa một giàn khoan dầu khổng lồ đến hoạt động trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Đòi hỏi của họ trùng lắp với những yêu sách chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

 

 

TQ điều nhiều tốp phi cơ ra giàn khoan

TQ điều nhiều tốp phi cơ ra giàn khoan


Việt Nam nói Trung Quốc tiếp tục điều nhiều tàu và phi cơ ra khu vực giàn khoan.
Trung Quốc điều 'hàng chục tốp máy bay' đến khu vực giàn khoan HD-981 trên Biển Đông, theo truyền thông Việt Nam, trong lúc có tin diễn ra biểu tình chống Trung Quốc ở một số nơi tại Việt Nam.
Hôm 10/5/2014, tờ báo điện tử VnExpress của Việt Nam cho hay ngoài các phi cơ 'tuần tiễu', phía Trung Quốc tiếp tục điều 'tàu quân sự' ra khu vực giàn khoan được hạ đặt.
"Không chỉ điều hàng chục tốp máy bay tuần tiễu, Trung Quốc còn đưa 79 tàu, trong đó có tàu quân sự ra ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam trong khu vực đặt giàn khoan trái phép," VnExpress.net nói.
Cùng ngày, tờ Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn lời lãnh đạo lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam khẳng định 'tình hình vẫn diễn biến phức tạp.'
"Tình hình trên biển xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 9-5, Trung Quốc vẫn sử dụng tới 79 tàu thuộc 6 lực lượng hoạt động tại khu vực," Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam được tờ báo Quân đội dẫn lời nói.
"Trung Quốc sử dụng 3 tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753. Cùng với đó là 39 tàu chấp pháp, gồm 36 tàu hải cảnh và 3 tàu hải tuần, còn lại là tàu vận tải, tàu dịch vụ dầu khí và tàu cá"
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm
"Đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc sử dụng 3 tàu quân sự, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753. Cùng với đó là 39 tàu chấp pháp, gồm 36 tàu hải cảnh và 3 tàu hải tuần, còn lại là tàu vận tải, tàu dịch vụ dầu khí và tàu cá."
"Hành động của phía Trung Quốc rất chủ động, chuẩn bị phương án rất kỹ và luôn bố trí trên 70 tàu ở khu vực này," Tướng Đam nói thêm.
Trước đó, hôm 8/5, Trung Quốc đã mở họp báo về vụ căng thẳng giàn khoan và đưa ra cáo buộc nói các tàu của mình đã "bị các tàu Việt Nam đâm húc 171 lần trong 5 ngày."
Hôm thứ Năm, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói:
"Chính tàu Việt Nam đã khiêu khích chuyện này. Chính tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc".
Ông Dịch Tiên Lương còn nói trong vòng 5 ngày, Việt Nam đã điều '35 tàu, đâm cản tàu Trung Quốc 171 lần' và cáo buộc trong số tàu Việt Nam 'có tàu vũ trang', trong khi về phía Trung Quốc 'chỉ có tàu dân sự' hoặc 'tàu công vụ không vũ trang'.

'Giải tán, ngăn chặn'

Biểu tình chống TQ ở Sài Gòn 10/5
Cuộc 'biểu tình chống TQ' sáng 10/5 ở Sài Gòn đã 'nhanh chóng giải tán'.
Hôm thứ Bảy, có tin diễn ra một số cuộc 'diễu hành, phản đối' Trung Quốc liên quan vụ giàn khoan HD-981 ở vài nơi tại Việt Nam, trong đó có Sài Gòn và Hà Nội.
Tuy nhiên, một blogger từ Sài Gòn phản ánh rằng kế hoạch dự kiến 'diễu hành' với khoảng một trăm người tham dự đến trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn để phản đối Bắc Kinh 'bành trướng' và 'xâm lược' đã bị nhà chức trách thu giữ 'khẩu hiệu', 'băng cờ' v.v... trước khi nhanh chóng diễn ra và 'giải tán' trước khu vực.
Trước đó, cũng có tin vào chiều ngày 9/5, có 'hàng chục người' tham gia phản đối và 'giăng biểu ngữ' trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.
"Ông [Tổng thư ký LHQ] hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc"
AFP
Trong đó, theo một số bloggers, một số người biểu tình khoác áo đồng phục với dòng chữ No-U, đã 'kêu gọi trả tự do' cho một số bloggers và nhà bất đồng như các ông luật sư Lê Quốc Quân, bà Bùi Minh Hằng và blogger Ba Sàm.
Mặc dù 'có sự xuất hiện đông đảo' của lực lượng an ninh, cuộc biểu tình này đã diễn ra 'khá thuận lợi', theo phản ánh trên mạng xã hội của một số người tham gia.
Sáng 9/5, cũng đã diễn ra một cuộc mít-tinh phản đối Trung Quốc của ngư dân Việt Nam ở huyện đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, theo truyền thông trong nước.
Buổi mít-tinh phản đối việc Trung Quốc 'đưa giàn khoan xuống gần quần đảo Hoàng Sa' do Nghiệp đoàn nghề cá các xã An Hải và An Vĩnh chủ trì có sự tham gia của gần 800 đoàn viên, vẫn theo truyền thông trong nước.
Có tin, một số cuộc biểu tình, mít-tinh khác tại Việt Nam cũng đã được 'lên kế hoạch' vào ngày Chủ Nhật 11/5.

'Kêu gọi kiềm chế'

Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội chiều 9/5
'Biểu tình phản đối TQ' ở Hà Nội chiều 9/5 đã không bị 'can thiệp'.
Vu việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được cho là đang làm nóng lên bầu không khí trong khu vực ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 của các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Asean) sắp nhóm tại Myanmar.
Hôm 9/5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon đã đưa ra lời kêu gọi cả Việt Nam và Trung Quốc có các động thái 'kiềm chế tối đa' nhằm tránh căng thẳng trong khi tìm giải pháp cho vụ tranh chấp.
"Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc," ông Ban Ki-moon được hãng tin AFP hôm thứ Sáu dẫn lời nói.
Thông điệp của ông Ban được đưa ra giữa lúc tàu Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục 'đối đầu' trên biển.
"Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chấm dứt quấy rối ngăn cản hoạt động của Trung Quốc và phải rút ngay tàu cùng người khỏi hiện trường,"
Vụ phó Bộ Ngoại giao TQ Dịch Tiên Lương
Đại diện Chi đội kiểm ngư 3 của Việt Nam, ông Vương Mạnh Hòa, hôm 9/5 được các báo trong nước dẫn lời cho biết có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương trong các cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc, nâng con số bị thương từ phía Việt Nam lên 9 người từ khi căng thẳng bắt đầu.
Vị trí đối đầu được tin là ở gần giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, hiện đang được đặt ở phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/5, ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết một tàu cá của Quảng Ngãi đã bị hai tàu của Trung Quốc rượt đuổi và đâm trực diện, làm cho hư hỏng nặng khi đang khai thác hải sản gần Hoàng Sa hôm 7/5.
Về phía mình, như tin đã đưa, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của phía Việt Nam và nêu quan điểm cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển 'ngoài khơi Việt Nam' là "hoàn toàn hợp pháp lý và có cơ sở" vì đây là vùng biển "lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc".
"Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chấm dứt quấy rối ngăn cản hoạt động của Trung Quốc và phải rút ngay tàu cùng người khỏi hiện trường," Vụ phó Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dịch Tiên Lương nói hôm thứ Năm.