Tình trạng đạo nhạc, loạn chương trình truyền hình thực tế vô bổ, sự tràn lan các sáng tác kém chất lượng... là những vấn đề đặt ra trong cuộc hội thảo được tổ chức tại TP HCM.
Trong hai ngày 11 và 12/11, tại TP HCM diễn ra hội thảo khoa học mang tên "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay". Bên cạnh 84 tham luận chính được mang ra trao đổi, sự kiện thu hút thêm nhiều bài viết từ giới văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu... nâng số tham luận lên hơn 100. Trong sáng khai mạc 11/11, có khoảng 200 đại biểu về tham dự, phát biểu ý kiến về diện mạo của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Hội đồng Lý luận, phê bình Trung ương - đơn vị tổ chức sự kiện này - cùng đại biểu gặp nhau ở điểm chung khi cho rằng: Mọi lĩnh vực đời sống nghệ thuật, từ âm nhạc, sân khấu, văn học đến nhiếp ảnh, điện ảnh... đều đang tồn đọng yếu kém, phát triển về chiều rộng mà thiếu chiều sâu, "lỗi nhịp" trong việc định hình, mang đến chuẩn giá trị cần thiết để xây dựng nền tảng đạo đức, phát triển đời sống tinh thần của xã hội.
Nghi vấn đạo nhạc trong nhiều ca khúc của Sơn Tùng M-TP làm dấy lên lo lắng về chất lượng nhạc trẻ hiện nay.
|
Nhiều tham luận nêu ra những bất cập trong âm nhạc, từ chất lượng sáng tác ca khúc đến thực trạng "loạn" truyền hình thực tế.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định, không ít bạn trẻ hiện nay đến với công việc sáng tác nhạc với tâm thế "giàu trí tưởng bở". Ông nhắc lại những ồn ào xung quanh nghi vấn đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP và cho rằng, nếu người trẻ vẫn xem sáng tác nhạc là công việc dễ dàng thì chuyện đánh mất mình là hiển nhiên.
Nhạc sĩ còn dẫn chứng cho thấy, tình trạng đạo nhạc đang tràn lan không chỉ ở các thành phố trung tâm mà còn trong đời sống âm nhạc tỉnh xa. "Chuyện tác giả Trịnh Minh Sơn ở Nhà hát chèo Hưng Yên đạo trọn vẹn ca khúc Bài ca núi Thúy của nhạc sĩ La Thăng để biến thành ca khúc Hưng Yên - Tiếng hát trong tim hồi tháng 9 vừa rồi cho thấy cần có những biện pháp răn đe hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi tương tự", Nguyễn Thụy Kha nói.
Tiến sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu bàn về "Nhân cách trong môi trường âm nhạc". Theo đó, bà phê phán những hiện tượng, chạy đua "nhái hàng" (nhái giọng, nhái hình thức, nhái phong cách...), tình trạng sính ngoại, lai căng...
Còn tác giả Văn Minh Hương, Lê Đỗ Quỳnh Hương bàn đến "Truyền hình thực tế âm nhạc và vấn đề đạo đức xã hội", phản ánh về một đời sống âm nhạc đang "ký sinh" trên các chương trình truyền hình thực tế.
Bên cạnh mặt tích cực, tình trạng này đang làm nảy sinh nhiều điều tiêu cực khó tránh. Chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nở rộ với tên gọi na ná, cách thức chơi giống nhau, bài hát trùng lặp, gương mặt giám khảo cũ mòn, như: Giọng hát Việt, Ngôi sao Việt, Học viện Ngôi sao, Đố ai hát, Tôi dám hát, Ai dám hát, Ngôi nhà âm nhạc... Nhiều show, vì mục đích thương mại, đã tận dụng tối đa chiêu trò để câu kéo khán giả, khiến giá trị âm nhạc bị đẩy xuống thứ yếu.
"Cặp đôi Hoàn hảo" là một trong những chương trình thực tế về âm nhạc gây nhiều tranh cãi ở khía cạnh chuyên môn.
|
Không chỉ lĩnh vực âm nhạc, đời sống nhiếp ảnh, hội họa, văn học, sân khấu... cũng có nhan nhản những "tác phẩm" giả, hàng nhái, tác phẩm kém chất lượng. Các sáng tác này bị đánh giá chưa hướng đến việc truyền đạt những giá trị thẩm mỹ, xây dựng đời sống xã hội.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến khẳng định, ông không thể nào chấp nhận hàng giả trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Dù vậy, thực trạng ăn cắp bản quyền nhiếp ảnh hiện vẫn tràn lan.
Có đại biểu cũng cho rằng, kinh tế thị trường là một trong những nguyên nhân khiến các tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay hời hợt, nông cạn về giá trị thẩm mỹ, đạo đức. Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định, nếu nói tóm lược, điện ảnh trong nước có thể được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn không vì tiền và giai đoạn vì tiền. Ông nhận xét, ngay cả ở thời kỳ nước nhà thiếu thốn, khó khăn, phim làm ra không phải vì tiền vẫn là những tác phẩm tốt. Còn hiện tại, phim nhảm quá nhiều. "... Kể cả các phim đoạt giải Bông Sen Vàng cũng chẳng thấy yếu tố bản sắc dân tộc ở đâu, chỉ thấy lai căng, thương mại", ông nói.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu tại hội thảo.
|
Tuy vậy, các ý kiến "đổ lỗi" cho đồng tiền và nền kinh tế thị trường mau chóng bị phản biện ở hội thảo. Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng của một tác phẩm không chỉ nằm ở tác động của đồng tiền mà còn ở: tài năng của tác giả, tầm nhìn chiến lược văn hóa của một quốc gia, phông văn hóa và tri thức của người thụ hưởng tác phẩm...
"Người sáng tác phải có lòng tự trọng và biết tôn trọng các sản phẩm của mình và người khác, không ngộ nhận với các tước hiệu, danh hiệu đã được trao tặng", nhiếp ảnh gia Vũ Huyến khẳng định.
Một câu hỏi cũ tiếp tục được nêu lại tại hội thảo: ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tình trạng phát triển bát nháo hiện nay trong đời sống văn học, nghệ thuật. Tiến sĩ Đào Duy Quát, người chủ trì buổi thảo luận ở tiểu ban Nghệ thuật cho rằng, với diện mạo chung đang "dột từ nóc dột xuống", thì trách nhiệm cần được đặt từ các cấp quản lý ngành văn hóa đến bản thân giới văn nghệ sĩ...
Vì vậy, để đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà phát triển tốt hơn, rất cần một quá trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực, can đảm trong thay đổi hệ thống về tư duy, lý luận và nhận thức thẩm mỹ, từ đó, áp dụng chúng vào đời sống thực tiễn.
Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhấn mạnh, hội thảo "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay" đáp ứng được yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp bách. "Đạo đức xã hội chỉ là một mảng trong văn hóa, nhưng mảng này lại có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển con người... Nền văn hóa của dân tộc không thể thăng hoa nếu đạo đức xã hội suy đồi hay xuống cấp...", ông nói.
Thất Sơn
No comments:
Post a Comment