Saturday, July 4, 2015

Tin thế giới 19h: Right Sector đòi chiến tranh đến cùng với ly khai Ukraine


Kiev lại chìm trong khói lửa và biểu tình, muốn chiến tranh tới cùng với quân ly khai miền đông; Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hong Kong sau 18 năm gián đoạn; Hy Lạp chia đôi vì trưng cầu dân ý
Nga - Ukraine - phương Tây
*Hãng thông tấn Tass dẫn tuyên bố của thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga, ông Nikolai Patrushev cho biết mục đích chính của phương Tây thông qua các biện pháp trừng phạt chống Nga – nhằm thay đổi ban lãnh đạo nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Trong khi đó, tại phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đang phải chịu áp lực bởi vì "không thương mại chủ quyền của mình”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không hy vọng phương Tây sẽ thay đổi chính sách thù địch và cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga đã không đem lại những kết quả mong đợi.
*Khoảng 1.000 binh lính chiến đấu ủng hộ chính phủ Ukraine và những người ủng hộ Right Sector đã tuần hành qua trung tâm thủ đô Kiev.
Theo BBC đưa tin, nhiều lốt xe bị đốt, mùi khói lửa bay khắp các khu vực mà đoàn biểu tình đi qua. Họ kêu gọi chính phủ chấm dứt thoả thuận ngừng bắn Minsk và tuyên chiến với quân ly khai miền đông.
Người biểu tình kêu gọi chiến tranh với quân ly khai ở miền đông Ukraine. Ảnh: EPA
Những người biểu tình cho rằng chính phủ Nga đã đưa binh sĩ và trang thiết bị vào Ukraine. Nga luôn phủ nhận những cáo buộc thiếu căn cứ này.
*Hãng tin Reuters bình luận, Mỹ đang mạo hiểm chọc giận Nga khi cân nhắc kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho quân chính phủ Kiev bởi nhiều người cho rằng Moscow sẽ không ngại leo thang căng thẳng khi cần thiết.
Căng thẳng quân sự giữa Mỹ - Nga đang ngày càng bùng nổ. Khi mà hôm 23/6, Lầu Năm Góc cho công bố kế hoạch đặt hàng trăm xe tăng, bích kích pháo và xe bọc thép tới các nước vùng Baltics và một số quốc gia Đông Âu là thành viên của NATO. 
Về phần mình, Nga cũng cho tăng cường các lực lượng tới Belarus và đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống tên lửa Iskander tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ được Moscow trang bị vũ khí hạng nặng nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Hy Lạp
*Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu chấp nhận hay từ chối việc thắt lưng buộc bụng hà khắc để đổi lấy các gói cứu trợ của EU, giải thoát Hy Lạp khỏi tình trạng vỡ nợ, nước này chìm trong cuộc biểu tình của cả hai xu hướng: những người nói "có" và những người nói "không".
Những người ủng hộ nói "Không" với thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp.
Hàng chục nghìn người Hy Lạp đã tham gia vào cuộc biểu tình ở thủ đô Athens hôm 5/7. Thủ tướng Alexis Tsipras được chào đón và cổ vũ mạnh mẽ khi ông phát biểu trước những người ủng hộ bỏ phiếu "không" với các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế.
Tuy nhiên, những người tham dự một cuộc mít tinh khác gần đó cảnh báo việc nói "không" sẽ đẩy Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone.
*Về phía cá nhân Thủ tướng Hy Lạp, nhiều người đang đặt câu hỏi: ông Alexis Tsipras là một nhà lãnh đạo điên rồ, đang đẩy Hy Lạp xuống vực vỡ nợ, hay một thiên tài chính trị, đang khéo léo ‘ép’ EU làm những gì ông muốn?
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras
Theo tờ The Toronto Star (Canada), đáp án của câu hỏi này sẽ được hé lộ trong vài ngày tới khi Hy Lạp ở giai đoạn “nước rút” trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nước này phải đối mặt kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1949.
Trung Quốc
*Theo Tân Hoa xã, ngày 4/7, Quân đội Trung Quốc (PLA) đồn trú tại Hong Kong đã bắt đầu một cuộc diễn tập bắn đạn thật ở ngoại ô đặc khu hành chính này.     
Cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc ở đặc khu Hong Kong
Cuộc diễn tập mang tên "Người bảo vệ Hong Kong - 2015C", diễn ra tại trường bắn Tsing Shan ở Tân Giới (New Territories). Các binh sỹ cùng xe thiết giáp, tên lửa chống tăng và máy bay vũ trang thuộc lục quân, hải quân và không quân đồn trú tại Hong Kong đã tiến hành diễn tập tình huống giả định bảo vệ khu vực trung tâm của Hong Kong.   
Đây là lần đầu tiên lực lượng PLA đồn trú tại Hong Kong tiến hành một cuộc diễn tập như vậy kể từ năm 1997. Khoảng hơn 500 người dân địa phương đã được mời đến quan sát cuộc diễn tập này.
*Các quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ không tham dự cuộc duyệt binh của Trung Quốc để kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Châu Á, Đại sứ EU tại Bắc Kinh hôm 3.7 cho biết.

    Ông Hans Dietmar Schweisgut cho biết, vẫn có những câu hỏi về việc, liệu những sự kiện như thế này sẽ thúc đẩy hòa giải hay làm tăng thêm sự bất ổn trong khu vực này - có ý nhắc tới bất đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề lịch sử chiến tranh và tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.
    *Hôm 3/7, hãng tin Sputnik News (Nga) cho hay, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối, bày tỏ sự quan ngại với lập luận rằng Mỹ đang “thổi phồng mối đe dọa của Trung quốc một cách vô căn cứ và chỉ trích Mỹ đang thực hiện “tâm lý chiến tranh lạnh”.

    Trung Đông
    *Nhóm phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phá hủy bức tượng sư tử 2.000 năm tuổi ở bên ngoài bảo tàng ở thành phố cổ Plamyra (Syria).
    Ông Maamoun Abdelkarim, phụ trách cổ vật cho biết, bức tượng nổi tiếng với tên Sư tử al-Lat, là cổ vật không thể thay thế được. “Phiến quân IS đã phá hủy tượng Sư tử al-Lat. Bức tượng này vô cùng độc đáo, cao 3m và nặng 15 tấn. Đây là tội ác nghiêm trọng nhất mà chúng gây nên đối với di sản của Palmyra” – ông Abdelkarim nói. 

    Bức tượng Sư tử al-Lat 2.000 năm tuổi trước khi bị IS phá hủy
    Bức tượng Sư tử làm bằng đá vôi, được một nhóm khảo cổ Ba Lan phát hiện từ hồi năm 1977 tại ngôi đền al-Lat, thờ một vị nữ thần A Rập thời tiền Hồi giáo và có niên đại từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên.
    *Ngoại trưởng Iran, ông Javad Zarif đã đăng tải một đoạn clip trên YouTube nói rằng, nước này sắp đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của mình. Trong đoạn video, ông Zarif cho biết, thỏa thuận này sẽ mở ra những cách thức mới để giải quyết những thách thức chung, như vấn đề chủ nghĩa cưc đoan ở Trung Đông.
    Các nhà đàm phán đang chạy đua để nhằm đạt được thoả thuận trước hạn chót là vào ngày 7-7 tới đây. Ông Zarif nói rằng, Iran và các nhà đàm phán đã sẵn sàng để tiến tới một thỏa thuận lâu dài, và hứa sẽ hợp tác hơn nữa để giải quyết các vấn đề bạo lực cực đoan.
    Philippines
    *Phái đoàn của Philippines đã chuẩn bị kỹ càng cho việc lập luận để khẳng định tòa Liên Hợp Quốc có thẩm quyền đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc.




    Các cuộc tranh luận miệng trước tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc tại La Hay sẽ quyết định liệu việc Philippines đâm đơn kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần hết Biển Đông sẽ chấm dứt hay sẽ xúc tiến sang các thảo luận có thể dẫn tới việc giải quyết hòa bình tranh chấp biển đảo giữa 2 quốc gia này.

    Luật sư trưởngFlorin Hilbay do Tổng thống Philippines chỉ định (ảnh: PTVnews)
    Bộ Ngoại giao Philippines thông báo vào hôm 3/7 rằng các cuộc tranh luận miệng diễn ra từ 7-11/7 sẽ tập trung vào duy nhất một vấn đề là liệu tòa Liên Hợp Quốc có quyền tài phán đối với vụ kiện của Philippines hay không.
    Malaysia
    *Ủy ban bài trừ tham nhũng Malaysia sẽ xem xét tin tức tờ The Wall Street Journal (WSJ) cho biết các nhà điều tra Malaysia đã lần ra dấu vết gần 700 triệu USD được chuyển khoản vào những tài khoản cá nhân của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
    Thủ tướng Malaysia Najib Razak có thể bị cáo buộc tham nhũng đến 700 triệu USD.
    Phát ngôn viên Ủy ban bài trừ tham nhũng Malaysia Rohaizad Yaakob cho biết cuộc điều tra tai tiếng Thủ tướng Malaysia "vơ vét" 700 triệu USD sẽ được tiến hành kỹ lưỡng.  
    Theo  WSJ, cuộc điều tra của chính phủ Malaysia là lần đầu tiên Thủ tướng Najib liên quan trực tiếp cuộc điều tra  về Quỹ đầu tư 1Malaysia Development Bhd (1MDB).
    Quỹ 1MDB được ông Najib lập năm 2009, biến thành cơn bão chính trị trong nhiều tháng khi nợ tới hơn 11 tỷ USD. Thông tin điều tra cho thấy dòng tiền này trung chuyển qua các cơ quan chính phủ, các ngân hàng và công ty liên kết với 1MDB trước khi chảy hết vào tài khoản của ông Najib.



    Minh Anh (tổng hợp)

    No comments: