Tuesday, September 13, 2016

Bị bao vây tứ phía, vì sao Triều Tiên vẫn ung dung thử hạt nhân?

Triều Tiên nhiều lần khẳng định sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân. Đây không phải là lời đe dọa bởi các chuyên gia bên ngoài cũng khẳng định, không có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ. Tại sao Triều Tiên có thể bất chấp các lệnh trừng phạt?
Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, Đảng Cộng hòa Mỹ thúc giục Mỹ trừng phạt Bình Nhưỡng và cả đồng minh của nước này là Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama thề sẽ có những "bước đi quan trọng bổ sung, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt mới, để chứng minh với Triều Tiên rằng hành động trái pháp luật của Triều Tiên sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Tuy nhiên, cho đến nay, những biện pháp trừng phạt chẳng thể ngăn cản được Triều Tiên. Thậm chí hôm 11/9, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA còn trích lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết: “Nhóm các quan chức của ông Obama liên tục đề cập đến các lệnh trừng phạt vô nghĩa, điều đó thật nực cười khi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của họ đã hoàn toàn thất bại”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao đang quan sát một cuộc tập trận.
Hồi tháng Một, trước những thất bại trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng, Ban chuyên gia về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra một báo cáo trong đó nhấn mạnh về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, nêu chi tiết về cách thức Bình Nhưỡng đang thực hiện để thoát khỏi lệnh trừng phạt. Tuy vậy, cho đến nay, Liên Hợp Quốc cũng chưa biết làm cách nào để khiến Triều Tiên phải lo sợ.
Bill Newcomb, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và cựu thành viên của Ban chuyên gia về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết: "Về mặt tài chính, họ đã áp dụng một số kỹ thuật. Những kĩ thuật này tương tự như kĩ thuật mà các tội phạm ma túy sử dụng để “rửa” các lợi nhuận, nhưng Triều Tiên có lợi thế hơn bởi đây vẫn là một quốc gia và có thể sử dụng các đại sứ quán của mình ở nước ngoài và các nhà ngoại giao”.

Sau một chuỗi các vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi đầu năm nay, Hàn Quốc đã đồng ý để Mỹ lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến tại một khu vực cách thủ đô Seoul khoảng 135 dặm về phía đông nam. Động thái này khiến Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất, đối tác thương mại lớn nhất nhất của Triều Tiên, không vui.
Dù vậy, trước đó, nhiều chuyên gia cũng khẳng định rằng họ không tin Trung Quốc sẽ thực hiện lời hứa cùng với Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt nghiêm chỉnh các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Một trong những biện pháp trừng phạt chính là hạn chế việc xuất khẩu than và các khoáng sản khác của Triều Tiên. Mặc dù có bằng chứng cho thấy các công ty khai thác khoáng sản nhà nước của Triều Tiên đã đổ tiền cho chương trình hạt nhân của nước này, nhưng các lô hàng than vẫn được miễn trừng phạt nhờ những nguyên tắc nhằm làm giảm ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với thường dân.
Triều Tiên hô hào phát triển năng lực hạt nhân bất chấp sự phản đối của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Ông Curtis Melvin, một nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ - Hàn Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ nhận định: "Các biện pháp trừng phạt phải nhắm mục tiêu vào các hoạt động quân sự và bất hợp pháp, không phân biệt các hoạt động dân sự. Việc các biện pháp trừng phạt đang được thiết kế để không làm tổn thương thường dân đã hạn chế nhiều hàng động có thể bị trừng phạt”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang “góp” phần đáng kể vào những thất bại trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng. Ngoài các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Mỹ đã áp đặt hàng loạt những hạn chế thương mại đối với Triều Tiên. Nếu các ngân hàng hay các tổ chức tài chính bị bắt gặp giao dịch với những tổ chức Triều Tiên nằm trong danh sách đen, họ sẽ bị Bộ Tài chính Mỹ không cho tiếp cận hệ thống đồng USD. Nếu bị như vậy họ sẽ không thể làm ăn kinh doanh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, một số ngân hàng Trung Quốc không quan tâm đến việc tiếp cận hệ thống đồng USD. Hơn nữa, với những người Triều Tiên đang mòn mỏi tìm chỗ cất giấu tiền thì họ sẵn sàng trả phí khi gửi tiền.
Ông Marcus Noland, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, trụ sở ở Washington nói: "Có một số tổ chức tài chính, các công ty thương mại nhỏ của Trung Quốc không có các hoạt động kinh doanh tại Mỹ và khi Triều Tiên bị cô lập, họ sẽ làm ăn phát đạt”.
Thậm chí ngay cả khi Bắc Kinh quyết định trừng phạt Triều Tiên thì Triều Tiên vẫn có thể tìm ra cách nhập khẩu các mặt hàng. Báo cáo của Ban chuyên gia về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã đưa ra một số ví dụ về cách Bình Nhưỡng sử dụng các tàu có gắn cờ nước ngoài để “né” lệnh trừng phạt.
Thật khó tin, Bình Nhưỡng thậm chí còn có thể nhập được cả xe limousine Mercedes-Benz bọc thép từ một công ty Mỹ ở New Jersey và tham gia diễu hành quân sự ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2015. Nhiều người cho rằng, chúng được chuyển qua một công ty vận tải đường biển của Triều Tiên, mang danh công ty Trung Quốc.
Ông Newcomb, cựu thành viên của Ban chuyên gia, lưu ý rằng việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt thường bị bỏ qua hay ít thực hiện ở các cơ quan hải quan có chức năng hoạt động kém trên thế giới.
Ông nói thêm: "Triều Tiên đang sử dụng cùng những hệ thống mà các công ty khổng lồ đang sử dụng để giấu tiền của họ ở nước ngoài”.
Ông nhận xét: "Những cơ quan hải quan này không có đủ nhân viên kiểm tra hàng hóa và chấp nhận cho cả những thứ như bộ phận tên lửa đi qua. Họ cũng không thể biết được một lô hàng kim loại có phải là hàng hóa quân sự hay không”.
Newcomb cho hay, Triều Tiên có xu hướng tìm kiếm những nước có hệ thống tài chính hoặc những nơi có quy định lỏng lẻo, tình trạng hối lộ tràn lan. Ông nói: "Bất cứ nơi nào có thể hoạt động hoặc có ít sự giám sát, họ sẽ tìm đến”.
Chính vì những lý do trên mà Mỹ gần như đang bất lực trong khi Triều Tiên vẫn tuyên bố có quyền phòng vệ và thề sẽ tăng cường sức mạnh hạt nhân cả về số lượng và chất lượng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

No comments: