Friday, January 30, 2015

Thế giới 30/1: Ukraine tổn thất nặng, tuần sau Ngoại trưởng Mỹ thăm Nga


Thời hạn trao trả con tin IS đã hết, IS mở các cuộc tấn công mới; MH370 chính thức là một vụ tai nạn; Nga phải tự cường kinh tế, cấm vận có thể kéo dài; Ukraine không thấy lính Nga v.v...
Nhà nước Hồi giáo (IS)
- Jordan đã yêu cầu lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cung cấp bằng chứng cho thấy phi công Jordan Muath al-Kaseasbeh vẫn còn sống. Ông Kaseasbeh cùng với nhà báo Nhật Kenji Goto là hai trong số các con tin bị IS bắt giữ, và điều kiện trả tự do cho hai người này là chiến binh al-Qaeda Sajida al-Rishawi, người đã tham gia vào một vụ khủng bố của al-Qaeda và bị chính quyền Jordan tuyên án tử hình, được phóng thích.
Phi công Muath al-Kaseasbeh, cùng với nhà báo Kenji Goto là hai trong số con tin mà IS đang nắm giữ.
- Sau đó, thời hạn trao trả con tin đã kết thúc, số phận của các con tin hiện thời vẫn chưa xác định. Trong khi đó, vợ của nhà báo Kenji Goto đã lên tiếng cầu xin chính phủ Nhật và Jordan hãy giúp đỡ để nhà báo Goto được trở về an toàn. (theo AP)
- Theo thông tin mới nhận, một loạt các vụ tấn công đã diễn ra tại bán đảo Sinai (Ai Cập) khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và 58 người bị thương, phần lớn là các binh sĩ. Phiến quân Sinai, một tổ chức có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này. (theo BBC)
- Cũng trong ngày 30/1, phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã mở một cuộc tấn công vào thành phố dầu mỏ Kirkut ở phía Bắc Iraq. Giao tranh giữa phiến quân và lực lượng người Kurd đang diễn ra rất căng thẳng. (theo CNN)
Chuyến bay MH370
Ngày 29/1, Malaysia đã chính thức công bố vụ mất tích chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia là một vụ tai nạn, qua đó toàn bộ những người có mặt trên chuyến bay này được cho là đã tử nạn. Do hộp đen máy bay vẫn chưa được tìm thấy, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Thân nhân của một nạn nhân máy bay MH370 trả lời trước báo giới.
Động thái này sẽ giúp hãng hàng không nước này cùng với các hãng bảo hiểm tiến hành các hoạt động bồi thường cho thân nhân của người bị nạn.
Nga
- Trong một bài phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng Nga phải tự cường để vượt qua sức ép từ bên ngoài cũng như ảnh hưởng của nền kinh tế. Theo ông, Nga phải đa dạng hóa và phát triển các ngành kinh tế quan trọng để tránh bị tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến đất nước.
Lệnh cấm vận đối với Nga có thể kéo dài đến tháng 9/2015.
- Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) dự định sẽ kéo dài lệnh cấm vận đối với Nga đến tháng 9/2015. Ngày 29/1, Ngoại trưởng các nước thành viên trong EU đã nhóm họp với nhau và bàn về việc kéo dài lệnh cấm vận, vốn sẽ hết hạn vào tháng 3 năm nay. Trước đó, đại diện thường trực của các nước EU đã tán đồng đề xuất này.
- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ có chuyến thăm tới Nga vào các ngày 4 - 5/2, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ kể từ tháng 5/2013. Nội dung của chuyến thăm nhiều khả năng sẽ là về vấn đề xung đột ở Ukraine. (theo Itar-TASS)
Ukraine
- Tham mưu trưởng của Quân đội Ukraine thừa nhận họ không thấy có sự xuất hiện của quân đội Nga ở miền Đông nước này. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng khẳng định rằng họ không phát hiện có dấu hiệu của hoạt động quân sự trên lãnh thổ Nga gần biên giới với Ukraine. Điều này trái với tuyên bố của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi nói rằng hiện ở miền Đông có đến 9.000 binh sĩ Nga đang chiến đấu cùng với quân ly khai.
Một nhóm binh sĩ Ukraine.
- Một nhóm hacker đã đột nhập vào máy tính của Văn phòng Công tố viên Quân luật và đã thu được những tài liệu mật về tình hình xung đột ở Ukraine. Theo các tài liệu này, quân đội Ukraine đã mất hơn 1.100 lính và 100 xe tăng trong vòng 2 tuần vừa qua. Bên cạnh đó, vấn đề kỷ luật kém và đào ngũ cũng được nêu ra trong văn bản này. Thông tin này xuất hiện chỉ 9 ngày sau đợt tổng động viên đầu tiên của Ukraine, diễn ra vào ngày 20/1.
Trung Quốc
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ những lo ngại rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa sẽ làm tình hình an ninh giữa các nước trong khu vực Biển Đông trở nên bất ổn, mặc dù nước này khó có khả năng xây dựng một căn cứ quân sự thật trên vùng biển này. Hiện quần đảo Trường Sa là phần lãnh thổ tranh chấp giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan.
Anh Tuấn (tổng hợp)

No comments: