Saturday, August 30, 2014

Thủ tướng: Đòi hỏi dân chủ, pháp quyền của nhân dân là tất yếu


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ nhận thức rõ đòi hỏi về dân chủ, pháp quyền của nhân dân, của xã hội là đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan và cũng là xu thế của thời đại.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc.
Sáng 29/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Báo cáo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trình bày nêu rõ: Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các vấn đề về tổ chức cơ quan điều tra, về thi hành án; chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và thi hành án; chỉ đạo công tác bổ trợ tư pháp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác đào tạo cán bộ tư pháp và các chức danh tư pháp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về tư pháp; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật…
Các bộ, ngành và địa phương được chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận số 92 và các văn bản của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương hết sức nghiêm túc. Nhận thức của cán bộ, công chức, đảng viên về công tác cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt.
Thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp; tập trung các nguồn lực cho việc hoàn thành các chương trình, đề án về cải cách tư pháp; tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án; kiện toàn tổ chức và hoạt động của luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định; xây dựng đội ngũ và đào tạo đội ngũ công chức; bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động tư pháp…
Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, cho ý kiến về những định hướng lớn trong các dự án luật, pháp lệnh để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Đồng thời, sớm cho ý kiến về một số đề án, dự án do các bộ, ngành chuẩn bị liên quan đến cải cách tư pháp; chỉ đạo việc tăng cường triển khai Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh; cho ý kiến về các giải pháp phát triển đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tăng cường năng lực tranh tụng của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng…
Trong buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ nhận thức rõ đòi hỏi về dân chủ, pháp quyền của nhân dân, của xã hội là đòi hỏi mang tính tất yếu, khách quan và cũng là xu thế của thời đại; yêu cầu đặt ra phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phải xây dựng cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp mạnh.
Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã hết sức cố gắng trong quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác tư pháp, cải cách tư pháp.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã nêu lên những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém để ra sức khắc phục, để làm tốt hơn; những nhiệm vụ sát sườn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đó là những nhiệm vụ được quan tâm chỉ đạo thường xuyên ở các phiên họp của Chính phủ, đặc biệt là nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp; thúc đẩy hoàn thành các chương trình, đề án về cải cách tư pháp…
“Tinh thần chung của Chính phủ sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quán triệt chủ trương của Trung ương, Hiến pháp, pháp luật, nỗ lực, cố gắng phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm, phấn đấu làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác tư pháp, cải cách tư pháp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác xử lý giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân; chỉ đạo, nghiên cứu để sớm có đội ngũ luật sư công hỗ trợ tư pháp giúp cho người dân đi khiếu kiện và kể cả hỗ trợ cho chính quyền trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc…
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 92; đồng thời đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Chính phủ đạt được trong công tác tư pháp, cải cách tư pháp cũng như những nhiệm vụ được Chính phủ đề ra và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch nước đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương liên quan đến công tác tư pháp, cải cách tư pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền; hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án luật; trong quá trình luật hóa Hiến pháp 2013 cần hết sức quan tâm phân công trách nhiệm, kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan.
Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp; chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; cải cách chế độ công chức, công vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tội phạm bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho hoạt động tư pháp.
Chủ tịch nước khẳng định, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.
Với các đề xuất, kiến nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, của Thủ tướng, Chủ tịch nước yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp thu, xem xét, xử lý, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Theo VGP

Việt Nam rộ lên tin đồn về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh


Từ mấy ngày qua tại Việt Nam đã rộ lên tin đồn về sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên trung ương đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương bị bệnh nặng đang chữa trị ở Mỹ, thậm chí có tin cho biết ông vừa qua đời sáng nay 29/08/2014. Báo chí trong nước đã cải chính tin xấu về tình hình sức khỏe của nhân vật đang phụ trách công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Thanh, 61 tuổi, là Chủ tịch đầu tiên của Đà Nẵng sau khi tỉnh này tách rời khỏi Quảng Nam. Năm 2003 ông giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, và đến cuối năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Nổi tiếng về cách phát biểu thẳng thắn, ông Nguyễn Bá Thanh trong thời gian dài lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giúp địa phương này trở thành thành phố thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Đà Nẵng cũng có tiếng là một thành phố có cách quản lý linh hoạt, đặc biệt là có bệnh viện ung thư miễn phí hiện đại.
Tuy cũng có một số tai tiếng về ông, nhưng nhiều người chờ đợi những động thái mạnh dạn trong công cuộc chống tham nhũng, cho đến giờ hiện vẫn chưa mang lại những kết quả đáng kể. Thế nên các tin tức xấu về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh được rất nhiều người chú ý, khiến các tờ báo lớn của Việt Nam hôm nay phải lên tiếng đính chính.
RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên về thông tin này. Ông cho biết :
Ông Nguyễn Công Khế: Cách đây bốn ngày, có một doanh nghiệp lớn có điện hỏi tôi về cái tin giống như cô hỏi. Tôi cũng bán tin bán nghi, nên tôi gọi điện cho ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng, thì ảnh trả lời với tôi là cách đây một ngày, anh Bá Thanh có trao đổi với ảnh nói chuyện, chuyện trò qua lại không có vấn đề gì.
Sau khi điện cho anh Phúc xong, tôi có gọi điện trực tiếp vào số của anh (Bá Thanh), thì anh bắt máy. Tôi nói : « Anh Bá Thanh ơi, nghe nói có chuyện gì hông ? ». Ổng nói : « Mình đang ở Mỹ để chữa bịnh, ở Washington để khám bịnh lại ». Tôi hỏi : « Sức khỏe ra sao ? ». Ảnh nói : « Sức khỏe rất tốt ».
Nhưng anh em bên ngoài, chỗ họ cũng có thông tin thì họ nói với tôi thậm chí là bên Singapore khám bệnh thì ảnh chưa hoàn toàn tin, đi qua Mỹ thì nghe nói là đã loại hẳn tình hình nguy hiểm. Không phải là bệnh gì ghê gớm, nguy hiểm đâu !
RFI: Thưa anh, như vậy theo anh biết là bệnh gì ?
Ông Nguyễn Công Khế: Nghe nói thôi, vì tôi không giỏi về y khoa, đó là rối loạn hồng tiểu cầu, không biết đó là bệnh gì. Trước đó, khi mới bị bệnh thì tôi hỏi ảnh, ảnh nói là không đến nỗi nào. Và tôi cũng nghe một nguồn tin của một quan chức cao cấp về sức khỏe trung ương, cũng nói đúng như vậy.
Bây giờ ở Việt Nam nhiều tin đồn lắm. Nhưng tôi chắc chắn, vì ảnh mới nhắn tin cho tôi cách đây chừng ba tiếng đồng hồ. Tôi chúc sức khỏe, và ảnh cảm ơn, chúc lại.
RFI: Xin rất cám ơn ông Nguyễn Công Khế, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên.

Thụy  My ( Nguồn RFI)

Tiết lộ động trời của trùm cá độ Wilson Raj


Đài truyền hình CNN có cuộc phỏng vấn độc quyền trùm cá độ Singapore Wilson Raj Perumal (ảnh) và nhân vật này không ngần ngại nói về vòi bạch tuộc nhúng rất sâu vào những trận bóng.
Wilson Raj thừa nhận: “Tôi không nhớ rõ cụ thể con số bao nhiêu nhưng bản thân tôi đã dàn dựng tỉ số trận đấu chừng 80 đến 100 trận quốc tế lên tới xấp xỉ 10 triệu USD. Tai nạn “đau” nhất của tôi là trận giao hữu Zimbabwe - Bosnia tại Malaysia năm 1997. Theo sắp xếp của tôi thì trận này các cầu thủ Zimbabwe phải thua 0-4. Thế nhưng có cầu thủ Bosnia đá “phản lưới nhà” để lôi trận đấu về với kết quả  2-2. Tôi nghĩ mình dàn xếp và tưởng chắc ăn nhưng không ngờ có những tay dàn xếp khác còn cao cơ hơn mình nhúng vào và lấy đi tiền của mình. Trong giới cá cược chuyện này thường xảy ra.
Việc “cài” các đội châu Phi “hợp tác” làm ăn rất dễ. Do đặc thù văn hóa và “cần tiền” mà các cầu thủ trụ cột châu Phi sẵn sàng trao đổi việc dàn xếp tỉ số trực tiếp với HLV trưởng ngay trên băng ghế ở khu kỹ thuật chứ không cần nơi nào kín đáo xa xôi. Bởi rất ít ai ngờ khu kỹ thuật là nơi bàn nhau bán độ.
Kỷ nguyên Internet và điện thoại thông minh phát triển như vũ bão khiến hoạt động dàn xếp tỉ số vô cùng thuận lợi nhưng cũng rất dễ “vào tròng” bởi đơn vị điều tra tinh nhuệ lần ra…
Theo tiết lộ của Wilson Raj thì ngoài Singapore ra còn có 38 quốc gia khác có tên, danh mục quan chức, HLV, đội bóng nằm trong cuốn sổ tay của ông. Wilson Raj cũng cho biết FIFA có 209 thành viên thì trong số đó ông đã kết bạn và làm ăn thành công với 50 thành viên. “Khi “kết nối” dàn xếp tỉ số một trận đấu thành công thì tôi đặt thật nhiều tiền cược vào các nhà cái và thậm chí là đánh sập những nhà cái…”  - Wilson Raj nói với CNN.
Ngoài ra Wilson Raj còn “đánh” cả các trận ở Olympic, World Cup nam, nữ, Cúp CONCACAF, giải CAN…
Wilson Raj cũng đã từng nhiều lần vào tù ra khám vì tội danh dàn xếp tỉ số và hiện đang định cư tại châu Âu rồi cho xuất bản cuốn sách tiết lộ những phần bí ẩn từ các canh bạc cá cược bóng đá.
DUY ÂN

Friday, August 29, 2014

Ông Nguyễn Bá Thanh đang chữa bệnh ở Mỹ


Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ để chữa bệnh. Báo Tuổi Trẻ Online bản tin trên mạng ngày 29/8 đưa tin này.
Tờ báo đã phối kiểm và được ông Nguyễn Bá Cảnh con trai ông Nguyễn Bá Thanh xác nhận. Theo đó ông Thanh đang chữa bệnh tại một trung tâm y tế hiện đại ở Hoa Kỳ.
Việc ông Thanh đi Mỹ chữa bệnh được cấp thẩm quyền cho phép. Hiện nay ông vẫn khỏe và có liên lạc điện thoại về Việt Nam.
Bệnh tình của ông Thanh không được tiết lộ nhưng có tin nói ông bị chứng rối loạn hồng cầu.
Được biết thông tin ngoài luồng ở Việt Nam ghi nhận sự vắng mặt của ông Nguyễn Bá Thanh trong 2 tuần qua. Nhiều lời đồn đoán ông Thanh lâm bệnh nặng và có thể đã qua đời.
Trong vai trò Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ông Nguyễn Bá Thanh được cho là có nhiều kẻ thù.
Theo giới quan sát chính trị ông Nguyễn Bá Thanh được mô tả là không nằm trong nhóm ảnh hưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính vì vậy ông đã không được đưa vào Bộ Chính trị, sau khi rời chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để trở thành Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Nguồn RFA

Xuất hiện đại dịch châu chấu như trong Kinh thánh


Hàng triệu con châu chấu giống như đám mây lớn làm bầu trời thủ đô Antananarivo tối sầm lại và làm người dân nơi đây hoảng sợ.
Hiện tượng này từng xuất hiện vào năm 2012, hàng triệu con châu chấu đã tấn công các cánh đồng, tàn phá hoa màu, lương thực. Mỗi con vật ăn khoảng 2gram thức ăn mỗi ngày và phá trụi nhiều cánh đồng bắp.

Nông dân nơi đây đã thử nhiều phương pháp để bảo vệ vùng đất của mình từ việc phun lửa cho đến sử dụng hóa chất diệt côn trùng nhưng dường như chưa hiệu quả.

Từ tháng 9/2013, Bộ Nông nghiệp nước này và tổ chức FAO đã phối hợp để đưa ra biện pháp giải quyết “đại dịch” châu chấu bằng việc phun thuốc trừ sâu sinh học.

Tình trạng ấm lên toàn cầu được xem là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "Đại dịch châu chấu" kỳ lạ này.
M.A (TT&VH)

Đã tìm ra nguồn gốc lây nhiễm dịch Ebola


Các nhà khoa học lần ra đại dịch Ebola hiện nay có nguồn gốc từ một chủng virus đã mất tích suốt 10 năm qua ở Trung Phi.

Ngày 28/8, các nhà khoa học sau khi thưc hiện một công trình nghiên cứu, phân tích gen đã nhận định rằng đại dịch Ebola hiện đang hoành hành ở Tây Phi có nguồn gốc từ một người bị dơi cắn.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science này đã vẽ lại con đường lan truyền của virus tử thần Ebola từ Guinea tới Sierra Leone và Liberia trong một đại dịch tồi tệ nhất lịch sử, cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người, trong đó có 5 nhà nghiên cứu đã tham gia vào công trình này.
Đã tìm ra nguồn gốc lây nhiễm dịch Ebola - 1
Các nhân viên y tế chôn cất bệnh nhân nhiễm Ebola
Ông Pardis Sabeti, giáo sư Đại học Harvard, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Chúng ta có thể nhìn thấy virus Ebola đang thâm nhập vào các ngôi làng khác nhau. Những hậu quả mà nó gây ra đều giống nhau, chứng tỏ nó xuất phát từ một nguồn duy nhất”.
Ở Sierra Leone, đại dịch Ebola bắt đầu từ một thầy lang, người tuyên bố có thể chữa khỏi mọi bệnh tật, kể cả Ebola cho người dân ở khu vực biên giới với Guinea. Khi bà này chết, đã có tới 800 người bị nhiễm virus Ebola từ cơ thể của bà ta, trong đó hơn một nửa đã tử vong.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 78 người bị nhiễm Ebola từ lễ tang của thầy lang này và nhận thấy virus Ebola trên cơ thể họ có tới 300 biến thể trong đại dịch lần này.
Điều đáng chú ý là tất cả các chủng virus Ebola đang hoành hành hiện nay đều có có nguồn gốc từ một chủng virus đã biến mất ở Trung Phi trong 10 năm qua.
Đã tìm ra nguồn gốc lây nhiễm dịch Ebola - 2
Các y bác sĩ là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm Ebola cao nhất
Nhà virus học Robert Garry, một trong những chuyên gia tham gia vào cuộc nghiên cứu cho biết tất cả các dòng virus đều biến đổi, và các nhà khoa học có thể lần theo những biến đổi này để theo dõi sự tiến hóa của virus.
Ông Garry cho hay hiện virus Ebola lây nhiễm trên người ở Tây Phi đã biến đổi nhanh gấp 2 lần so với thời kỳ chúng trú ngụ ở động vật, mà cụ thể là loài dơi.
Chuyên gia này khẳng định: “Nó sẽ tiếp tục biến đổi. Loài người không phải là loài dơi, bởi vậy nếu để virus Ebola tiếp tục lan truyền từ người sang người, nó sẽ càng biến đổi nhiều để thích nghi”.
Kết quả phân tích gen của các nhà khoa học cho thấy các chủng Ebola hiện nay ở Tây Phi đều có nguồn gốc từ chủng virus đã từng xuất hiện tại Trung Phi vào năm 2004. Sau 10 năm nằm yên và khu trú trong loài dơi, virus Ebola biến đổi và bắt đầu lây truyền sang người bị dơi cắn.
Đã tìm ra nguồn gốc lây nhiễm dịch Ebola - 3
Virus Ebola đã biến đổi rất nhanh chóng trên người
Trước đây người ta vẫn tưởng rằng dịch Ebola hiện nay tồi tệ như vậy là do người dân ở Tây Phi có thói quen ăn thịt thú rừng săn bắt được. Quan niệm này đã khiến chính phủ Sierra Leone hạn chế người dân ăn thịt thú rừng và một số loại hoa quả như xoài để tránh bị lây nhiễm Ebola.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia này cho thấy Ebola không phải liên tiếp lây từ động vật sang người, mà chủ yếu là từ người sang người. Họ cũng phát hiện ra bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên là một nhân viên y tế, người sau đó đã lây cho một tài xế xe tải.
Hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán đại dịch Ebola sẽ lây nhiễm cho khoảng 20.000 người trước khi bị ngăn chặn. Hiện nó đã lây cho 3.000 người và cướp đi sinh mạng của một nửa trong số họ. Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê chính thức, và có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà cơ quan chức năng chưa biết đến.
Trí Dũng (Theo VOX) (Khampha.vn

iPhone 6 có giá dự kiến trên 20 triệu đồng


Với việc tăng kích thước màn hình và trang bị nhiều tính năng hấp dẫn, điện thoại mới của Apple sẽ có giá bán cao, riêng mẫu phablet 5,5 inch có thể lên đến 26 triệu đồng.
Untitled-2-6134-1409299891.jpg
iPhone 6 hoặc bản mô hình được trưng bày tại cửa hàng của nhà mạng TIM.
Apple đã gửi thư mời về sự kiện ngày 9/9 được cho là buổi ra mắt iPhone 6. Song song đó PhoneArena cho biết, model mới bắt đầu được chuyển đến các nhà bán lẻ. Hình ảnh chụp tại cửa hàng của nhà mạng TIM cho thấy, iPhone 6 hoặc bản mô hình đang được trưng bày. Thiết bị có ngoại hình mỏng, kích thước lớn với kiểu dáng không khác nhiều so với các tin đồn trước đây.
Nguồn tin cho hay, điện thoại thế hệ thứ 8 của Apple sẽ có giá cao hơn nhiều so với các thiết bị 4 inch trước đây. Apple đang thỏa thuận với các nhà mạng về giá bán trong đó Telefonica tiết lộ rằng iPhone 6 4,7 inch sẽ có giá 750 euro (khoảng 20 triệu đồng) không đi kèm bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Với các model iPhone trước, Telefonica được đánh giá là nhà mạng có giá bán tốt, điều này cho thấy giá iPhone 6 có thể còn cao hơn. Mẫu phablet iPhone 6 5,5 inch dự kiến được bán giá 950 euro (khoảng 26 triệu đồng).
ne-iphone6-trayshome-800x666-4954-140929
Ảnh được cho là khay SIM và phím Home trên iPhone 6.
Thời điểm iPhone 6 trình làng đang đến gần, nhiều linh kiện về sản phẩm tiếp tục rò rỉ. Trang nowhereelse đã đăng tải hình ảnh được cho là khay SIM và phím Home trên điện thoại mới. Theo đó iPhone 6 sẽ tiếp tục có ba màu là bạc, xám và vàng tương tự lựa chọn trên iPhone 5S. Thiết kế phần linh kiện này được làm mỏng để phù hợp với kiểu dáng iPhone mới dự kiến mỏng dưới 7 mm.
ne-iphone6-embeddedlogo-800x66-5863-9669
iPhone thế hệ mới có thể dùng logo nhúng thay vì in trực tiếp trên mặt sau.
Hình ảnh khác là logo Apple được đúc từ một khối riêng biệt thay vì làm trực tiếp trên mặt sau máy. Thiết kế này hứa hẹn giúp thiết bị chống xước tốt hơn đồng thời phủ định giả thiết iPhone 6 có logo phát sáng. Một số linh kiện rò rỉ khác như loa ngoài, khối rung có thiết kế khác hoàn toàn so với các mẫu iPhone trước đây.
Đình Nam

Tranh cãi "nổi lên" sau việc Khánh Ly công bố bút tích của Trịnh Công Sơn


(Dân trí) - Tranh cãi về vấn đề bản quyền hai đêm nhạc Khánh Ly tiếp tục “nổ” ra khi nữ danh ca Khánh Ly công bố tài liệu được cho là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng các tác phẩm của ông với giá 5.000 USD.
 >>  Khánh Ly bất ngờ công bố giấy cho phép tác quyền của Trịnh Công Sơn
 >>  Sau lùm xùm, liveshow Khánh Ly phải trả 250 triệu đồng tiền bản quyền
 >>  Lùm xùm vụ tiền tác quyền liveshow Khánh Ly

Cứ ngỡ những lùm xùm xoay quanh vấn đề bản quyền các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong liveshow Khánh Ly đã được khép lại sau buổi họp giữa đơn vị tổ chức chương trình, Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với Thanh tra Bộ chiều ngày 27/8. Số tiền bản quyền đơn vị tổ chức phải nộp cho VCPMC sau khi thỏa thuận, ký kết bằng văn bản là 275 triệu đồng (cả thuế VAT).
Khánh Ly hát tại Hà Nội đêm 2/8 vừa qua
Khánh Ly hát tại Hà Nội đêm 2/8 vừa qua
Tuy nhiên, ngay sau đó nữ danh ca Khánh Ly đã công bố tài liệu được cho là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng các tác phẩm của ông với giá 5.000 USD. “Tình tiết” mới này khiến dư luận không khỏi xôn xao…
Việc công bố bút tích của cố nhạc sĩ họ Trịnh của Khánh Ly vào thời điểm này dù là vì tình ý gì đi chăng nữa vẫn khiến dư luận đặt ra những nghi vấn: Liệu bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà ca sĩ Khánh Ly đưa ra có giá trị pháp lý? Nếu như bút tích này để đưa ra tòa làm bằng chứng để đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly không phải trả tiền tác quyền thì như nào? Nếu Khánh Ly được miễn trả tiền tác quyền thì đơn vị tổ chức có được miễn không?
Nhận định về giấy viết tay này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết: “Nội dung văn bản mà Khánh Ly đưa ra là khá mơ hồ khi ở đó không ghi thời hạn nên không khẳng định được điều gì có liên quan đến những ồn ào về tác quyền giữa VCPMC và công ty Đồng Dao trong thời gian qua. Đó là chưa kể, những gì có trong giấy viết tay đó có thể chỉ dành cho một chương trình cụ thể nào đó chứ không có hàm ý là tất cả các chương trình trong thời hạn vĩnh viễn.”
Gia đình Trịnh Công Sơn luôn giữ gìn hình ảnh đẹp về Trịnh Công Sơn- Khánh Ly
Gia đình Trịnh Công Sơn luôn giữ gìn hình ảnh đẹp về Trịnh Công Sơn- Khánh Ly
Phóng viên Dân trí liên lạc với bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chiều ngày 28/8, khi được hỏi về tờ giấy viết tay này của cố nhạc sĩ, bà Trịnh Vĩnh Trinh từ chối trả lời, vì cho rằng: “Tôi đã nói tất cả những gì cần nói và  không muốn sự việc ồn ào, khiến anh tôi buồn. Giá trị pháp lý, tôi xin dành cho những người chuyên nghiệp..... Tôi chỉ muốn khẳng  định một điều: Từ trước đến nay, gia đình chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tác quyền đối với cá nhân chị Khánh Ly nhưng không có nghĩa là không lấy tác quyền từ các công ty tổ chức mời chị Khánh Ly hát. Và đó là việc của BTC và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà thôi.”
Trao đổi với phóng viên Dân trí về văn bản được cho là bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tiến sĩ, luật sư Trần Đình Triển - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Xung quanh về vấn đề tác quyền âm nhạc trong thời gian vừa qua đã trở thành một diễn đàn trên công luận. Vừa qua ca sĩ Khánh Ly có cung cấp cho cơ quan báo chí 1 bản viết tay có chữ viết, chữ ký và khẳng định rằng đó là chữ viết và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bản viết tay này đã được 1 công ty dịch thuật ở nước ngoài dịch ra tiếng Anh. Theo quan điểm của tôi thì đây được xem là 1 bằng chứng để xem xét. Với văn bản này thì hoàn toàn chưa có giá trị pháp lý, trước hết cần phải có giám định của 1 cơ quan có thẩm quyền (Viện Khoa học hình sự Bộ Công an hoặc Viện Pháp y quân đội hoặc 1 cơ quan có chức năng giám định chữ ký và chữ viết), lấy mẫu chữ viết và chữ ký thật sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để so sánh với mẫu văn bản mà ca sĩ Khánh Ly cung cấp. Nếu kết quả giám định khẳng định đó là chữ viết và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì văn bản đó có giá trị pháp lý”.
Gia đình Trịnh Công Sơn luôn giữ gìn hình ảnh đẹp về Trịnh Công Sơn- Khánh Ly
Khánh Ly muốn chia sẻ thâm tình giữa cố nhạc sĩ họ Trịnh với mình khi công bố tờ giấy viết tay được cho là bút tích của Trịnh nhưng vô tình lại "nổ" ra những tranh cãi về vấn đề bản quyền?
Theo luật sư Trần Đình Triển, nếu kết quả giám định khẳng định đó là chữ viết và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì căn cứ Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu 1 sản phẩm trí tuệ nào đó thì họ có quyền: sử dụng, quyền quản lý, quyền định đoạt như: bán, tặng, cho, thừa kế….
“So sánh với văn bản nếu xác định đúng chữ viết, chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì được khẳng định là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bán tác quyền âm nhạc của mình cho ca sĩ Khánh Ly được quyền sử dụng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và với bất cứ số lượng và bài hát nào, không xác định thời hạn với giá 5000 USD (thanh toán 1 lần). Đây là quan hệ hợp đồng mua - bán được khẳng định bằng văn bản, giấy tờ của chủ sở hữu”, luật sư Trần Đình Triển nói.
 
Cũng trong cuộc trao đổi chiều tối qua với phóng viên Dân trí, về việc ca sĩ Khánh Ly bất ngờ đưa ra giấy tác quyền của Trịnh cho phép Khánh Ly sử dụng các bài hát của Trịnh năm 2000, luật sư Xuân Bính cho rằng, giấy đó không có hiệu lực về mặt pháp lý trong thời điểm hiện nay.

Theo luật sư Xuân Bính (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, trước tiên xét về mặt pháp luật thì bản viết tay được cho là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho phép ca sĩ Khánh Ly sử dụng các bài hát của ông vào năm 2000, thì nó chỉ có giá trị trong thời gian đó - khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống. Bản viết tay đó chỉ là một bản cam kết giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly hoặc nó là một thỏa thuận dân sự giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly, theo đó giấy viết tay đó chỉ có giá trị khi ông Trịnh Công Sơn còn sống .

Khi ông Trịnh Công Sơn mất, thì thỏa thuận dân sự giữa Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly kí kết với nhau cũng sẽ chấm dứt. Trừ trường hợp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có để lại nội dung trong di chúc là những người thừa kế phải thực hiện giấy thỏa thuận đó cho phép ca sĩ Khánh Ly được sử dụng các bài hát của mình.

“Theo tôi biết, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, tôi chưa bao giờ thấy những người thân trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến chuyện ông cho phép Khánh Ly tiếp tục sử dụng những ca khúc của mình mà không phải trả tiền bản quyền”, luật sư Xuân Bính nói.

Luật sư Xuân Bính phân tích, theo nguyên tắc của pháp luật dân sự, khi chủ thể của 1 giao dịch dân sự chết thì giao dịch dân sự đó sẽ chấm dứt. Trong trường hợp này, ca sĩ Khánh Ly chỉ có quyền sử dụng bài hát của Trịnh Công Sơn theo giấy viết tay trên mà không phải trả bản quyền khi mà văn bản đó ghi rõ không có thời hạn kể cả khi ông Trịnh Công Sơn mất.

Tuy nhiên theo giấy viết tay mà Khánh Ly đưa ra được cho là thỏa thuận giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly lại không có nội dung đó. Cho nên đối với trường hợp này thì người thừa kế tài sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có quyền yêu cầu người sử dụng những bài hát của ông phải trả tiền, theo luật bản quyền.
Nguyễn Hằng - Tuấn Hợp

IS lại chặt đầu người để cảnh cáo


Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đưa video chiếu cảnh hành quyết một người Kurd để cảnh cáo các lực lượng giao tranh với họ ở miền bắc Iraq.
Video mang tựa đề Thông điệp bằng máu cho thấy một số người mặc quần liền áo màu da cam, được cho là chiến binh người Kurd.
Nạn nhân bị bắt quỳ gần một ngôi đền Hồi giáo tại thành phố Mosul mà quân IS kiểm soát, trước khi bị hành quyết.
IS cảnh báo rằng các chiến binh khác cũng sẽ bị giết nếu lãnh đạo người Kurd tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ.
Các chiến binh "peshmerga" từ khu tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq, được Hoa Kỳ hỗ trợ bằng không tạc, đang đấu tranh với lực lượng IS.
Trước đó, các video của IS tại Syria cho thấy nhóm này đã giết nhiều tù binh là lính của Syria.
Tổ chức vận động Đài Quan sát Nhân quyền Syria nói các tù binh này bị bắt trên đường chạy trốn tới tỉnh Hama saukhi quân IS tấn công căn cứ không quân Tabqa.
Nhóm dân quân IS theo giáo hệ Sunni đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo "caliphate" tại nhiều nơi ở Syria và Iraq.
Tuần trước IS bị cả thế giới lên án khi tung ra video chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley. Nhóm này tuyên bố trả thù cho các cuộc tấn công trên không của Mỹ tại Iraq và dọa sẽ hành quyết các con tin người Mỹ khác.
Hôm thứ Năm 29/8 Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho hay ông điều Ngoại trưởng John Kerry tới Trung Đông để thảo luận về khủng hoảng Syria với các đối tác trong khu vực, nhất là những ai theo Hồi giáo Sunni.

Giết người hàng loạt

Các chiến binh Kurd bị IS bắt giữ
Cũng trong thứ Năm, một video trên internet được cho là chiếu cảnh sau khi các binh lính Syria bị tàn sát với hàng dãy thanh niên nằm úp mặt xuống đất, người chỉ còn mặc đồ lót.
Dòng chữ trên video giải thích rằng 250 lính bị IS bắt tại căn cứ Tabqa ở Raqqa đã bị hành quyết.
Một băng video trước đó cũng chiếu hình các binh lính này, mặc đồ lót và bị các tay súng diễu qua sa mạc. Họ bị buộc phải đi và chạy, những người chậm chân bị đánh và bị đá.
Căn cứ Tabqa - gần thành phố Raqqa ở miền bắc, đã vào tay quân IS hôm Chủ nhật sau nhiều tuần giao tranh dữ dội.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria nói 346 chiến binh IS và hơn 170 lính của Syria đã thiệt mạng trong trận đánh cuối kéo dài tới 5 ngày.
Người đứng đầu tổ chức này, Rami Abdul Rahman, nói với hãng thông tấn AFP rằng có khoảng 1.400 lính đóng tại căn cứ Tabqa và 700 người chạy thoát.
Hôm thứ Ba, các điều tra viên của LHQ ra phúc trình nói IS đã gây nhiều tội ác tại Syria và sử dụng chiến binh trẻ em.
Phúc trình này cho hay IS thường xuyên tổ chức hành hình tập thể tại các khu vực mà nhóm này kiểm soát và buộc dân địa phương phải đứng xem.
Các điều tra viên cũng nói quân đội chính phủ Syria cũng có những hành động bạo lực như thả bom và khí chlorine từ trực tăng, bắn phá bệnh viện và tra tấn thường dân.
Nguồn BBC

VN bác tin 1 vạn lao động TQ vào Vũng Áng


Bộ Lao động-Thương binh -Xã hội Việt Nam bác bỏ thông tin 10.000 lao động Trung Quốc có thể sắp vào làm việc cho tập đoàn Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Trước đó, các báo trong nước cho hay 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án của Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án và "trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc".
BBC đã liên lạc với các lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh để xác nhận thông tin trên nhưng bị từ chối trả lời.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm thứ Năm 28/8, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Nguyễn Trọng Đàm bác bỏ con số 10.000 người Trung Quốc.
Ông nói đây là đề nghị xin tuyển của 29 nhà thầu, tuy nhiên tới ngày 27/8 UBND tỉnh Hà Tĩnh "mới chính thức chấp nhận 2.063 chỉ tiêu theo đúng quy định".
"Hiện nay các thầu đang đề xuất thêm khoảng 2.700 chỉ tiêu mới trong thời gian tới nhưng chưa được chấp thuận."
Ông Đàm cũng nói thêm trong dự án Formosa, tổng số lao động gần 27.000 thì hiện có 1.799 người Trung Quốc.
Một trong các lý do lao động Trung Quốc được sử dụng nhiều ở Vũng Áng là vì đại đa số các nhà thầu là công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà thầu là công ty Việt Nam cũng đặt vấn đề xin tuyển lao động nước ngoài.
Một lý do khác khiến các nhà thầu xin tuyển dụng lao động số lượng lớn được giải thích là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, lại thiếu lao động sau đợt biểu tình chống Trung Quốc hồi trung tuần tháng Năm.
Làn sóng biểu tình dẫn tới bạo động ở khu công nghiệp Vũng Áng đã khiến hàng nghìn công nhân Trung Quốc rút về nước.

Không thể thay thế?

Nhiều cơ sở của nước ngoài ở Bình Dương và Hà Tĩnh đã bị đập phá
Ông Nguyễn Trọng Đàm khẳng định cơ quan quản lý lao động không bỏ sót và vẫn kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên dư luận cũng đặt ra câu hỏi liệu có phải thực sự nhà thầu không thể tuyển lao động Việt Nam thay thế?
Một số nhà thầu cho hay họ cần sử dụng "các chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, thành thạo công việc và ngoại ngữ", do vậy tuy đã thông báo rộng rãi nhiều tháng vẫn không tuyển được người Việt Nam.
Giới chức tỉnh Hà Tĩnh cũng tỏ cam kết sẽ cải thiện công việc quản lý lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, để không xảy ra các sự cố như hồi tháng Năm.
Phía Việt Nam vừa chính thức "lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này".
Việt Nam hứa sẽ có hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với công nhân Trung Quốc bị nạnvà cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: "Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam".
Nguồn BBC

Thursday, August 28, 2014

Luật sư nói gì về thủ bút của Trịnh Công Sơn?


Văn bản viết tay có chữ ký của Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly sử dụng ca khúc (Tiền Phong đăng số báo 28/8), lập tức hâm nóng dư luận, quanh câu chuyện tác quyền hai đêm nhạc Khánh Ly vừa qua.


Vô hiệu?
Nội dung văn bản có chữ ký của Trịnh Công Sơn đề ngày 22/5/2000, viết tại TPHCM: “Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5.000 USD”. 
Văn bản viết tay này có giá trị hay không? Luật sư Trần Anh Dũng (Cty Luật Yulchon) lí giải: “Thủ bút này lập năm 2000 nên phải căn cứ theo quy định pháp luật tại thời điểm lập. Theo Điều 768 Bộ luật Dân sự 1995, thì hợp đồng sử dụng tác phẩm phải có những nội dung chủ yếu, trong khi đó văn bản viết tay của Trịnh Công Sơn lại không có những nội dung chủ yếu này”.
Luật sư Trần Anh Dũng
Đó là: Hình thức sử dụng tác phẩm; phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; các nội dung khác do các bên thỏa thuận.
Ngoài ra, theo Điều 15 khoản 1 Nghị định 76/CP 1996 về Quyền tác giả: Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được ký kết phù hợp với các quy định tại các Điều 767, 768 của Bộ luật và phải theo mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành.  
“Nghĩa là về mặt pháp lý, thời điểm năm 2000, thủ bút của Trịnh Công Sơn không quy định đầy đủ nội dung cần thiết và không được lập theo hình thức bắt buộc. Nó không đáp ứng điều kiện về nội dung và hình thức để có hiệu lực pháp lý như một hợp đồng sử dụng tác phẩm vào thời điểm đó. Vì vậy, thủ bút này không có giá trị pháp lý”, luật sư Dũng nói.
Được biết, trong cuộc làm việc với Thanh tra Bộ, thủ bút này cũng được nhắc đến, nhưng thanh tra nói rằng đây là việc của gia đình Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Trường hợp ca sĩ đưa ra tòa thì sao? “Theo tôi, nhiều khả năng tòa sẽ tuyên giao dịch vô hiệu và xử lý giao dịch vô hiệu theo quy định Bộ luật Dân sự”, ông Dũng nói.
Theo Điều 146 Bộ luật Dân sự 1995: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
“Theo đó, Khánh Ly có quyền yêu cầu hoàn lại khoản 5.000 USD nếu chứng minh được mình đã trả cho Trịnh Công Sơn và gia đình Trịnh Công Sơn được quyền truy thu số tiền tác quyền trước đây mà Khánh Ly chưa thanh toán”, luật sư Dũng nói thêm.

Đồng Dao vẫn trả tiền
Sau khi xuất hiện thủ bút Trịnh Công Sơn, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc phản ứng trên báo chí, cho rằng đây là lí do đơn vị tổ chức đưa ra để không thực hiện tác quyền. Trong thỏa thuận chiều 27/8 tại Bộ VH-TT&DL, công ty Đồng Dao đồng ý trả tác quyền hai đêm diễn của Khánh Ly tại Hà Nội, Đà Nẵng là 250 triệu đồng (chưa gồm thuế).
“Ông Phương nói như thế hơi kỳ. Hôm qua thống nhất rồi, chúng tôi xác định vẫn thực hiện đúng hợp đồng. Chưa ai lấy cái giấy này ra để tránh thực hiện tác quyền”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện pháp lý của Đồng Dao cho biết.
Thời điểm công bố này dễ khiến dư luận nghĩ theo chiều hướng đó? “Đây là ca sĩ Khánh Ly công bố, không phải BTC”, ông Sơn đáp. Vậy vì lí do nào khác? “Tôi cho rằng, đưa văn bản đó ra chẳng qua để bác lại khẳng định, luồng tin nói Trịnh Công Sơn không để lại thủ bút cho Khánh Ly là không chính xác. Ban tổ chức khẳng định, vẫn thực hiện trả tác quyền theo đúng hợp đồng thỏa thuận hôm 27/8, thời hạn trong vòng một tuần”, ông Sơn nói thêm.
Có giá trị hay không, chờ tòa án
“Mọi người không thể kết luận thủ bút đó giá trị hay không. Muốn kết luận chỉ có tòa án. Đương nhiên, đây là câu chuyện của gia đình Trịnh Công Sơn với ca sỹ Khánh Ly”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện pháp lý của Đồng Dao, nói.
Nguồn Báo Tiền Phong

Hội đồng bảo an họp khẩn về Ukraine


Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp khẩn vào ngày 28/8 về cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau khi có tin Nga đã đưa hàng trăm binh sỹ vào miền đông Ukraine để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy.
 

Hội đồng bảo an họp khẩn về Ukraine
Phiên họp được Lithuania yêu cầu, dự kiến diễn ra vào 16h GMT (23h giờ VN) ngày 28/8 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
“Nga sẽ được yêu cầu giải thích vì sao binh sỹ nước này lại ở Ukraine”, đại sứ Anh Mark Lyall Grant, người đang giữ chức chủ tịch Hội đồng bảo an cho biết với các phóng viên.
“Rõ ràng là binh sỹ chính quy Nga hiện đang ở Ukraine”, ông cho biết thêm.
Trong khi đó, NATO cho hay, trên mặt đất ít nhất 1.000 lính Nga đã hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên Nga khẳng định không có binh sỹ nào của nước này ở trên đất Ukraine.
Kiev cũng cáo buộc binh sỹ Nga vào ngày 27/8 đã chiếm kiểm soát thành phố biên giới quan trọng Novoazovsk và một loạt ngôi làng lân cận dọc dải biên giới đông nam.
Quân đội Ukraine cũng cáo buộc một đơn vị quân đội Nga đã thành lập trụ sở tại một ngôi làng ở cùng khu vực.
Trung Anh
Theo AFP

Bộ Lao động: Không có chuyện đưa 10.000 lao động Trung Quốc vào Vũng Áng


Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, trong số hơn 30.000 lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), chỉ có hơn 1.900 người Trung Quốc.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, nhiều vấn đề nóng đã được báo chí chất vấn đại diện lãnh đạo các Bộ. Thông tin khu công nghiệp Vũng Áng sẽ tuyển 10.000 lao động Trung Quốc trong khi lao động Việt Nam đang thiếu việc làm được Thứ trưởng Lao động Nguyễn Trọng Đàm bác bỏ.
Ông Đàm cho biết, đến ngày 21/8, Vũng Áng có gần 34.000 lao động đang làm việc, trong đó lao động Việt Nam là 30.400 người, hơn 1.900 người Trung Quốc trong tổng số 3.500 người nước ngoài. Số lao động còn lại là đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Dự án Fomosa có gần 27.000 lao động với 23.700 lao động trong nước và hơn 3.000 lao động nước ngoài.
"Có thông tin nói 10.000 lao động Trung Quốc ở Fomosa, tôi xin giải thích rõ rằng con số đó là theo nhu cầu dự kiến đề nghị tuyển dụng của 29 nhà thầu, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ cho tuyển theo yêu cầu, tiến độ nhà thầu. Đến cuối tháng 8 mới chấp thuận hơn 2.000 chỉ tiêu. Các nhà thầu đang đề xuất thêm khoảng 2.700 chỉ tiêu mới nhưng chưa được chấp thuận", Thứ trưởng Đàm nói.
Theo thống kê quý 1 năm 2015, nhà thầu cần 45.000-50.000 trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài.  
Chủ tịch UBND các tỉnh là người chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch, cấp phép cho từng nhà thầu, dự án. Các tỉnh đang thực hiện nghiêm túc, kiểm soát lao động nước ngoài một cách chặt chẽ. "Chúng ta không bỏ sót và hoàn toàn kiểm soát được", Thứ trưởng Đàm cho hay.
Việc gian lận tuyển dụng ở Bộ Công thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, thông tin đã được báo chí phản ánh nhiều, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo làm rõ, chậm nhất trong tháng 9 phải có kết luận. Bộ Công thương đã chủ động báo cáo, cùng cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề liên quan đến Bộ này. Chiều 28/8, Bộ Nội vụ đã công bố quyết định thanh tra về việc này.
"Quan điểm của Chính phủ về tuyển dụng, thi cử phải công khai, minh bạch, đảm bảo không có tiêu cực. Những lùm xùm xuất hiện gần đây ở một số địa phương, cấp nào quản lý cán bộ có vấn đề thì cấp đó phải làm rõ, xử lý nghiêm minh. Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng, xử lý vụ việc", ông Nên khẳng định.
Nguồn VN Express Hoàng Thùy