Friday, December 19, 2014

Trung Quốc bắt đầu “nhòm ngó” Biển Đông từ thời Pháp thuộc


Ngược lại, những quan điểm bịa tạc về cái gọi là chủ quyền lịch sử mà TQ nại ra để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ năm 1909, Trung Quốc mới bắt đầu nhòm ngó Biển Đông.
Chúng ta đều biết, với việc ký Hiệp ước Patenôtre năm 1884 với triều đình Huế, Pháp đã thiết lập chế độ thuộc địa tại An Nam (Việt Nam) và thực thi chủ quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa với tư cách của một Nhà nước bảo hộ, đồng thời xác lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa thuộc địa giới Nam Kỳ, là thuộc địa của Pháp.
Tuy nhiên, thời gian đầu, Pháp lại gặp không ít khó khăn và khá lúng túng trong việc “tiếp quản” hai quần quần đảo này, nhất là việc tiếp tục thực thi quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Nguyên nhân chủ yếu là do Pháp chưa hiểu cặn kẽ hết tất cả các vấn đề của An Nam (Việt Nam), thậm chí là cả các ý đồ của Trung Quốc.
Mặt khác, các vấn đề liên quan đến lợi ích ở chính quốc cũng khiến giới chức thuộc địa Pháp phải cân nhắc chuyện thiệt hơn, dẫn đến việc họ chần chừ đưa các quyết định.
Người Việt và người Pháp cũng xây dựng củng cố chủ quyền tại Hoàng Sa (ảnh Tư liệu)
Sau khi thiết lập chế độ thuộc địa, Pháp đã liên tục phải lo đối phó với những sự kiện “bên trong” và “bên ngoài” diễn ra vô cùng phức tạp ở An Nam (Việt Nam). Bên trong, họ phải lo chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam, chủ yếu là các phong trào ở Bắc Kỳ như: phong trào Cần Vương, khởi nghĩa của Đề Thám, phong trào văn thân của các sĩ phu, phong trào chống sưu thuế,... Bên ngoài, một mặt họ phải lo đối đầu với quân Cờ đen (từ Trung Quốc xuống) quấy rối các vùng thượng du, trung du Bắc Kỳ, nhưng mặt khác họ lại mong muốn phát triển buôn bán với chính quốc gia này. Điều này đã được tác giả Lưu Văn Lợi (nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ) viết tại cuốn sách Cuộc tranh chấp Việt- Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội – 1995. 
Lợi dụng sự suy yếu của triều Nguyễn và thái độ ngập ngừng của giới cầm quyền Pháp cũng như tình trạng bất hòa người Việt, đầu tháng 6/1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng (gồm hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông và Quảng Tây) Trương Nhân Tuần đã phái hai pháo thuyền nhỏ do Thủy sư Đô Đốc Lý Chuẩn chỉ huy đi khảo sát trái phép quần đảo Paracels, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu. Trước sự kiện khảo sát trái phép này, Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu, Trung Quốc, ông Beauvais đã báo cáo tình hình với Bộ Ngoại giao Pháp và đưa ra quan điểm của mình để Chính phủ Pháp cân nhắc.
Do mới tiếp quản An Nam, nên Pháp vẫn chưa thể hiểu cặn kẽ về An Nam và về chủ quyền của An Nam trên quần đảo Ḥoàng Sa vốn có từ rất lâu trước đó. Cho nên mặc dù, nắm được ý đồ của Lưỡng Quảng (chính quyền địa phương của Trung Quốc), nhưng ở thời điểm này, Pháp cũng đang tính toán cân nhắc phương án. Bởi lẽ, nếu như tất cả các đảo ở quần đảo Hoàng Sa thuộc đất Nam Kỳ (là thuộc địa của Pháp), thì chắc chắn Pháp sẽ có hành động ngăn chặn quyết liệt ngay để tránh những tranh chấp lâu dài có thể xảy ra về sau.
Bên cạnh đó, Pháp còn lo ngại sự ngăn chặn này có thể làm phát sinh trong lòng dân chúng Trung Quốc một phong trào sô-vanh. Đây là một hình thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc, dẫn đến chủ nghĩa dân tộc lệch lạc, dân tộc nước lớn, dân tộc hẹp hòi, bài ngoại, tự cho dân tộc mình là dân tộc siêu đẳng có sứ mệnh lãnh đạo các dân tộc khác. Điều này có hại cho quyền lợi Pháp ở Trung Quốc.
Tận dụng triệt để tình hình lúc bấy giờ, ngày 30/3/1921, chính quyền quân sự Quảng Đông đã quyết định sáp nhập về mặt hành chính quần đảo Hoàng Sa vào Nhai huyện, Hải Nam, Quảng Đông.
Đến lúc này, giới cầm quyền Pháp liền có những hành động đáp trả sự xâm phạm chủ quyền trái phép của chính quyền Quảng Đông đối với quần đảo Hoàng Sa. Chính trong bối cảnh này, báo chí của Pháp ở Đông Dương đã đại diện cho công luận đương thời ở An Nam (Đông Dương) lên tiếng và hối thúc chính quyền thực dân Pháp phải nhanh chóng tiếp tục thực thi quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Hồng Chuyên- Minh Dũng

No comments: