Tuesday, April 12, 2016

Tin thế giới 18h30: Ukraine thay thủ tướng, Trung Quốc "nổi khùng" với G7

Ukraine biến động chính trị sau khi ông Arseny Yatsenyuk từ chức Thủ tướng; Tại Syria, Mặt trận Nusra tổ chức một cuộc tiến quân lớn đến Aleppo, quân nổi dậy trách ông Obama trao cơ hội củng cố vị thế cho ông Putin; Trung Quốc "nổi khùng" với G7...
Ukraine
*Hai ngày sau khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk tuyên bố từ chức, tình hình chính trị ở Ukraine vẫn còn biến động khó lường. Tổng thư ký Hội đồng Châu Âu nói rằng “điều cần thiết ngay lúc này là họ phải lập nên một nội các mới và càng phải đẩy mạnh các hoạt động cải cách”. Trong tuyên bố từ chức của mình, ông Yatsenyuk nói rằng nếu một nội các mới không được thành lập thì tình trạng bất ổn ở Ukraine sẽ là “không thể tránh khỏi”.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã từ chức vào ngày 10/4.
Chính phủ ông Yatsenyuk đã không nhận được sự tín nhiệm không chỉ từ người dân mà còn nhiều quan chức cấp cao khác, nguyên nhân chính là bởi họ đã không thực hiện những bước cải cách như đã hứa.
*Trong số những quan chức cấp cao không hài lòng với tiến độ chậm chạp của hoạt động cải cách có cả Tỉnh trưởng Odessa Mikheil Saakashvili, cựu Tổng thống Georgia. Mới đây trong một cuộc họp báo, ông Saakashvili đã dọa sẽ từ chức nếu yêu cầu của ông không được thỏa mãn, trong đó bao gồm sa thải những quan chức thoái hóa biến chất.

Ông Saakashvili cho biết, hoạt động cải cách diễn ra chậm chạp một phần là bởi “cách tiếp cận của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong việc phát triển đất nước và cải tổ bộ máy nhà nước”.  Ông nói những nỗ lực của ông và các quan chức vùng Odessa đã bị cản trở bởi văn phòng Tổng thống Ukraine, và yêu cầu các chính trị gia “từ bỏ những hành vi hai mặt của mình” và thành lập một chính phủ mới được người dân tin tưởng.
Tỉnh trưởng Odessa Mikheil Saakashvili.
Có nguồn tin cho rằng ông Saakashvili đang có mong muốn trở thành Thủ tướng Ukraine, kể từ sau khi ông Yatsenyuk tuyên bố từ chức. Tổng thống Poroshenko cũng đề cử Chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Groysman lên nhậm chức, song ông này đã từ chối.
*Theo một chuyên gia chính trị người Ukraine, việc ông Yatsenyuk từ chức sẽ chỉ tạm thời giảm bớt căng thẳng trong nước nhưng không giải quyết tận gốc những bất ổn chính trị. “Vấn đề then chốt của cuộc xung đột là sự tham nhũng, mất uy tín. Việc từ chức không giải quyết được những vấn đề này. Nó chỉ đem lai một khoảng thời gian nghỉ ngơi tạm thời trong tình hình căng thẳng”, ông này cho biết.
Syria
*Sau khi chính phủ Syria tuyên bố sẽ tổ chức một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại Aleppo ở phía Bắc đất nước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mặt trận Nusra, một trong những tổ chức khủng bố không thuộc hiệp ước ngừng bắn ở Syria, đã điều 10.000 quân đến ngoại ô thành phố để chuẩn bị cho một trận chiến lớn.
Một góc thành phố Aleppo, Syria.
Tham mưu trưởng quân đội Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy cho biết có khoảng “8.000 phiến quân Mặt trận Nusra đã có mặt tại khu vực phía Tây Nam Aleppo, trong khi đó có 1.500 phần tử khủng bố đã đóng quân tại khu vực phía Bắc thành phố”. Mục tiêu của chúng là nhằm “tấn công quy mô lớn nhằm cắt đứt tuyến đường nối thủ đô Damascus và Aleppo”.
Cũng theo ông Rudskoy, Mặt trận Nusra vẫn tiếp tục nhận được nhiều loại vũ khí được tuồn từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và đi qua các khu vực do các nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.
*Một thủ lĩnh quân nổi dậy Syria cho biết, chính Tổng thống MỹBarack Obama đã “tặng” cơ hội vàng cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Bà tin rằng Mỹ hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp chính trị, tuy nhiên họ đã “không gây sức ép cần thiết để thay đổi tình hình”. Theo bà, ông Obama đã không thực hiện những bước đi quan trọng trong quá khứ để gây dựng tiếng nói của mình tại Syria, và ông Putin đã nắm bắt cơ hội này.
Bà này nói thêm, kể từ sau khi quân đội Syria giành lại được thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức khủng bố IS nhờ sự trợ giúp của Không quân Nga và các lực lượng đồng minh, một “hiệu ứng tâm lý lớn” đã được tạo ra, và uy tín trên bàn đàm phán của Nga được củng cố.
Trực thăng Mi-28M của quân đội Nga.
*Theo thông tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga, một trực thăng chiến đấu của Nga đã bị rơi ở gần thành phố Homs (Syria) khiến 2 phi công tử nạn. Bộ này cho biết thi thể của hai người đã được đưa về căn cứ không quân Hmeymim và theo điều tra ban đầu, máy bay không bị bắn rơi. Đây không phải là lần đầu tiên phi công Nga hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở Syria, khi vào ngày 24/11/2015, một máy bay tiêm kích Su-24 đã bị phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Phi công trên máy bay đã tử nạn do bị quân nổi dậy ở dưới đất bắn chết sau khi thoát thân.
*Ngoài ramột số tin tức khác liên quan đến Syria bao gồm: phe đối lập mong muốn chính phủ mới ở Syria phải có sự tham gia của cả lực lượng thân chính phủ cũng như các phe nhóm nổi dậy; ngoại trưởng các nước G7 ủng hộ ông Assad từ chức, đồng thời tìm kiếm giải pháp ổn định đất nước sau xung đột; chính phủ Syria cam kết sẽ tổ chức bầu cử toàn quốc một cách dân chủ, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục viện trợ vũ khí cho các phần tử cực đoan v.v…
Châu Á
*Chính phủ Mỹ đang có những bước chuẩn bị để Tổng thống Obama có chuyến thăm tới thành phố Hiroshima (Nhật Bản) sau khi ông tham gia hội nghị thượng đỉnh các nước G7. Vào ngày 11/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã có mặt tại thành phố này và đến thăm Công viên Hòa bình, tọa lạc gần nơi quả bom nguyên tử đã phát nổ tại thành phố. 
Mặc dù ông Kerry phát biểu rằng việc Tổng thống Mỹ đến thăm thành phố “còn phụ thuộc vào thời gian biểu dày đặc của ông, đến mức ông phải lên kế hoạch từ trước rất lâu”, đây được coi là tín hiệu cho thấy ông Obama sẽ đến Hiroshima. Đây có thể là chuyến thăm Nhật Bản cuối cùng của ông Obama trong cương vị Tổng thống.
Ảnh chụp trên cao hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại bãi đá Vành Khăng, thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam.
*Sau khi Ngoại trưởng các nước G7 đã đưa ra tuyên bố chung về nhiều nội dung, trong đó họ “phản đối bất kỳ hành động khiêu khích, cưỡng ép và đe dọa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức phản pháo rằng các nước G7 “không được phép thiên vị bất kỳ bên nào trong vấn đề tranh chấp biển đảo”, “tôn trọng những nỗ lực mà các nước trong khu vực đã làm, ngừng những phát ngôn vô trách nhiệm và thực sự đóng góp đối với nền hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Phát ngôn này của Trung Quốc được đưa ra trong lúc nước này tiếp tục kiểm soát trái phép quân đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam cũng như cho hạ đặt giàn khoan dầu tại vùng đặc khu kinh tế nước này. Không những vậy, họ còn vướng vào một cuộc tranh chấp khác trên biển Hoa Đông với Nhật Bản nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Anh Tuấn (tổng hợp)

No comments: