Hungary bắt phần tử khủng bố trong nhóm người tị nạn quá khích, động đất 8,3 độ Richter gây sóng thần tại Chile… là những tin tức đáng chú ý.
Nổi bật
Một người tấn công đáp trả sau khi cảnh sát Hungary xịt hơi cay và phun vòi rồng vào dòng người tị nạn - di cư.(Ảnh: Reuters) |
Hungary đã phải điều động 300 đặc nhiệm thuộc lực lượng bán quân sự cùng xe bọc thép tới khu vực biên giới với Serbia để ngăn dòng người di cư và tị nạn đang tìm cách vượt hàng rào thép gai và trốn qua cửa khẩu để tìm đường đến các quốc gia châu Âu khác.
Căng thẳng giữa 2 bên lên đến đỉnh điểm sau khi nhiều thanh niên ném đá vào lực lượng an ninh, đòi mở cửa biên giới và cho phép nhập cảnh. Để giải tán đám đông, cảnh sát Hungary đã sử dụng bình xịt hơi cay và phun vòi rồng vào những người tị nạn.
Có 29 người quá khích đã bị bắt giữ, trong đó có 1 người bị phát hiện là phần tử khủng bố. Ông Gyorgy Bakondi, cố vấn an ninh của Phó Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết: “Cảnh sát đã bắt giữ một tên khủng bố được xác định danh tính”.
Theo một phát ngôn viên chính phủ, hồ sơ của phần tử này đã nằm sẵn từ lâu trong dữ liệu của các cơ quan an ninh.
Cuộc đụng độ này khiến ít nhất 20 cảnh sát và nhiều người tị nạn bị thương, trong đó có 2 trẻ em, một sĩ quan cảnh sát cho biết.
Ông Gavin Crowden, thành viên một tổ chức phi chính phủ Anh, đã lên án hành động cứng rắn của Hungary đối với trẻ em: “Không thể chấp nhận việc những đứa trẻ đã đi bộ hàng tuần để trốn chạy bom đạn và bạo lực ở Syria lại phải đối mặt với hàng rào dây thép gai và hơi cay ở châu Âu. Chúng cần sự an toàn và nơi trú ẩn. Tất cả các quốc gia châu Âu cần có nghĩa vụ bảo vệ người tị nạn”.
Phía Serbia cũng lên tiếng phản đối động thái này của Hungary, đồng thời hối thúc EU nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết khủng hoảng.
Trong khi Hungary vẫn giữ thái độ kiên quyết trước dân tị nạn, Croatia tuyên bố sẽ mở một tuyến đường mới, sẵn sàng đón nhận hoặc cung cấp xe bus cho phép dòng người từ Trung Đông và châu Phi đến khu vực họ mong muốn.
Tin vắn
Một xe tải chở dầu tại ở Nam Sudan phát nổ, khiến hơn 100 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương nặng. Nguyên nhân số thương vong lớn là do trước đó phương tiện này gặp tai nạn. Nhiều người xung quanh đến để rút nhiên liệu từ bồn chứa xe tải và không kịp bỏ chạy khi xe bất ngờ phát nổ.
Theo giới chức Iraq, 3 vụ đánh bom liều chết liên tiếp nhằm vào các trạm kiểm soát an ninh tại thủ đô Baghdad ngày 17/9 đã khiến 18 người thiệt mạng và 42 người bị thương. Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ việc, song các vụ tấn công ở cùng khu vực thường do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành.
Ngày 17/9, Uỷ ban đặc biệt của Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới. Theo dự luật này, Nhật Bản có thể điều động quân đội tham chiến để trợ giúp nếu Mỹ và các nước đồng minh khác bị tấn công, mặc dù Nhật không trực tiếp bị ảnh hưởng. Dự luật mới cũng gây ra làn sóng phản đối trong người dân, khiến hơn 13.000 người tập trung biểu tình bên ngoài Quốc hội ở Tokyo.
Ngày 17/9, Nghị viện châu Âu (EP) nhất trí thông qua các kế hoạch tái phân bổ 120.000 người tị nạn tại khu vực Liên minh châu Âu (EU), nhằm giảm bớt sức ép hiện tại cho Hy Lạp, Hungary và Italy. Theo dự kiến, ngày 22/9, Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia EU sẽ cùng thảo luận, xem xét kế hoạch này.
