Mỹ và Đức bắt đầu lắp đặt hệ thống bom nguyên tử của Mỹ tại căn cứ không quân Buechel; Mỹ tố Nga triển khai máy bay chiến đấu, UAV tới Syria; Các tay súng ở Philippines bắt cóc 3 công dân phương Tây; ...
Nga – Mỹ – NATO:
*Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét lại kế hoạch hành động quân sự chống lại Nga có cân nhắc đến "thực tế địa chính trị mới" và các kịch bản hành động đáp trả "nếu xảy ra các trường hợp khiêu khích chống lại bất kỳ đồng minh nào của NATO". Song, các chuyên gia quân sự tin rằng, thông báo này chỉ mang tính khoa trương hơn là thực tế.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 21/9. |
*Tổng thư ký NATO hôm 21/9 nhận định tình trạng ngừng bắn ở miền đông Ukraine chưa phải là giải pháp giúp đem lại hòa bình cho khu vực này và kêu gọi Nga rút toàn bộ số vũ khí hạng nặng đã cung cấp cho phe ly khai miền đông Ukraine.
Xung đột ở miền đông Ukraine hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi thỏa thuận Minsk 2 được ký kết hồi tháng Hai năm nay. Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây khẳng định 11 điều khoản trong thỏa thuận hòa bình Minsk vẫn chưa được các bên tham chiến thi hành một cách đầy đủ. Ngay cả các quan sát viên của Tổ chức Hòa bình và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng chưa được toàn quyền tiếp cận vùng chiến sự.
Nga – Syria:
*Hai quan chức Mỹ hôm 21/9 cho hay Nga đã gửi các máy bay không người lái tham gia nhiệm vụ trinh sát ở Syria. Đây là hoạt động hỗ trợ quân sự trên không đầu tiên của Moscow sau khi Nga chuyển nhiều loại vũ khí tới một căn cứ không quân ở Syria.
Việc Nga triển khai UAV sẽ làm tăng nguy cơ va chạm với các máy bay của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu khi hoạt động trong một vùng không phận giới hạn ở Syria.
Vũ khí của lưc lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. |
*Giới chức Mỹ hôm 21/9 cho biết Nga đã triển khai 28 máy bay chiến đấu tới Syria, xác nhận động thái mới nhất trong sự hiện diện quân sự gia tăng của Moscow tại quốc gia Trung Đông.
"Có 28 máy bay chiến đấu và ném bom" tại một sân bay quân sự ở tỉnh Latakia, phía tây Syria, một trong số các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Theo giới chức Mỹ, Nga đã điều 12 máy bay tấn công Su-24, 12 máy bay tấn công mặt đất Su-25 và 4 máy bay chiến đấu Flanker tới Syria.
Ukraine:
*Kiev sẽ khôi phục việc theo dõi và kiểm soát không lưu trên Biển Đen trong khuôn khổ dự án liên kết giữa Ukraine với NATO về an toàn hàng không trong khu vực.
Đó là tuyên bố của Quyền Trưởng phái đoàn Ukraine tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Egor Bozhok hôm 21/9.
Hồi tháng 2/2014, Kiev đã đóng cửa không phận trên bán đảo Crimea và giới hạn các chuyến bay ở phần phía Đông không phận trong khu vực Simferopol.
Mỹ:
*Kết quả khảo sát của Viện Gallup cho thấy 49% dân số Mỹ nhìn nhận chính quyền nước này là mối đe dọa trực tiếp tới cuộc sống và nền tự do của người dân. Sự thất vọng của người dân Mỹ với chính quyền liên bang ngày càng gia tăng kể từ hồi năm 2006.
Những người tham gia khảo sát đã trả lời hàng loạt câu hỏi như liệuchính phủ Mỹ có phải là "mối đe dọa trực tiếp tới quyền các nhân và sự tự do của công dân nước nhà". Kết quả, 2/3 người dân theo đảng Cộng hòa và 1/3 người dân theo đảng Dân chủ trả lời "Có".
Người dân phản ứng khi xe quân sự của Mỹ xuất hiện ở thành phố Baltimore thuộc tiểu bang Maryland. |
*Báo chí Đức hôm 21/9 đưa tin quân đội Mỹ và Đức đã bắt đầu các hoạt động lắp đặt hệ thống bom nguyên tử của Mỹ tại căn cứ không quân Buechel ở bang Rheinland-Pfalz.
Theo tờ Tiêu điểm (Focus) của Đức, dự kiến sẽ có 20 quả bom B61-12, loại bom nguyên tử chiến thuật thế hệ mới của Mỹ, được lắp đặt tại Buechel.
Số bom này có sức công phá tương đương với 80 quả bom đã từng được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các máy bay cường kích của Đức sẽ được phép sử dụng số bom này trong khuôn khổ một chiến lược chung của NATO mang tên “Can dự hạt nhân”.
Trung Quốc – Nhật Bản:
*Bộ luật an ninh mới của Nhật Bản sẽ có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Á, buộc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng và khích lệ Đài Loan quyết tâm tách khỏi đại lục.
Bộ luật an ninh mới của Nhật Bản từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong nước. |
Việc Nhật Bản lần đầu tiên cho phép quân đội ra nước ngoài tham chiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai không ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ ở eo biển Đài Loan nhưng nó sẽ khích lệ Đài Loan quyết tách khỏi Trung Quốc. Nói cách khác, Đài Bắc có thể kêu gọi Tokyo hỗ trợ trong trường hợp Bắc Kinh quyết dùng vũ lực để sáp nhập Đài Loan vào đại lục.
Khủng hoảng di cư:
*Quốc hội Hungary đã thông qua bộ luật cho phép chính phủ triển khai quân đội cùng vũ khí phi sát thương để ngăn chặn làn sóng người di cư đổ xô tới nước này.
Người di cư coi các nước Đông Âu là điểm quá cảnh để tới Đức. |
Theo trang web của Quốc hội Hungary, bộ luật mới đã nhận được 151 phiếu ủng hộ trên tổng số 199 phiếu. Theo đó, quân đội Hungary được phép sử dụng đạn cao su, các thiết bị bắn pháo hoa và lựu đạn hơi cay trong khi làm nhiệm vụ.
Triều Tiên:
*Triều Tiên đã điều động thêm 6 tàu tuần tra gần vùng biển giáp Hàn Quốc. đây là một phần trong chiến dịch của Bình Nhưỡng nhằm phá bỏ Đường giới hạn phía bắc (NLL) trên biển Hoàng Hải.
Vụ va chạm giữa tàu Hàn Quốc và Triều Tiên vào năm 1999. |
Theo Hải quân Hàn Quốc, thông qua chiến dịch triển khai thêm các tàu tuần tra và lực lượng pháo binh trên biển Hoàng Hải, Triều Tiên đang tiếp tục kế hoạch vô hiệu hóa NLL.
Ngoài ra, Triều Tiên vẫn đang cho phát triển các thế hệ vũ khí mới như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, các tàu cao tốc VSV có khả năng tàng hình và ngư lôi.
Philippines:
*Các tay súng không rõ danh tính hôm 21/9 đã bắt cóc 3 công dân phương Tây, gồm 2 người Canada và một người Na Uy, và 1 người địa phương tại đảo Samal thuộc thành phố Davao ở miền Nam Philippines.
Cảnh sát Philippines trong một vụ giải cứu con tin ở thủ đô Manila hồi năm 2014. |
Thông báo của cảnh sát cho biết 4 người đã bị bắt cóc tại khu nghỉ dưỡng Holiday Oceanview trên đảo Samal, 2 du khách người Nhật Bản đã tìm cách ngăn chặn vụ tấn công nhưng bất thành. Sau đó, những kẻ tấn công đã trốn thoát khỏi hiện trường.
No comments:
Post a Comment