Thượng đỉnh Asean đã ra một tuyên bố mang tính 'trung hòa', 'trung lập' theo nhà bình luận.
Tuyên bố của Thượng đỉnh Asean lần thứ 24 một lần nữa cho thấy khối này đã chia rẽ ra sao trước một chủ đề nhạy cảm trong khu vực, theo một nhà quan sát châu Á từ châu Âu.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo của khối các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hôm Chủ Nhật cho thấy các quốc gia thành viên Asean khó có thể kỳ vọng vào một sự nhất trí chung trong vấn đề này, theo nhà nghiên cứu David Souquet, từ Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS).
Trao đổi với BBC hôm 12/5/2014 từ Brussels, Bỉ, nhà nghiên cứu nói:
"Bản tuyên bố phản ánh một thực tế trong khối Asean mà chúng ta đã chứng kiến từ trước trong những tình huống khó khăn như thế này,
"Một sự chia rẽ giữa và bên trong các thành viên của Asean thực ra cũng giống như ở bất cứ một nhóm nào, chẳng hạn như Liên minh Châu Âu (EU) trong nhiều vấn đề."
"Bạn không thể trông đợi luôn có được một sự nhất trí hoàn toàn về bất cứ điều gì."
"Đây chỉ là một nhóm quốc gia, và rất khó để lúc nào cũng có thể tìm kiếm được một sự nhất trí, nó cũng giống như cả Liên Hợp Quốc, bạn không thể kỳ vọng một sự thống nhất hoàn toàn và tuyệt đối, mọi vấn đề đều phải được đàm phán, bàn thảo,
"Và một số thỏa hiệp, nhượng bộ có thể sẽ diễn ra là hệ quả, tuy nhiên Asean cũng đã có một số tiến bộ, mặc dù so với EU, nhóm này còn thiếu vắng một số cơ cấu về luật pháp, về chế tài, về các hiệp định, nhưng không thể phủ nhận, Asean đã tích hợp vào thế giới theo một số cách lối riêng."
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu, những tuyên bố như ở Thượng đỉnh 24 về vụ giàn khoan có thể có một số tác động nhất định tới 'kỳ vọng' của các quốc gia thành viên Asean vào khối này, mỗi khi họ cần một sự 'hậu thuẫn quan trọng' của khối.
Ông Souquet nói:
"Chúng ta đã gặp tình hình như thế này từ trước, Philippines đã gặp vấn đề có tính chất tương tự từ trước, và trong quá khứ họ (Philippines) đã tìm kiếm sự hậu thuẫn của khối và họ đã nhận được những phản ứng tương tự,
"Tức là một phản ứng không phản ánh sự nhất trí của khối mà trái lại lại phản ánh một sự chia rẽ, chúng ta đã thấy điều đó từ trước,
"Tuy nhiên điều này không có ý nghĩa là một sự phá hoại của Asean, cũng tương tự như là không phải là sự phá hoại của Liên minh Châu Âu khi khối này bị chia rẽ,
'Không phải là đột ngột'
Nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc cũng không hoàn toàn phải tỏ ra 'bất ngờ' hoặc 'ấn tượng' về phản ứng của khối Asean trong vụ giàn khoan.
Ông Souquet giải thích: "Đây là một quá trình đã diễn ra trong nhiều năm, toàn bộ câu chuyện không phải nổ ra từ tuần trước, Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm, thăm dò ở khu vực này trong thời gian một vài năm liền,
"Trung Quốc cũng đã đặt các vấn đề và cũng đã được hưởng ứng ít nhiều về 'hợp tác phát triển', 'cùng nhau chia sẻ' trong khu vực ở một số lĩnh vực,
"Họ cũng đã thử thái độ nhiều, cho nên tôi nghĩ họ sẽ không 'bi kịch hóa', hoặc là 'phấn khích quá' về thái độ của Asean, cũng như họ sẽ không nhìn đây là thắng lợi hay thất bại nào đó của khối này."
Trước câu hỏi bao giờ Trung Quốc có thể di chuyển giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực mà Việt Nam coi là vùng độc quyền kinh tế của mình, ông Souquet nói:
"Tôi nghĩ việc đặt giàn khoan vào địa điểm hiện nay đối với một công ty như CNOOC về mặt thương mại là một hoạt động đắt đỏ, việc di chuyển đi trong một thời gian ngắn sẽ gây tốn kém, tổn phí,
"Mặt khác, Trung Quốc cũng có thể đã đang có những kênh đối thoại, tham vấn với khối Asean về các hợp tác khác nhau, cho nên việc hủy bỏ ngay một kế hoạch thiết đặt giàn khoan như vậy cũng không phải là dễ dàng."
Không phải là lần đầu Asean không thể có quan điểm rõ ràng về xung đột giữa TQ và thành viên.
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có nên 'kiện Trung Quốc' ra các tòa quốc tế về không chỉ vụ giàn khoan HD-981 hiện nay mà cả về vụ việc Trung Quốc 'cưỡng chiếm Hoàng Sa' sau 40 năm không có động thái pháp lý nào hay không, nhà nghiên cứu nói:
"Như quý vị biết, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển ở Hamburg, và tới nay Tòa án này chưa có phán quyết về vấn đề này, nên bây giờ Philippines lại chuyển vụ việc sang Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague,
"Nhưng tiếp cận pháp lý này hết sức khó khăn, bởi vì Trung Quốc, cùng với nhiều quốc gia khác, đã nói rằng họ sẽ không tham dự và sẽ không tuân theo bất cứ một phán quyết nào,
"Do đó về mặt pháp lý, tôi không dám chắc chắn về tính hiệu quả, nhưng tôi cho rằng có thể động thái có thể mang lại một hiệu quả khác về mặt chính trị,
"Song mặt khác, tôi cũng thấy rằng có nhiều trường hợp tranh chấp, xung đột mà cộng đồng quốc tế chưa thể có một động thái can thiệp hiệu quả nào, trong nhiều vụ việc, các bên tranh chấp, xung đột phải tìm cách chung sống với nhau, mà không nhất thiết là mở ra chiến tranh, và tôi nghĩ điều này trong trước mắt có thể là một thực tế mà các bên nào đó phải chấp nhận."
'Cũng là một bước tiến'
Hôm thứ Hai, từ Hà Nội, một chuyên gia công pháp quốc tế nói với BBC ông tin rằng tuyên bố của Asean cũng có thể là chấp nhận được và có thể coi là 'một bước tiến'.
"Dù sao tuyên bố vừa rồi của cuộc họp cấp cao Asean cũng là một bước tiến, để ra được một tuyên bố chung về vấn đề tranh chấp Biển Đông, cũng nhắc lại tuyên bố DOC trước đây giữa Asean với Chủ tịch Nước Trung Quốc năm 2002, đó là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình," PGS. TS. Nguyễn Bá Diến, chuyên gia về luật quốc tế và luật biển nói với BBC.
"Thì đấy cũng là một bước tiến, đặc biệt là căn cứ vào tình hình chưa được đồng thuận lắm trong đội ngũ Asean vừa rồi, thì tôi nghĩ đó là một bước tiến,
"Tuy nhiên tuyên bố này chưa nêu rõ được, hay nói cách khác là chưa vạch trần được chủ mưu và chủ phạm trong vấn đề bất ổn trên Biển Đông hiện nay, và đặc biệt là việc hạ đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc, đó là Trung Quốc là chủ mưu và thủ phạm của việc gây bất ổn và tranh chấp ở Biển Đông."
Nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Hà Nội tin rằng đây là thời điểm Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra quốc tế trên cả hai nội dung: vụ giàn khoan HD-981 và vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa từ năm 1974.
Ông Diễn nói: "Bây giờ có lẽ không còn con đường nào khác, có lẽ hợp pháp nhất, tiến bộ nhất, văn minh nhất, đó là sử dụng diễn đàn quốc tế, sử dụng luật pháp quốc tế, cho nên việc sử dụng các thiết chế tài phán quốc tế: như Hội luật gia, Tòa án Công lý Quốc tế,
"Hay là Tòa án Luật Biển, Tòa án Trọng tài, cũng như sử dụng các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an v.v..., tôi nghĩ rằng đó là con đường chính đáng, hợp pháp và đúng đắn nhất trong thời điểm hiện nay cho Việt Nam, cũng giống như Philippins vậy thôi."
Tuy nhiên, theo chuyên gia công pháp này, quyết định có đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không, mặc dù về mặt 'hồ sơ' đã đầy đủ, lại không thuộc thẩm quyền của giới chuyên gia về luật pháp mà phải đợi quyết định chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
"Đây là thời cơ và đây là sức mạnh vô địch của Việt Nam, cũng như các nước ở ven bờ Thái Bình Dương, nhưng sử dụng nó khi nào, lúc nào và thế nào lại thuộc vào ý trí chính trị, tức là ý trí của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước Việt Nam,
"Chứ còn chúng tôi nghĩ, thời cơ đã chín muồi, và căn cứ pháp lý cũng như những cơ sở về lập luận cũng như chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử Việt Nam có thừa, chứ không phải là chỉ có đầy đủ," PGS Nguyễn Bá Diến nói với BBC.
Theo BBC News.