Mỹ và Hàn Quốc ngày 17/9 lên tiếng cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, nếu nước này không tuân thủ các cam kết quốc tế và vẫn cho phóng hàng loạt vệ tinh vào không gian hoặc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Nyongbyon như trong tuyên bố trước đó.
Đáp lại, Triều Tiên cho biết đã xác định phóng một vệ tinh và sẽ tiến hành thử hạt nhân lần 4, nhấn mạnh rằng hành động này thuộc chủ quyền của Bình Nhưỡng. Đồng thời, Triều Tiên khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ động thái nào bị cho là xâm phạm đến “tuyên bố chủ quyền” của quốc gia mình.
Sputnik đưa tin Cơ quan An ninh Ukraina tuyên bố không cho phép cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đến lãnh thổ nước này trong vòng 3 năm, lý do là để bảo vệ “lợi ích an ninh của Ukraina”.
Quốc hội Nepal chính thức thông qua bản Hiến pháp mới với 507 phiếu thuận và 25 phiếu chống, có hiệu lực từ ngày 20/9, thay thế cho bản Hiến pháp tạm thời áp dụng sau cuộc xung đột kéo dài 10 năm tại quốc gia này.
Sáng ngày 17/9, Giám đốc Cơ quan Di trú và Tị nạn liên bang Đức (BAMF) ông Manfred Schmidt đã xin từ chức, trong bối cảnh khủng hoảng di cư và tị nạn đang bùng nổ ở nhiều nước châu Âu. Thời gian qua, BAMF đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích do việc giải quyết yêu cầu xin tị nạn tiến hành chậm chạp, khiến hơn 250.000 hồ sơ bị tồn đọng, chưa xử lý.
Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu và thống nhất đơn phương hủy bỏ thỏa thuận xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân hợp tác cùng với Nga tại nhà máy điện Khmelnitsky, miền tây Ukraina.
Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Nội địa Anh (MI5) Andrew Parker cảnh báo nước này đang phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố lớn chưa từng thấy kể từ thảm họa 11/9/2001, đồng thời đề nghị chính phủ giao thêm quyền lực cho các cơ quan an ninh nhằm phát hiện trước công nghệ mà các nhóm cực đoan đang áp dụng.
Tin ảnh
Nhiều ngôi nhà tại thị trấn Illapel, phía bắc Santiago, miền trung Chile bị hư hại nặng nề sau trận động mạnh 8,3 độ Richter kèm theo các đợt sóng thần cao tối đa 5 mét tấn công vào nước này, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải đi sơ tán. (Ảnh: Reuters)
Phát ngôn
Nói về việc cảnh sát Hungary sử dụng bình xịt hơi cay và vòi rồng để giải tán người di cư và tị nạn tại khu vực biên giới Hungary-Serbia, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu: “Tôi đã bị sốc khi chứng kiến cách mà người di cư và tị nạn bị đối xử. Điều đó là không thể chấp nhận được”.
"Tất cả các quốc gia đều có vấn đề trong nước, nhưng vì họ là những người đang trốn chạy khỏi bạo lực và khủng bố, chúng ta cần phải duy trì vai trò lãnh đạo của mình một cách nhân từ”, ông cho biết.
“Họ cần phải được đối xử với nhân phẩm và nhân quyền. Đó là thông điệp nhất quán của tôi gửi đến các lãnh đạo châu Âu và châu Á, bất cứ nơi nào người di cư và tị nạn đang tìm đến”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.
Sự kiện
18/9/1919 - Hà Lan lần đầu tiên trao quyền bầu cử cho phụ nữ.
18/9/1961 - Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold thiệt mạng trong một tai nạn máy bay khi đang trong quá trình đàm phán hòa bình ở vùng bị chiến tranh tàn phá Katanga thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo.
18/9/1974 - Bão Fifi tấn công Honduras với sức gió 177 km/h, khiến 5.000 người thiệt mạng.
Lan Phương
No comments:
Post a Comment