Tuesday, September 23, 2014

Gái chưa chồng nói về Bánh đúc có xương: "Điêu không thể tả"


"Có bà mẹ nào lại để con trai mình ở vậy mấy chục năm trời không cho lấy vợ? Có ông bố nào lại bắt con trai gà trống nuôi con suốt cuộc đời? ... nói chung là điêu, không thật chút nào cả"
Một tuần có tới 3 buổi tối, mình bị "tra tấn" bởi bộ phim Bánh đúc có xương chiếu trong khung giờ vàng của VTV1. Nhà mình có thói quen ăn cơm muộn nên trong khi ăn cơm là xem phim luôn mà mẹ mình thì cứ nhất nhất đòi mở VTV1. Kể từ ngày có phim Bánh đúc có xương, mình luôn phải cố gắng ăn cho thật nhanh để đi ra khỏi phòng hoặc đi tắm cho khuất mắt. Mình không hiểu tại sao các ông bà, cả mấy chị có chồng ở cơ quan lại thích xem phim đó thế,  riêng mình và những đứa bạn chưa chồng khác đều thấy "bực không thể chịu nổi" khi xem phim. Những tập đầu của phim mình xem còn thấy hấp dẫn, càng về sau càng bực mình. Mà đó có lẽ là mô típ chung của phim truyền hình Việt Nam, phải tới 20 năm nay rồi không đổi. Dưới đây là những tình huống và nội dung mà theo mình cũng như các cô bạn của mình đều thấy là siêu nhảm nhí.

1. Tình huống phim đặt ra gượng ép, dẫn dắt vấn đề kém

Vì xây dựng về đề tài gia đình, nên bộ phim không có những cảnh quay hoành tráng hay hành động gay cấn mà chỉ là những câu chuyện nho nhỏ bếp núc, chuyện làm dâu, chuyện nấu ăn. Tất nhiên, nếu được biến tấu một cách khéo léo thì chỉ những chuyện "cỏn con" như vậy cũng có thể xây dựng thành hàng trăm tập với mấy phần như High Kick của Hàn Quốc. Ở mức độ của phim ảnh Việt Nam, khán giả không mong chờ điều đó mà chỉ muốn một bộ phim với cốt chuyện mạch lạc, có thắt có mở, có cao trào và hài hước, nhưng có vẻ như thế cũng quá nhiều.

Bánh đúc có xương - webphunu.net

Đầu tiên phải kể đến nhân vật bà nội Bảo Khánh (NSƯT Ngọc Lan) một bà mẹ chồng mang tư tưởng truyền thống và có phần khá cổ hủ. Có thể nói, cách diễn của nghệ sẽ Ngọc Lan rất chân thực, không màu mè mà gần gũi. Nhưng cái dở ở đây là nội dung và tình tiết phim quá phi lý. Cứ cho bà là người già, cổ hủ nhưng có cổ hủ đến đâu cũng khó thấy bà mẹ nào ngoài đới thực bắt con trai ở vậy tới 30 năm để chăm cháu, trong khi đó đứa cháu gái đã đến tuổi đi lấy chồng. Lấy lý do này để phản đối cuộc hôn nhân của ông Duy (NSƯT Đỗ Kỷ) và cô Hà (Linh Huệ) là điều hoàn toàn gượng ép.

Giống như vậy, ông bố của Chí Kiên (NSƯT Thanh Kha) cũng không muốn con trai mình lấy vợ vì sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu khiến cháu gái mình chịu khổ, sợ lại bị lừa hết gia sản lần nữa. Thế nhưng, nếu chỉ vì những lý do đó mà bắt Chí Kiên ở vậy cả đời thì tội cho anh quá, mặc dù anh còn rất trẻ và hoàn toàn có thể đi bước nữa. Chính vì, cách xây dựng tình huống không chắc tay nên chi tiết đó không khiến khán giả phải băn khoăn hay đồng cảm với nhân vật mà lại cảm thấy buồn cười và bực mình trước suy nghĩ cứng nhắc của các cụ.

Bánh đúc có xương - webphunu.net

Một chi tiết nữa rất quan trọng dẫn dắt toàn bộ câu chuyện là việc Chi (Nguyệt Hằng) vợ cũ của Chí Kiên tìm cách phá hoại hạnh phúc mới của chồng cũ. Nếu để xây dựng một người phụ nữ đã hối hận vì rời bỏ chồng con mà mong muốn được quay trở lại thì quả thật nữ đạo diễn đã thất bại rồi. Nhân vật Chi suy nghĩ rất tiêu cực, phiến diện không những thế còn rất ích kỷ và trẻ con khi cố tình bày mưu hại Bảo Khánh hết lần này đến lần khác.

Cô can thiệp một cách quá sâu vào gia đình của chồng cũ mà điều này ở ngoài thực tế rất ít khi có thể xảy ra. Có cảm giác như phim không có nhân vật phản diện vì vậy có bị buộc làm kẻ xấu. Cô đến và đi, bình luận về Bảo Khánh, xách mé với Chí Kiên rất tự nhiên như cô là chủ nhà còn Bảo Khánh là kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc vợ chồng cô, nhưng không phải như thế. Những âm mưu của Chi và cô con gái Hoài Anh cũng khá vớ vẩn và có phần bộc phát, khiến cao trào của phim không được đẩy lên, mọi chuyện cứ lửng lơ, vì đạo diễn muốn kết thúc câu chuyện đó nhanh chóng để chuyển sang một tình huống khác. Điều này khiến cho tình tiết phim như đang cố lừa trẻ con vậy, rất không logic.

2. Tâm lý nhân vật không mang tính thực tế

Trước tiên phải kể đến nhân vật bà Hà (Linh Huệ), nếu nói ở ngoài đời có người mẹ kế nào nhẫn nhục như vậy quả thật hiếm, cô nhẫn nhục đến mức nhu nhược. Đó không phải sự đằm thắm hay tính chịu đựng của người phụ nữ Việt. Nếu đạo diễn Thái Huyền muốn làm phim "đề tài cũ mang phong cách mới" thì tâm lý nhân vật cũng phải được làm mới. Vẫn biết cuộc sống có người này người kia, nhưng việc chịu đựng con chồng, mẹ chồng mà không một lời oán thán như vậy khó mà chấp nhận. Người phụ nữ hiện đại suy nghĩ cho gia đình nhưng họ cũng biết bảo vệ tự tôn và hạnh phúc của mình, họ có tiếng nói cá nhân và khéo léo để mọi người biết được quan điểm của mình, chứ họ không răm rắp nghe theo chồng theo mẹ một mực cúi đầu như nhân vật này đã thể hiện. Khán giả nhiều lúc phát bực với cô, thương cô nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người không đồng tình với cách sống của nhân vật này.

Bánh đúc có xương - webphunu.net

Ngoài ra, nhân vật bé Hoài Anh - một trong những vai "ác" của phim cũng khiến khán giả không hài lòng. Với mong muốn bố mẹ trở về với nhau, Hoài Anh ghét cay ghét đắng mẹ kế Bảo Khánh và luôn tìm cách phá hoại cô. Về mặt tâm lý, khán giả có thể giải thích lý do Hoài Anh xử sự như vậy, nhưng về mặt hành động, thì người xem đều lắc đầu ngán ngẩm trước cô bé mới học lớp 9 này. Càng xem, khán giả càng mất dần thiện cảm với em, em hành động rất trẻ con, thậm chí láo toét với Bảo Khánh, mới học cấp 2 nhưng em đã mưu mô hơn cả người lớn. Sự trong sáng của em đã mất dần theo những thói ghen tị, soi mói rất người lớn. Tự hỏi, nếu một nhân vật sống với cảm xúc và suy nghĩ như thế thì sau này lớn lên em sẽ như thế nào.

Bánh đúc có xương - webphunu.net

Kết

Phim truyền hình Việt Nam luôn có những điểm yếu mà khán giả có thể đọc tên nhưng lại rất khó để thay đổi, nó giống như một căn bệnh mãn tính, trầm kha đã ăn sâu bén dễ. Tuy nhiên, khán giả vẫn luôn khuyến khích các đạo diễn tiếp tục xây dựng những bộ phim như thế này, bởi nó cho thấy góc nhìn đa chiều về cuộc sống hiện đại của người Việt Nam. Nhưng có lẽ, đó là phim chỉ dành cho những người trầm tính, có biểu hiện cảm xúc đơn giản chứ với những người cá tính mạnh như mình thì thực sự không thể chấp nhận được những cái phi lí mà các bộ phim dựng lên rồi bắt nhân vật phải chịu đựng như vậy. Đành rằng, phim thì phải như thế ấy, nhưng mình nghĩ, đạo diễn vẫn cần phải có lối làm phim với diễn tiến nhanh hơn và các xử lý các hiểu lầm cũng như diễn đạt mạch lạc, logic hơn.
Nguồn Webphunu.net

No comments: