Saturday, July 18, 2015

Tin thế giới 19h: Ukraine và thế giới "xét lại lịch sử" vụ MH17 bị bắn rơi

Ukraine, Hà Lan cùng kỷ niệm 1 năm sự kiện MH17 bị bắn rơi; Trung Quốc bắt giam du khách vì xem video "khủng bố"; Right Sector đòi "xử" Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko; Hy Lạp có gói cứu trợ mới..
Ukraine - Nga
*Hiện nay, một số quốc gia phương Tây đang thúc đẩy một toà án quốc tế nhằm trừng phạt những người họ cho là phải chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn máy bay MH17. Ngày 17/7 đánh dấu kỷ niệm 1 năm thảm hoạ chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ trên đất Ukraine.
Sputnik nhận định, đã có rất nhiều giả thuyết đặt ra cho số phận của chiếc máy bay này, tuy nhiên, nhiều câu hỏi chưa tìm được giải đápvà các nhà điều tra quốc tế dường như miễn cưỡng giải quyết chúng.
Hiện trường vụ máy bay của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở Ukraine. Ảnh: Sputnik.
*Nhóm cực đoan Right Sector mới đây tuyên bố sẽ lật đổ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và cộng sự của ông trong một cuộc cách mạng mới tại quốc gia này, tờ Pravda của Nga đưa tin.
Thủ lĩnh Right Sector Dmitry Yarosh.
Pravda dẫn nguồn của tờ Voice of America cho biết, theo thư ký báo chí của tiểu đoàn Right Sector, Artyom Skoropadsky, tổ chức của ông không gọi đây là một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, không thể chấp nhận được việc chính phủ Kiev bỏ ngoài tai những yêu cầu của Right Sector cũng như người dân.
*Bộ Ngoại giao Ukraine vừa thông báo Quyền Tổng Lãnh sự Nga tại Odessa là "nhân vật không được hoan nghênh". Quyết định này được thông qua trên cơ sở dữ liệu của Cơ quan An ninh Ukraine.
Theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Kiev, cơ quan đối ngoại của Ukraine đã trao công hàm yêu cầu nhà ngoại giao Nga phải rời khỏi lãnh thổ Ukraine ngay lập tức. Chủ tịch Cơ quan An ninh Ukraine Vasily Gritsak giải thích rằng Tổng Lãnh sự Nga bị công bố là "nhân vật không được hoan nghênh" vì "không hợp tác trong hoạt động ngoại giao" cũng như do vi phạm các quy định của Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự.
*Liên minh châu Âu EU không có ý định hủy bỏ thị thực đối với các công dân Nga có ý định đến du lịch trên bán đảo Crimea, Lenta dẫn một nguồn tin cao cấp trong EU cho biết.
Cúng theo nguồn tin trên, phương án hủy bỏ thị thực "hoàn toàn bị loại trừ". "Tất cả những hạn chế về chế độ thị thực có hiệu lực trong EU đối với bán đảo Crimea đều được công bố một cách công khai. Đối với khách du lịch Nga đến thăm bán đảo Crimea sẽ bị hạn chế" nguồn tin cho biết và nhấn mạnh rằng các nhà chức trách EU có ý định “tính toán” với những người đi du lịch đến bán đảo này mà không có sự cho phép của chính quyền Ukraine.
*Trong cuộc điện đàm với các lãnh đạo của "Bộ tứ Normandie" (gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức) đêm 17/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra nhận định về điều kiện quan trọng để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine.
Điều kiện đó là tiến hành đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Ukraine và các đại diện của Donetsk và Lugansk, kể cả đối thoại trong Nhóm Tiếp xúc về Ukraine.
Thông báo từ Điện Kremlin nêu rõ: "Ông Putin một lần nữa nhấn mạnh rằng điều kiện quan trọng nhất để giải quyết xung đột là thu xếp cuộc đối thoại trực tiếp của chính quyền Ukraine với các đại diện của Donetsk và Luhansk, kể cả trong khuôn khổ Nhóm Tiếp xúc".

Đây là cuộc thảo luận đầu tiên của các lãnh đạo nhóm "Bộ tứ Normandie" kể từ tháng 4/2015.
Mexico
*Văn phòng Tổng chưởng lý Mexico hôm thứ Sáu (17/7) cho biết họ đã bắt giữ 7 quan chức bị nghi ngờ giúp trùm ma tuý Joaquin "El Chapo" Guzman trốn thoát.
Năm 2014 đã từng có cuộc diễu hành của một số người dân ủng hộ trùm ma tuý Guzman yêu cầu chính phủ trả tự do cho hắn. Ảnh: Reuters.

Trong một diễn biến khác, chính phủ Mexico cho biết phía Mỹ từng yêu cầu dẫn độ Guzman khoảng 2 tuần trước khi vụ đào tẩu xảy ra. 
Mỹ
*Hãng CNN đưa tin cho biết, một dãy dài những chiếc ô tô và xe tải đã bị bỏ lại trên đường cao tốc California khi chúng bị bốc cháy từ ngọn lửa ở khu rừng bên cạnh hôm thứ Sáu (17/7) theo giờ địa phương.
Đám cháy bắt lửa lên đường cao tốc, khiến hàng chục xe bị ảnh hưởng. Ảnh: Twitter.

*Tân chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương hôm thứ Sáu (17/7) đảm bảo với đồng minh rằng lực lượng Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào ở Biển Đông.
Đô đốc Scott Swift, người vừa lên nắm quyền chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương hồi tháng Năm, cho biết Hải quân Mỹ có thể triển khai hơn 4 tàu chiến đấu duyên hải theo các cam kết đã hứa ở Biển Đông. Ông Swift cũng chia sẻ ông rất quan tâm đến việc "mở rộng các cuộc tập trận chiến đấu hàng năm của Hải quân Mỹ cùng các đồng minh thành các cuộc tập trận đa quốc gia, có thể bao gồm Nhật Bản".
Biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông tại Manila, Philippine hôm 10/7/2015.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 17/7, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã khẳng định, nếu Iran vi phạm những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mới đạt được thì Mỹ sẽ có thể cân nhắc đến các khả năng quân sự. Tuy nhiên, ông Earnest cũng cho biết, Washington sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao.
Ông Josh Earnest, người phát ngôn Nhà Trắng, phát biểu: “Tổng thống Barack Obama đã khẳng định khả năng quân sự vẫn còn đó, nhưng cách hiệu quả nhất để ngăn chặn việc Iran có được vũ khí hạt nhân là thông qua ngoại giao. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết được Iran không tuân thủ các cam kết thì chúng ta sẽ tính tới các khả năng mà chúng ta có: áp dụng lại các biện pháp trừng phạt, hoặc triển khai một biện pháp quân sự”.
Trung Quốc
*Một nhóm du khách nước ngoài đã bị bắt giữ ở miền bắc Trung Quốc hồi tuần trước sau khi cảnh sát buộc tội họ xem video bất hợp pháp trong khách sạn.
Thảo nguyên rộng lớn ở Mông Cổ, Trung Quốc. Ảnh minh hoạ.

Tờ New York Times đưa tin cho biết, theo thông báo của chính phủ Nam Phi và nhóm hỗ trợ cho các du khách, họ đã được phép trở về nước sau một tuần bị bắt giữ.
Chín du khách gồm 5 người Nam Phi, 3 người Anh và 1 người Ấn Độ, dự kiến sẽ lên máy bay rời khỏi Ordos - khu vực Nội Mông vào thứ Bảy (18/7), chỉ vài ngày sau khi nhóm 11 du khách khác đã được trả tự do trong tuần trước đó.
*Tân Hoa Xã đưa tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Yanbian, khu vực cư dân giáp vùng biên giới Triều Tiên. Ông Tập đã thăm ruộng lúa, trò chuyện với dân làng về nhà vệ sinh, thăm một nhà máy dược phẩm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin Reuters, Yanbian là vùng đất mà hầu hết người dân sinh sống có nguồn gốc xuất phát từ dân tộc Triều Tiên.
Tân Hoa Xã đã không bình luận gì về Triều Tiên, đất nước mà ông Tập vẫn chưa đến thăm kể từ khi trở thành người lãnh đạo đất nước Trung Quốc năm 2012. Chuyến thăm của ông ở Yanbian chỉ nhắc đến tiềm năng nông nghiệp của vùng đất biên giới này, trái ngược với cuộc đấu tranh chống đói nghèo ở Triều Tiên.
Hy Lạp
*Sáng nay (theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua khoản cứu trợ ngắn hạn trị giá 7,16 tỷ euro để giúp Hy Lạp trả các khoản vay lớn cho các chủ nợ quốc tế vào đầu tuần tới. 
Ủy viên châu Âu phụ trách đồng euro Valdis Dombrovskis  cho biết EU đã nhất trí cung cấp cho Hy Lạp khoản vay trên thông qua Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).
Trước đó, việc cứu trợ Hy Lạp bằng EFSF bị Anh và một số quốc gia khác phản đối quyết liệt với lý do khoản tiền cứu trợ phải do 19 nước Eurozone cung cấp chứ không phải của toàn bộ 28 nước EU. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng London sẽ không đóng góp bất cứ đồng nào vào khoản tiền cứu trợ Hy Lạp và "Anh không nằm trong Eurozone, bởi vậy ý tưởng để người dân đóng thuế Anh tham gia gói cứu trợ Hy Lạp là hoàn toàn vô lý. Eurozone cần thanh toán hóa đơn của chính họ”. 

Minh Anh (tổng hợp)

No comments: