Thursday, October 29, 2015

Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần 4?


Theo Reuters, hãng thông tấn Hàn Quốc hôm 30/10 đưa tin Triều Tiên đang đào một đường hầm mới tại bãi thử hạt nhân của nước này, chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân trong tương lai.

Thông tin được Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc đưa ra chỉ hai ngày trước khi các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc nhóm họp ở thủ đô Seoul. Bãi thử nói trên nằm ở bờ biển phía đông của Triều Tiên. Đây cũng là nơi Triều Tiên tiến hành ba vụ thử nghiệm hạt nhân trước đó.
Triều Tiên, thử hạt nhân, Hàn Quốc, bán đảo Triều Tiên
Một người dân ở Seoul xem bản tin về việc Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công hồi năm 2013. (Ảnh: AP)
Theo Yonhap dẫn một nguồn tin giấu tên trong chính phủ, các công nhân và phương tiện đang hoạt động nhộn nhịp tại bãi thử hạt nhân. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng để kết luận ngay rằng việc chuẩn bị này là nhằm phục vụ cho một cuộc thử nghiệm hạt nhân sắp xảy ra, nguồn tin cho biết thêm.
Một nguồn tin khác nhận định, hành động của Bình Nhưỡng cho thấy họ có kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân lần thứ 4, nhưng cũng cần phân tích tình hình thêm trước khi dự đoán thời điểm họ tiến hành thử hạt nhân.
Ông Jeong Joon Hee, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, từ chối xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, ông nói rằng Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ bất cứ hoạt động hạt nhân nào của phía Triều Tiên.
Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân trong quá khứ. Vụ thử gần đây nhất, được thực hiện vào năm 2013, đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/10 bắt đầu chuyến thăm châu Á - Thái Bình Dương kéo dài hơn một tuần. Dự kiến, ông sẽ dự Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ - Hàn lần 47 tại Seoul và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Kuala Lumpur.

Thanh Vân

Monday, October 26, 2015

Tàu chiến Mỹ áp sát đảo TQ ở Trường Sa



Hoa Kỳ đã hoàn tất chuyến tuần tiễu ngắn áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây tại Biển Đông trong khi Bắc Kinh nói Washington nên nghĩ lại.
Tàu khu trục USS Lassen vào hôm 27/10 đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt động thái thách thức trước việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại một trong các tuyến đường biển đông tàu bè đi lại nhất trên thế giới.
Hiện chưa rõ giới chức Trung Quốc có được thông báo về các kế hoạch của Hoa Kỳ hay không.
Trung Quốc nói họ đang kiểm chứng liệu hoạt động này đã diễn ra hay chưa.
"Nếu đúng là đã xảy ra, chúng tôi khuyên Hoa Kỳ nghĩ lại và trước khi hành động, đừng hành động một cách mù quáng hoặc gây rắc rối một cách vô ích," Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói.
Một người phát ngôn Đại Sứ quán Trung Quốc tại Washington trước đó nói tự do đi lại trên biển "không nên được dùng để phô trương sức mạnh và gây phương hại tới chủ quyền và an ninh của các nước khác".
Trung Quốc gần đây nói "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào" xâm phạm vùng biển và không phận của họ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ điều tàu và phi cơ "tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" và vào thời điểm mà Hoa Kỳ lựa chọn.
Trước đó tin cho hay Hải quân Mỹ có khả năng điều phi cơ do thám P-8A và P-3 hộ tống khu trục hạm USS Lassen.
Các chuyến tuần tiễu bổ sung sẽ được tiến hành trong những tuần tới và cũng có thể được tiến hành xung quanh các cơ sở mà Việt Nam và Philippines xây tại Trường Sa, một quan chức quốc phòng Mỹ ẩn danh nói với Reuters.
Theo Công ước LHQ về Luật Biển, giới hạn 12 hải lý không được áp dụng xung quanh các đảo nhân tạo được xây trên các bãi đá ngầm.
Bốn trong số bảy bãi đá Trung Quốc xây cất trong vòng hai năm qua bị hoàn toàn ngập nước lúc thủy triều lên trước khi thi công xây dựng, giới học giả luật được nhà báo Greg Torode của Reuters dẫn lời.

'Tuần tiễu thường xuyên'

Bonnie Glaser, một chuyên gia an ninh tại viện nghiên cứu CSIS ở Hoa Kỳ nói việc tuần tiễu của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ diễn ra thường xuyên vì hải quân Mỹ muốn đảm bảo rằng họ không bị cấm cửa tại khu vực này.
"Tôi biết là Hoa Kỳ không muốn thấy như vậy. Không ai muốn cho Trung Quốc có khu vực cấm đi lại mới cả.”
Tin Hoa Kỳ điều tàu chiến vào khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông được một loại các báo trong khu vực và quốc tế đưa tin trong đó có CNN của Hoa Kỳ, Kyodo News của Nhật, The Guardian của Anh.
Truyền thông tại Việt Nam trong đó có Đài tiếng nói Việt NamThanh NiênTuổi TrẻAn ninh Thủ đô và vnxpress cũng đã chạy tin này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ gần đây nói sẽ không chấp nhận các giới hạn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông.
Thông điệp được đưa ra trong khuôn khổ họp cấp ngoại trưởng Hoa Kỳ và khối Asean tại New York.
Không đề cập tới tên của bất kỳ nước nào đang tạo ra thách thức, ông Kerry nói:
“Tôi nói rõ thế này. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc giới hạn tự do hàng hải và hàng không và những việc sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác.
“Bất kể đó là tàu chiến lớn hay là một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, nguyên tắc là rất rõ ràng: quyền của tất cả các nước phải được tôn trọng".
Tàu khu trục USS Lassen được điều tới Biển Đông từ căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Tàu này từng do Hạm trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy (04/2009- 12/2010) và đã ghé thăm Đà Nẵng vào tháng 11/2009.
"Người dân VN mong muốn Mỹ tiến vào biển đông của VN để ngăn chặn sự bành trướng của TQ", Thành Nguyễn bình luận trên Facebook của BBC tiếng Việt. Trong khi đó Nguyễn Hòa nhận xét: "Ngư dân VN có thể an tâm đánh bắt trên vùng biển của mình rồi."

'Dễ mất ổn định'

Tại Quốc hội, ngày 22/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã phát biểu về tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong đó có đề cập tới điều ông gọi là "các nước lớn" mặc dù không nêu tên đó là nước nào.
“Ở khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tăng lên, diễn ra việc tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước nhỏ, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định.
“Trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quân sự, chúng ta luôn luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ.
“Độc lập tự chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng, vì nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp cho đất nước,” ông Phùng Quang Thanh phát biểu.
Trong cuộc phỏng vấn với Hồng Nga, BBC Việt Ngữ, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore diễn ra hai ngày 30-31/5, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng nói "Tình hình càng căng thẳng thì càng phải giữ độc lập, tự chủ. Đó là nguyên tắc nhất quán của Việt Nam."
Ông Vịnh cũng bác bỏ khả năng Việt Nam tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
Image copyrightBBC World Service

Tuesday, October 20, 2015

Tin thế giới 18h30: Nga lấn lướt Mỹ ở Syria, NATO tập trận lớn nhất trong 13 năm


NATO tổ chức tập trận lớn nhất trong 13 năm qua nhằm đối phó với những thách thức an ninh mới; Tỷ phú Trung Quốc được bổ nhiệm vào ban cố vấn thương mại Anh; Canada có tân Thủ tướng... là các tin thế giới nổi bật nhất hôm nay 20/10.

Tình hình Syria:

*Phe nổi dậy Syria và các nhóm đồng minh hoạt động gần Aleppo hôm 19/10 cho hay họ đã nhận được các tên lửa chống tăng TOW mới do Mỹ sản xuất từ những quốc gia muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch không kích tại Syria, quân chính phủ của Tổng thống Assad và các đồng minh đã liên tiếp tổ chức các đợt phản công dưới mặt đất nhằm giành lại quyền kiểm soát những vùng đất từng bị phe nổi dậy chiếm đóng thay vì các khu vực phía tây Syria hiện đang nằm trong tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. 
Các tay súng thuộc phe đối lập FSA tại Syria.
*Hôm 19/10, chiến đấu cơ Su-25 của Nga đã thực hiện 2 đợt không kích liên tiếp vào 1 trại huấn luyện của IS gần khu vực Duwayr al-Akrad ở Latakia và phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạ tầng tại đây.
*Quân chính phủ của Tổng thống Assad được cho đang sử dụng những chiếc SUV quân sự mệnh danh “Chiến binh” của Trung Quốc trong các cuộc tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.

Theo Duowei News, một binh sĩ thuộc lực lượng hải quân Syria nhấn mạnh những chiếc SUV quân sự “Yongshi” (Chiến binh) do Tập đoàn quốc doanh BAIC của Trung Quốc sản xuất, hiện đang được sử dụng trong cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, phần lớn logo nhận diện chiếc xe của Trung Quốc đã được gỡ bỏ khi tham chiến ở Syria. 
*Dù có chung mục đích tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nhưng Mỹ khó có thể bắt tay với Nga và Iran để gây dựng một liên minh quân sự cùng tham chiến ở Syria do những khác biệt về mặt lợi ích chiến lược.
Ngoài 3 bên tham chiến chính là quân đội của Tổng thống Assad, phe nổi dậy Syria và IS, cuộc nội chiến ở Syria còn chịu sự chi phối của 3 thế lực bên ngoài là Mỹ, Nga và Iran. Dù vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê-út không thể phủ nhận, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, hai quốc gia này không thể tạo ra những thay đổi lớn trong trận chiến ở Syria. 
*Tờ Tvzvezda dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm 19/10 cho biết, nước này không muốn Tổng thống Syria Bashar Assad từ chức ngay lập tức.
Washington vẫn cho rằng Assad không nên tiếp tục nắm quyền, song về những thay đổi chính trị tại Syria không thể diễn ra một sớm một chiều (Trước đó, Mỹ luôn nằng nặc yêu cầu ông Assad phải từ chức ngay lập tức).

Mỹ - NATO:

*Lực lượng Taliban ở miền Đông Afghanistan mới đây đã chút nữa bắn hạ được tiêm kích F-16 hiện đại của Mỹ. Mặc dù không bị bắn hạ nhưng F-16 đã phải mang thương tích đầy mình và chạy “bán sống bán chết” mới thoát nạn.
Sự vụ này xảy ra tại khu vực Said-Karam thuộc tỉnh Paktia của Afghanistan nhưng đã được dấu kín đến thời điểm bị AP công bố. Trước khi kịp quay trở lại căn cứ, phi công đã buộc phải trút bỏ một phần đạn dược gồm tên lửa dạng “không đối đất”, 2 quả bom không có điều khiển và thùng nhiên liệu ở giá treo.
Máy bay trực thăng Black Hawk. 
*Sau khi Mỹ quyết định kéo dài sự hiện diện quân sự suốt 14 năm qua tại Afghanistan, hôm 19/10, Tổng Tư lệnh lực lượng NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove cho biết các quốc gia thành viên NATO cụ thể là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý sẽ tiếp tục duy trì số lượng quân nhân 10.000 người như hiện nay tại Afghanistan. Ngoài ra, quá trình thảo luận chính xác số binh sĩ làm nhiệm vụ tại Afghanistan trong tương lai vẫn đang được tiến hành.
*Tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng buộc quân đội Mỹ phải mượn trực thăng của Anh và tiến hành tập trận với các loại vũ khí mượn từ các quốc gia thành viên NATO.
Việc quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho lĩnh vực quốc phòng giờ phải dựa vào số lượng vũ khí mượn của các đồng minh để hoạt động tại châu Âu cho thấy lực lượng vũ trang Mỹ đang dần thu hẹp sự hiện diện tại lục địa này. Thay vào đó, Lầu Năm Góc đã mạnh tay cắt giảm chi phí quốc phòng để tập trung nguồn lực vào châu Á và Trung Đông trong những năm gần đây. 
*Tàu USS Benfold, một trong những tàu hộ vệ tên lửa tân tiến nhất của Mỹ hôm 19/10, đã cập cảng ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, theo chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
Nhiệm vụ của con tàu có thể bao gồm bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Japan Times dẫn lời một sĩ quan cấp cao giấu tên nói. 
*NATO huy động binh sĩ đến từ hơn 30 quốc gia để kiểm tra khả năng đối phó với các mối đe dọa mới.
Thành phố Trapani ở Sicily, Italy sẽ là trung tâm hoạt động cho cuộc tập trận. Sự kiện sẽ bắt đầu vào ngày mai và kéo dài đến đầu tháng 11, mở rộng sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và vùng biển lân cận, với sự tham gia của 36.000 binh lính, thủy thủ và phi công.

Nga – Pháp:

*Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/10 cáo buộc một chiếc chiến đấu cơ của Pháp đã áp sát “nguy hiểm” gần chiếc máy bay chở phái đoàn quốc hội Nga trong khi đang bay sang không phận Pháp.
Moscow tố chiến đấu cơ Pháp áp sát nguy hiểm chiếc máy bay chở phái đoàn quốc hội Nga. 
Phía Bộ Ngoại giao Pháp đã phủ nhận cáo buộc của Nga và cho rằng đó thực chất là “chiếc F-18 của Thụy Sĩ, và không có chiếc máy bay quân sự nào của Pháp liên quan tới sự việc”.  

Khủng bố IS:

*Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành lục soát một trại huấn luyện chiến binh nhí của IS tại thành phố Istanbul và bắt giữ hơn 50 nghi phạm. 
Video tuyên truyền của IS tiết lộ hình ảnh về một trại huấn luyện các chiến binh nhí.
Tờ Business Insider đưa tin hồi cuối tuần trước, cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành lục soát 18 ngôi nhà ở quận Pendik và Başakşehir đồng thời bắt giữ ít nhất 50 người bị tình nghi có mối liên hệ với lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Trong số những người bị bắt có 24 trẻ nhỏ người Tajik và Uzbek. 

Tình hình Biển Đông:

*Đề xuất tập trận chung trên Biển Đông được Trung Quốc đưa ra không nằm ngoài mục tiêu ngăn sự can thiệp của bên ngoài trước những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực mà cụ thể là từ phía Mỹ.
Cuộc tập trận chung sẽ là cái cớ để Bắc Kinh ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trước những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đặc biệt sau khi Mỹ tuyên bố lên kế hoạch tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Mỹ sẽ sớm đưa tàu tuần tra đến Biển Đông.
*Việc Mỹ cử lực lượng tuần tra tới Biển Đông với những thông điệp cứng rắn sẽ đặt Trung Quốc vào vị thế khó khăn. Nếu Washington tiến vào Biển Đông, Bắc Kinh sẽ buộc phải tìm ra một giải pháp trung hòa giữa việc không làm leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc, đồng thời không thể hiện sự yếu đuối của một nước đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

Anh – Trung Quốc:

*Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân hôm 19/10 đã đặt chân xuống sân bay Heathrow, bắt đầu chuyến thăm Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland kéo dài 4 ngày. 
China Daily dẫn lời Liu Xiaoming, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, tuần trước cho biết chuyến thăm cấp nhà nước được hưởng sự tiếp đón cấp cao nhất ở Anh. Một lễ chào mừng, một quốc yến do nữ hoàng chủ trì, một bữa tiệc tại thành phố London và lễ bắn 103 phát đại bác sẽ diễn ra để đón mừng ông Tập. 41 phát đại bác sẽ được khai hỏa tại Công viên Xanh và 62 phát sẽ được bắn tại Tháp London.  
Ông Mã Vân (trái) và Thủ tướng An David Cameron. 
*Ông Mã Vân (Jack Ma), nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, đã chính thức được Thủ tướng Anh David Cameron bổ nhiệm vào ban cố vấn thương mại. Doanh nhân Mã Vân được xem là người giàu thứ hai ở Trung Quốc với khối tài sản lên tới 23 tỉ USD.

Canada:

*Đảng Tự do đối lập của ông Justin Trudeau đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Canada, chấm dứt quãng thời gian nắm quyền kéo dài 9 năm của đảng Bảo thủ. Ông Trudeau, 43 tuổi, sẽ trở thành Thủ tướng mới của Canada, thay thế ông Stephen Harper.
Ông Justin Trudeau, 43 tuổi, sẽ trở thành thủ tướng mới của Canada. 
Theo trang web chính thức của Cơ quan Bầu cử Canada, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng Tự do đối lập của ông Justin Trudeau nhận được 40,9% số phiếu bầu và giành chiến thắng tại 190 khu vực bầu cử, tương đương 190 ghế tại Hạ viện khóa mới. Theo đó, đảng của ông Trudeai đã xác lập kỷ lục là đảng giành được nhiều ghế nhất trong một cuộc bầu cử.

MINH THU (tổng hợp)

Thế giới 24h: Chiến cơ Nhật ‘vất vả’ chặn máy bay TQ


Máy bay Nhật chặn máy bay Trung Quốc với số lần kỷ lục, các bên tại đông Ukraina bắt đầu rút vũ khí hạng nặng, đoàn tụ lịch sử hai miền Triều Tiên… là những tin nóng 24 giờ qua.
Nổi bật
Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây cho biết, trong vòng hơn hai tháng, nước này đã phải triển khai chiến đấu cơ với số lần kỷ lục để chặn các máy bay Trung Quốc.
IS, Ukraina, chiến cơ, Senkaku, Điếu Ngư, Hoa Đông, Trung Quốc, Nhật Bản

Từ tháng 7 tới tháng 9, chiến đấu cơ Nhật đã xuất kích 117 lần, trong khi ba tháng cùng kỳ năm ngoái là 103 lần. Còn ba tháng cuối năm 2014, con số này là 164 lần.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ tại sao số lần xuất kích lại tăng mạnh và Bộ Quốc phòng Nhật cũng không giải thích.
Trung Quốc đã lên tiếng về thông tin trên. Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, những hành động trên của máy bay Trung Quốc là "chính đáng và hợp pháp".
Phát ngôn viên này kêu gọi Nhật "ngừng tất cả hành động can thiệp nhằm vào Trung Quốc và có các nỗ lực mang tính xây dựng để bảo vệ quan hệ Trung-Nhật cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực”.
Hiện Nhật - Trung đang vướng vào vụ tranh chấp lãnh thổ liên quan tới chủ quyền nhóm đảo đá trên biển Hoa Đông. Tokyo gọi nhóm đảo này là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Tin vắn
- Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin mới đây đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cáo buộc các nhà ngoại giao Nga dường như đã cố gắng ngăn chặn việc bầu chọn Ukraina làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
- Ngày 20/10, lực lượng đòi độc lập tại hai tỉnh Lugansk và Donetsk cũng như quân đội Ukraina đã bắt đầu rút vũ khí dưới 100mm khỏi khu vực chiến tuyến trong khuôn khổ giai đoạn hai của quá trình rút vũ khí.
- Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, phía Nhật Bản ngày 20/10 đã cam đoan rằng họ sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào tại Hàn Quốc mà không được Seoul cho phép.
- Chính quyền Thụy Sĩ khẳng định, việc chiến đấu cơ F/A-18 áp sát máy bay Nga nhằm kiểm tra theo thủ tục, do đó nước này không cần phải xin lỗi Nga về vấn đề này.
- Ngày 20/10, điện Kremlin đã lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng Nga được đề nghị nhận 300 tỉ USD để bỏ rơi Tổng thống Syria, theo hãng tin Nga Sputnik.
- Bão Koppu đã làm 22 người thiệt mạng, buộc hàng nghìn người phải sơ tán và gây lũ lụt tại các khu vực nông nghiệp ở miền Bắc Philippines.
- Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ngày 20/10 đã đến Iraq và cho hay Baghdad không hề yêu cầu Nga tiến hành không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.
- Quân đội Israel thông báo đã bắt giữ một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine trong một cuộc đột kích đêm 19/10 gần khu vực Ramallah.
Tin ảnh
IS, Ukraina, chiến cơ, Senkaku, Điếu Ngư, Hoa Đông, Trung Quốc, Nhật Bản
 Sáng 20/10, khoảng 390 người Hàn Quốc đã có mặt tại văn phòng nhập cư ở Goseong để nhập cảnh vào Triều Tiên, chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ kéo dài ba ngày.(Ảnh: EPA)
 Sáng 20/10, khoảng 390 người Hàn Quốc đã có mặt tại văn phòng nhập cư ở Goseong để nhập cảnh vào Triều Tiên, chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ kéo dài ba ngày. (Ảnh: EPA)
Phát ngôn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal cho biết, ngày 20/10, bộ này đã triệu Đại sứ Nga Alexander Orlov tại Paris, sau khi Moscow cáo buộc một máy bay quân sự Pháp đã áp sát ở khoảng cách "nguy hiểm" với một máy bay chở đoàn đại biểu Hạ viện Nga.
"Ông Masset đã nói với Đại sứ Nga rằng không có máy bay nào của Pháp liên quan tới vụ việc mà Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc một cách sai lầm”, ông Nadal nêu rõ.
Sự kiện
21/10/1600 – Tokugawa Ieyasu giành thắng lợi trong trận Sekigahara, giúp khởi đầu Mạc phủ Tokugawa tại Nhật Bản.
21/10/1944 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Cuộc tấn công Thần phong (Kamikaze) đầu tiên được tiến hành, mục tiêu là chiến hạm HMAS Australia ở ngoài khơi đảo Leyte.
21/10/1983 – Đại hội Cân đo quốc tế định nghĩa lại chiều dài của một mét là “khoảng cách mà ánh sáng truyền được trong chân không trong thời gian 1/299.792.458 giây”.
  • Lê Thu