Sunday, June 19, 2016

Tin thế giới 19h: Các công ty dầu mỏ Mỹ mất 2 tỷ USD mỗi ngày

Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng, tàu chiến Mỹ bị bắt giữ tại hải phận Iran; Nga không ham vị thế "siêu cường"; Thổ Nhĩ Kỳ bị khủng bố v.v...
Mỹ
*Vào tối ngày 12/1 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng trên cương vị Tổng thống, trước khi nhường lại ghế nóng vào cuối năm nay. Tổng thống Obama đã dẹp bỏ nền chính trị mang chủ nghĩa bè phái và nỗi sợ hãi làm rung chuyển chiến dịch tìm người kế nhiệm của mình để tạo dựng một quốc gia có “đôi mắt sáng, trái tim rộng lớn” và “đầy lạc quan”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có bài phát biểu Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình vào ngày 12/1.
Obama không kể tên bất cứ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nào, tuy nhiên ông cho rằng số phận của nước Mỹ đã bị hủy hoại bởi một hệ thống chính trị “mưng mủ” trong gian ác, bế tắc và bị kìm kẹp bởi những người giàu có và quyền lực. Đồng thời, ông kêu gọi họ không tự biến mình thành con mồi của sự cám dỗ đã dấy lên trong suốt lịch sử và chống lại sự thay đổi của xã hội.
Tổng thống Mỹ cũng mạnh mẽ bảo vệ các thành quả trong nước mà ông đã làm được, tuyên bố đã tạo ra được 14 triệu việc làm và giảm một nửa tỷ lệ thất nghiệp. Ông khẳng định những ai cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái là “không đúng sự thật”.

*Các quan chức Mỹ cho biết quân đội Iran đã bắt giữ hai tàu Hải quân nước này ở đảo Farsi thuộc khu vực vùng Vịnh Ba Tư. Hai tàu này được cho là đang tiến hành một bài huấn luyện, nhưng gặp phải trục trặc kỹ thuật nên đã trôi dạt vào vùng lãnh hải của Iran. Theo hãng tin NBC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã liên lạc với các quan chức Iran thông qua điện thoại với nỗ lực đàm phán về việc đề nghị Iran thả tàu và 10 thủy thủ của Mỹ.
*Theo thông tin mới nhất, các thủy thủ Mỹ đã được thả sau khi Washington gửi công hàm xin lỗi về vụ việc và nói rằng bất cứ hành động xâm phạm nào đều là “do nhầm lẫn”. Hiện vẫn chưa có thông tin xác nhận từ phía chính phủ Mỹ về thông tin này. Về phía Iran, chỉ huy trưởng lực lượng hải quân nước này cho biết họ không tin hai tàu chiến “có ý đồ xấu” khi tiến vào vùng biển của Iran.
Chỉ huy hải quân Iran Ali Fadavi trước đó cho biết, các thủy thủ có những hành vi “thiếu chuyên nghiệp” và Iran yêu cầu một lời xin lỗi từ phía Ngoại trưởng Kerry. Ông biện hộ rằng hành động bắt tạm giam các thủy thủ là “biện pháp cần thiết”.
Tàu của Hải quân Mỹ bị bắt giữ tại đảo Farsi (Iran).
*Theo các chuyên gia Mỹ, mỗi ngày các công ty dầu mỏ ở Mỹ đang mất đi 2 tỷ USD và khả năng sẽ phải tuyên bố phá sản của nhiều công ty là rất cao. Báo Wall Street Journal cho biết, cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ hiện rất khốc liệt. Các công ty khai thác dầu không những không giảm sản lượng khai thác để kích thích tăng giá mà ngược lại, họ gia tăng sản lượng khai thác để có thể “triệt hạ” nhau.
Để tăng cường hoạt động, các công ty khai thác dầu phải đi vay vốn. Tuy nhiên, khi giá dầu suy giảm, nguồn thu suy giảm sẽ dẫn đến khó có thể trả nợ các khoản đã vay. Do đó, các công ty vướng vào nợ nần không còn cách nào khác ngoài việc phải tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác để có tiền trả nợ.
Theo phân tích của 3 ngân hàng đầu tư lớn là Morgan Stanley, Goldman Sachs và Citigroup, giá dầu nhiều khả năng sẽ còn sụt giảm và dao động quanh ngưỡng 20 USD/thùng.
Nga
*Trong bài phỏng vấn với báo Bild của Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định Nga ủng hộ lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và bất cứ lực lượng nổi dậy nào sẵn sàng chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Đồng thời, Tổng thống Putin cũng bác bỏ những cáo buộc của truyền thông phương Tây khi cho rằng máy bay Nga tấn công các nhóm nổi dậy thay vì IS.
Giải thích về vai trò của Nga trong cuộc chiến, ông Putin cho biết mối lo ngại chính hiện nay là tránh để tình trạng khoảng trống quyền lực xảy ra ở Syria giống như những gì đang diễn ra tại Libya thời hậu  Gaddafi, khiến đất nước hỗn loạn. “Tôi xin nói rõ điều mà Nga không muốn xảy ra, đó là chúng tôi không muốn kịch bản ở Libya và Iraq được lặp lại ở Syria”, ông nói.
Điều đáng chú ý trong buổi phỏng vấn này đó là, khi được hỏi về vị thế của Nga trên trường quốc tế, ông Putin bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Nga là “một thế lực khu vực” và nói rằng Moscow không hướng đến việc trở thành một “siêu cường”, vì nó “không mang lại ý nghĩa gì cả”.
Bên cạnh đó, bài phỏng vấn cũng đề cập đến khả năng Nga tái hợp tác với các nước G8 và NATO. Hai nhóm nước này đã cứt đứt quan hệ với Nga sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. “Nga không đơn phương phá vỡ quan hệ với G8 hay NATO. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ nước nào chừng nào cần bàn về một đề tài chung”, ông Putin cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với báo Bild của Đức vào ngày 5/1.
*Hãng RIA Novosti cho biết, công ty Saipem của Ý là một trong những ứng viên nhận được đơn đặt hàng xây dựng các đường ống dẫn khí cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Theo một nguồn tin, Saipem hiện đang thương lượng với Tập đoàn Gazprom và gần như chắc chắn sẽ tham gia dự thầu dư án này.
Việc đầu thầu dự kiến được tổ chức trong năm nay đang đặt dưới sự nghi ngờ do dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” nhận được không ít những lời chỉ trích từ một số quốc gia châu Âu. Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”. 
“Chúng ta không thể đồng ý với yêu sách nới lỏng phòng vệ của Nga bởi chúng ta cần phải chuẩn bị đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng”, ông Frank Rose, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ trả lời báo giới tại trụ sở chính của NATO tại Brussels (Bỉ).
“Cụ thể, Triều Tiên đang sở hữu một số lượng lớn tên lửa đạn đạo, được thử nghiệm thường xuyên”, ông Rose cho biết. Theo ông, Triều Tiên đủ sức tấn công lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản và trong tương lai sẽ là Mỹ.
Mặc dù nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng, vào tháng 2/2015 Washington đã từng cảnh báo rằng Triều Tiên đang chế tạo một loại tên lửa tầm xa, được trang bị đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ. Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí của mình ngay lập tức.
Thổ Nhĩ Kỳ
*Một kẻ đánh bom cảm từ được cho là người Syria đã cho nổ một quả bom lớn ngay trung tâm thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), khiến ít nhất 10 người thiệt mạng trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn còn bất ổn. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus trả lời trước báo giới sau một cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh rằng hung thủ là người Syria, tuy nhiên ông không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết về vụ việc.
Một công nhân vệ sinh dọn hiện trường vụ đánh bom tại Istanbul xảy ra vào ngày 12/1.
Cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, tuy nhiên các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng thủ phạm nhiều khả năng là IS sau hàng loạt các vụ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, lực lượng ly khai người Kurd cùng các nhóm cánh tả cũng bị nghi ngờ.
*Theo thông tin mới nhận được, ba người Nga bị nghi có liên quan đến vụ khủng bố ở Istanbul đã bị bắt giữ. Cảnh sát cũng thu giữ những tài liệu và đĩa CD trong khi khám xét nơi các nghi phạm đang tạm trú. Hiện vẫn chưa rõ việc bắt giữ diễn ra vào thời điểm nào.

Anh Tuấn (tổng hợp)

No comments: