Sunday, August 24, 2014

TQ xử tử nhóm tấn công Thiên An Môn


Trung Quốc hành quyết tám người từ vùng Tân Cương vì những gì mà Bắc Kinh gọi là các cuộc tấn công "khủng bố", theo Tân Hoa Xã.

Ba trong số những người bị xử tử đã bị kết án vì một cuộc tấn công ở Quảng trường Thiên An Môn tại thủ đổ Bắc Kinh hồi tháng Mười năm ngoái, trong đó năm người đã thiệt mạng, vẫn theo hãng thông tấn nhà nước.
Những người khác bị kết tội sản xuất bom định và đốt phá.
Chính phủ đã cáo buộc các chiến binh ly khai có trụ sở tại Tân Cương, khu vực nằm ở mạn tây bắc quốc gia, đã tiến hành một loạt các vụ tấn công gần đây.
Tân Cương là nơi sinh sống truyền thống của người Hồi giáo Uighur, người nói một ngôn ngữ khác biệt và có những tập tục khác với người Hán chiếm đa số ở những nơi khác tại Trung Quốc.

'Chủ mưu'

Theo Tân Hoa Xã, các 'đối tượng' Huseyin Guxur, Yusup Wherniyas và Yusup Ehmet bị "tước quyền sống" vì vai trò của họ trong vụ đâm xe hơi gây chết người ở quảng trường Thiên An Môn vào tháng Mười năm 2013.
Phiên tòa xử nhóm người Uighur
Tám người Uighur bị hành quyết trong đó có một số thành viên vụ tấn công Thiên An Môn.

Người Uighuir
Người Uighur quan ngại họ bị xói mòn bản sắc văn hóa do mật độ nhập cư của người Hán.

"Họ đã chủ mưu vụ tấn công khủng bố," hãng tin này nói thêm.
Trong vụ việc này, một chiếc xe đã đâm vào người qua đường tại quảng trường trung tâm là biểu tượng quan trọng về mặt chính trị ở Bắc Kinh, trước khi bùng cháy.
Hai du khách chết, cùng với ba thành viên của nhóm tấn công.
Tân Hoa Xã cũng nêu tên một số người đàn khác bị hành quyết cùng với những người trong vụ tấn công quảng trường Thiên An Môn:
Trong đó, Rozi Eziz bị kết án về một cuộc tấn công vào cảnh sát vào năm 2013.
Abdusalam Elim, bị buộc tội cầm đầu một tổ chức khủng bố, Memet Tohtiyusup, bị buộc tội giết người và theo dõi các video về chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Abdumomin Imin được mô tả như một "kẻ cầm đầu khủng bố."

'Mục đích chính trị'

Một phát ngôn nhân của nhóm lưu vong Đại hội Thế giới Uighur, Dilxat Raxit, gọi các vụ hành quyết là "một điển hình cho việc pháp luật phục vụ mục đích chính trị".
Các quan chức Trung Quốc thường liên hệ các cuộc tấn công ở Tân Cương với các nhóm ly khai Uighur, cáo buộc họ tìm cách thiết lập một nhà nước độc lập gọi là Đông Turkestan.
Bắc Kinh gần đây đã đổ lỗi cho các nhóm này đứng sau hàng loạt các cuộc tấn công trong đó có vụ bạo lực hồi tháng Năm tại một khu chợ ở Urumqi, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng.
Chính quyền cũng cáo buộc người những phần tử khủng bố Uighur tiến hành một loạt các vụ tấn công bằng dao ở tỉnh Vân Nam hồi tháng Ba, làm 29 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.

Tình trạng bất ổn

Các lãnh đạo Uighur bác bỏ các quy kết rằng họ tiến hành các chiến dịch khủng bố như các cáo buộc trên.
Họ nói rằng các chính sách đàn áp của chính quyền Bắc Kinh ở Tân Cương chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn lâu nay.
Được biết người Uighur (còn được biết tới là người Duy Ngô Nhĩ) là chủng tộc người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ chiếm khoảng 45% dân số của vùng này, với 40% khác là người Hán từ phần còn lại của Trung Quốc tới.
Trung Quốc tái lập kiểm soát Tân Cương vào năm 1949 sau khi nghiền nát nhà nước Đông Turkestan vốn tồn tại ngắn ngủi.
Kể từ đó, theo giới quan sát có thêm nhiều đợt nhập cư với quy mô lớn của người Hán tới khu vực, điều làm cho nhiều người trong cộng đồng Uighur quan ngại dẫn tới ‘xói mòn’ văn hóa truyền thống của người bản địa.
Nguồn: BBC News

No comments: