Friday, February 12, 2016

Giáo hoàng gặp Giáo chủ Chính thống Nga



Giáo hoàng Francis và người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, Giáo chủ Kirill, có cuộc gặp lịch sử ở Cuba.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu hai giáo hội Công giáo La Mã và Chính thống giáo Nga gặp gỡ kể từ khi hai dòng Thiên chúa giáo phương Tây và phương Đông châu Âu tách ra hồi thế kỷ 11.
Trong một thông cáo chung, hai vị kêu gọi thế giới bảo vệ người Kitô giáo ở Trung Đông khỏi bị truy bức.
Cuộc gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ diễn ra tại sân bay Havana.
Giáo hoàng đã dừng chân ở đây trên đường tới Mexico. Giáo chủ Kirill thì đang thăm Cuba, Brazil và Paraguay.

'Anh em'

Hai nhà lãnh đạo giáo hội đã ôm hôn nhau khi bắt đầu cuộc gặp hôm thứ Sáu 12/2 giờ địa phương.
Giáo chủ Kirill nói: "Tôi rất vui mừng chào đón ông, người anh em quý mến".
Giáo hoàng Francis đáp lại: "Cuối cùng thì chúng ta cũng gặp nhau".
Tại cuộc họp báo sau đó, Giáo chủ Kirill nói cuộc gặp diễn ra "cởi mở" và "anh em", trong khi Giáo hoàng Francis nói hai bên "rất chân thành".
Image copyrightAP
Image captionHai vị lãnh đạo đã có họp báo chung
Thông cáo chung viết: "Chúng tôi hy vọng cuộc gặp của chúng tôi đóng góp cho sự nghiệp kiến thiết sự đoàn kết mà Thượng đế mong muốn".
Thông cáo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ cho người Thiên chúa giáo, vì "ở nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, nhiều gia đình, làng mạc và thành phố của anh em chúng ta trong Thiên chúa đã bị phá hủy hoàn toàn".
"Nhà thờ của họ bị cướp phá một cách dã man, các vật thờ bị làm hoen ố và các điện thờ bị phá hoại."
Cụôc gặp giữa Giáo hoàng và Giáo chủ mang ý nghĩa cực kỳ to lớn, nhất là trên khía cạnh ngoại giao của các giáo hội.
Giáo chủ Kirill đã lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga từ tháng Hai 2009, còn Giáo hoàng Francis nhậm chức tháng Ba 2013.
Giáo hội Công giáo La Mã có hơn một tỷ tín đồ toàn cầu, trong khi Giáo hội Chính thống Nga có 165 triệu.

Còn khác biệt

Trong số các giáo hội chính thống thì dòng Chính thống giáo Nga là đông tín đồ và hùng mạnh nhất.
Tuy nhiên, người ta không trông đợi cuộc gặp ở Havana dẫn tới một sự thân cận nào ngay lập tức.
Người phụ trách ngoại giao của Giáo hội Chính thống Nga trước cuộc gặp cho hay còn nhiều khác biệt giữa hai dòng này, nhất là ở miền tây Ukraine.
Một trong các bất đồng là về Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Ukraine, vốn theo các nghi lễ Chính thống giáo nhưng lại thuộc quản lý của Vatican.
Giáo hội Chính thống giáo Nga coi Ukraine là lãnh địa truyền thống của mình và không chấp nhận ảnh hưởng của Giáo hoàng tại đó.

No comments: