Thursday, December 18, 2014

Vì sao quan hệ Mỹ - Cuba cần lật chương mới


Lãnh đạo Mỹ và Cuba hôm qua tuyên bố những bước đi quan trọng nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước sau 53 năm đối địch.  
Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đạt được bước đột phá với việc nhân viên cứu trợ Mỹ Alan Gross, người bị Havana giam giữ suốt 5 năm qua, được trả tự do và lên đường quay trở về nước. Cuba cũng trả tự do cho một nhân viên tình báo Mỹ bị bắt 20 năm về trước. Đáp lại, Washington cũng trả tự do cho ba nhân viên tình báo Cuba.
Di sản của Tổng thống Obama
mandela-obama-castro-4561-1418871373.jpg
Tổng thống Barack Obama lần đầu bắt tay với Chủ tịch Cuba Raul Castro tại tang lễ nhà lãnh đạo Nelson Mandela hồi tháng 12/2013. Ảnh: Reuters
Đây là kết quả của 18 tháng đàm phán bí mật giữa hai nước, chủ yếu tiến hành tại Canada và được Giáo hoàng Francis ủng hộ. Đích thân Đức Thánh Cha là người chủ trì vòng đàm phán cuối cùng, diễn ra tại Vatican. Sau đó, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã điện đàm và đi đến thống nhất về việc trao đổi tù nhân và thành lập các đại sứ quán.
"Hôm nay, Mỹ đã có những bước đi mang tính lịch sử , mở ra một con đường mới trong mối quan hệ với Cuba, xây dựng mối quan hệ với nhân dân Cuba ở một tầng nấc mới", thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Cuba từng là đồng minh quan trọng của Mỹ tại vùng biển Caribe, nhưng quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959. Đầu năm đó, Fidel Castro và quân cách mạng đã lật đổ chế độ của nhà độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista.
Trong hai năm sau đó, quan hệ song phương thực sự đi vào bế tắc sau khi Cuba quốc hữu hóa các tập đoàn tư nhân khổng lồ, bao gồm các công ty của Mỹ tại đây. Đáp trả lại, Washington quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và ra lệnh cấm vận kinh tế. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh khi đó, Cuba nghiêng về phía Liên Xô, đối thủ của Mỹ, nhằm tìm kiếm sự bảo đảm an ninh. 
Theo ông Paul Haven, cựu trưởng phân xã hãng tin AP tại Havana, đây là thời điểm thích hợp cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước, bởi Tổng thống Obama đang muốn xây dựng di sản chính trị của riêng mình và Chủ tịch Raul Castro thì muốn cải thiện nền kinh tế.
"Chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời mà nhiều thập kỷ qua đã thất bại trong việc thúc đẩy lợi ích của chúng ta, và thay vào đó chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước", ông Obama phát biểu trên truyền hình. "Cả người Mỹ và Cuba đều không được gì từ một chính sách cứng nhắc được áp đặt từ trước khi hầu hết chúng ta ra đời".
Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa được cho là sẽ vấp phải một số trở ngại, đặc biệt khi ông Obama cần sự chấp thuận của Quốc hội để thông qua việc gỡ bỏ lệnh cấm vận. Theo BBC, sức ép lớn nhất là đến từ các dân biểu bang Florida, nơi tập trung cộng đồng người Cuba di cư sau năm 1959.
"Tổng thống Obama đang trở thành một chuyên gia hòa giải, chuyên đưa ra những nhượng bộ chưa từng thấy cho một chế độ chống phá lợi ích của Mỹ mọi lúc có thể", Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mario Diaz-Balart lên tiếng chỉ trích.
Quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng được cho là nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhằm chứng minh quyền lực chính trị của mình, đặc biệt sau khi đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Obama được cho là sẽ không mấy dễ dàng, khi đảng Cộng hòa nắm ưu thế tại cả Thượng viện và Hạ viện.
"Chúng ta cuối cùng cũng có một vị tổng thống đưa ra được quyết sách đúng đắn, vì lợi ích của nước Mỹ, vì danh tiếng của Mỹ ở châu Mỹ Latin, vì nhân dân Cuba", bà Julia Sweig, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin, thuộc Ủy ban quan hệ đối ngoại Mỹ, bình luận.
Mong muốn phát triển của Cuba
69a563cd-fdf9-4a8b-9422-883940-9899-4454
Anh em hai nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro (trái) và Raul Castro. Ảnh: AP
Từ khi kế nhiệm anh trai vào năm 2006, Chủ tịch Cuba Raul Castro ban hành một loạt các biện pháp cải cách kinh tế và xã hội. Chính sách mới cho phép người dân nước này được quyền mua bán bất động sản, thành lập doanh nghiệp tư, thuê nhân công, đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách của Havana đang gặp phải trở ngại do tình trạng tài chính eo hẹp của nước này. Theo dự đoán của chính phủ, mức tăng trưởng kinh tế năm nay của Cuba chỉ đạt mức 1,4%, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân mới mở phải đóng cửa và nền kinh tế không thu hút được nguồn vốn nước ngoài.
Trong khi đó, giá dầu thế giới liên tục suy giảm những tháng vừa qua ảnh hưởng tiêu cực đến các nước tài trợ chính của Cuba là Nga và Venezuela. "Cuba cần gấp nguồn ngoại tệ mạnh, trong khi Nga và Iran đang chịu các lệnh trừng phạt, còn Trung Quốc lại là một đối tác cứng rắn", ông Paul Webster Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, bình luận. "Vì vậy, họ muốn nhanh chóng mở vòi nguồn cung ngoại tệ mới là Mỹ".
Mỗi năm, lượng kiều hối gửi về Cuba đạt mức 2 tỷ USD, mà chủ yếu là từ Mỹ. Theo bà Julia Sweig, con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu các lệnh cấm vận kinh tế được nới lỏng. "Cùng với đó là số lượng du khách Mỹ đến quốc đảo này tăng cao. Xì gà và rượu của Cuba sẽ theo chân các du khách quay lại Mỹ", chuyên gia này nói.
Chủ tịch Raul Castro từng tuyên bố sẽ về hưu sau năm 2018. Vì vậy, quyết định bình thường hóa quan hệ với Mỹ của ông được cho là nhằm đặt Cuba vào quỹ đạo cải cách đúng đắn, sau khi nhà lãnh đạo này rút khỏi chính trường.
Cựu quan chức ngoại giao Cuba Alzugaray nhận định rằng Raul Castro có thể sẽ vấp phải sự phản đối của phe bảo thủ, nhưng ông có đủ quyền lực chính trị để đối phó, điều mà những người kế nhiệm khó có được.
"Đây là Raul Castro, vị tư lệnh thứ hai của cuộc cách mạng lịch sử, người có sức ảnh hưởng lớn mạnh, ngay cả trong những khi khó khăn nhất", ông  Alzugaray kết luận.
Đức Dương

No comments: