Quan hệ Việt - Trung bắt đầu rạn nứt năm 1968 khi Việt Nam đồng thời
giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước
này xuất hiện nhiều xung đột căng thẳng. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon
tới thăm Bắc Kinh và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ba năm sau đó,
Việt Nam từ chối tham gia liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc.
Bắc Kinh xem đó như mối đe dọa. Tháng 5/1975, Khmer Đỏ cho quân
đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam,
tàn sát hàng nghìn dân thường. Đứng sau viện trợ cho Khmer Đỏ về vũ khí,
khí tài cũng như cố vấn quân sự là Trung Quốc. Tranh chấp Trường Sa và
Hoàng Sa cũng nổi lên rõ hơn khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo.
Ngày 3/11/1978, Việt - Xô ký hiệp ước hữu nghị 25 năm - chính thức xác
nhận Việt Nam đứng về phía Liên Xô. Gần 2 tháng sau, quân đội Việt Nam
tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính
quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy đã tuyên bố "phải dạy cho Việt Nam một bài học".
Cuộc chiến 30 ngày
Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới,
đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai
Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Dù từng tuyên bố về ý định trừng phạt trước đó, cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn bất ngờ với Việt Nam và cả thế giới.
Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực
lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc có khoảng
50.000 quân.
Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ
binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo
binh, phòng không cùng hàng trăm khẩu pháo, hàng nghìn súng cối và dàn
hỏa tiễn. Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực
lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung
Quốc chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chất (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn
(Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng
(Lạng Sơn). Dù bị bất ngờ song với lực lượng dân quân địa phương, Việt
Nam đã chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.
Ngày 20/2, Trung Quốc tăng cường lực lượng chi viện, mở các đường tấn
công mới vào điểm cao nhằm tiến xuống phía nam Đồng Đăng. Quân và dân
Lạng Sơn bám trụ trận địa, đánh trả mạnh mẽ các mũi tấn công phía trước,
phía sau của địch, buộc quân Trung Quốc phải co về đối phó và bị đẩy
lùi ở nhiều nơi.
Sau 10 ngày chiến đấu không đạt được mục tiêu, ngày 27/2, Trung Quốc
tung thêm một quân đoàn nhằm vào thị xã Lạng Sơn. Cuộc chiến diễn ra
quyết liệt giữa 2 quân đoàn tăng cường của Trung Quốc và lực lượng vũ
trang địa phương Việt Nam. Ở điểm cao 417, đoàn An Lão đã đánh bật hàng
chục đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn 850 của Trung
Quốc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Khánh Khê trên đường 18, chiến sĩ đoàn Tây
Sơn đã chặn đứng một sư đoàn quân và một tiểu đoàn xe tăng Trung Quốc.
Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung
Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông
đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp
điểm ở thị xã Cao Bằng.
Cả hai cánh quân đều bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng
đánh chặn. Cánh quân tây bắc dựa vào sức đột phá của xe tăng bị chặn tại
Hòa An. Cánh quân đông bắc cũng bị đánh quyết liệt ở Thạch An và Quy
Thuận, bị chặn đứng trên đường số 4. Mũi đánh vào Trà Lĩnh, Phục Hòa gồm
2 sư đoàn nhằm chiếm đèo Mã Phục, Khâu Chia cũng bị lực lượng vũ trang
địa phương phản kích làm tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới.
3 ngày đầu, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn,
bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự
bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chia, các lực
lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc trong 12 ngày,
diệt hơn 4.000 lính. Ngày 12/3, quân Trung Quốc tháo chạy.
Trên tuyến Hoàng Liên Sơn, từ mờ sáng 17/2, các sư
đoàn tuyến 1 của hai quân đoàn Trung Quốc ồ ạt tấn công toàn biên giới
Hoàng Liên Sơn từ phía tây bắc đến đông bắc thị xã Lào Cai. Cùng với
việc đánh nhiều mũi vào các huyện Bát Xát, Mường Khương, bắn pháo dữ dội
vào thị xã, quân Trung Quốc đồng thời bắc cầu qua sông Nậm Thi, cho xe
tăng và bộ binh tiến vào thị xã Lao Cai và khu vực Bản Phiệt. Dân quân,
tự vệ thị xã cùng các lực lượng vũ trang ở đây đánh trả quyết liệt. Sau 7
ngày, hai quân đoàn Trung Quốc không qua nổi trận địa đánh chặn, phục
kích của quân và dân Hoàng Liên Sơn.
Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, cùng một lúc quân Trung
Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến
công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu) và đụng độ với lực
lượng vũ trang địa phương. Qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở
Phong Thổ.
Ở Hà Tuyên, một sư đoàn Trung Quốc tấn công vào các
đồn chốt biên phòng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của công an vũ
trang, dân quân, bộ đội các huyện Đồng Văn, Thanh Thủy, Mèo Vạc và đồng
bào các dân tộc. Hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Tại Quảng Ninh, Trung Quốc dùng hai sư đoàn bộ binh
tiến công vào Pò Hèn, Móng Cái, Cao Ba Lanh, huyện Bình Liêu. Trong hai
ngày 19 và 20/2, hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui, tháo chạy sát
về biên giới.
Trung Quốc rút quân
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động
viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố "hoàn thành mục tiêu
chiến tranh" và bắt đầu rút quân. Các nhà quan sát lúc đó cho rằng rút
lui là hành động rất khó, có thể gây cho Trung Quốc nhiều tổn thất nếu
bị quân tinh nhuệ Việt Nam phản công.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân, thể hiện
thiện chí hòa bình. 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.
Trải qua 30 ngày chiến đấu, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào
dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân
dân, đánh trả quyết liệt.
Việt Nam công bố, tiêu diệt 62.500 lính Trung Quốc (hơn 1/10 tổng số
được huy động), đánh tan hoặc gây thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu
đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc
thép (hơn một nửa số tham chiến), phá hủy 115 đại bác và súng cối hạng
nặng…
Tuy nhiên, cuộc xâm chiếm của Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại nặng
cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy
diệt hoàn toàn, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp, hàng chục nghìn ha
hoa màu bị tàn phá. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên
giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản.
Kết thúc môt tháng giao tranh, giới phân tích nhận định, thay vì dạy
cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học của chính mình.
Sau thời điểm 18/3/1979 đến tận 1988, Trung Quốc đã không rút hết quân
như tuyên bố. Suốt gần 10 năm đó, chiến sự vẫn tiếp diễn, cao điểm nhất
là năm 1984-1985. Nhiều đơn vị quân đội của Trung Quốc đã được luân
chuyển tới biên giới, biến Việt Nam thành thao trường.
Việt Nam vì thế buộc phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự
lớn dọc biên giới. Tình trạng chiến tranh khiến kinh tế Việt Nam thiệt
hại nặng nề.
Năm 1992, Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ.
(Bài viết được trích từ VnExpress)
Hoàng Thùy - Nguyễn Hưng