Tuesday, September 8, 2015

Tin thế giới 18h30: Tổng thống Ukraine "thất thế", IS giả làm dân tị nạn vào EU


IS tung video mài kiếm chặt đầu tù nhân ở Afghanistan; Thủ tướng Nhật Bản tái đắc cử chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền; Hàn - Triều thống nhất tổ chức đoàn tụ cho 100 gia đình bị ly tán từ ngày 20 - 26/10 ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang; ...
Ukraine:
*Hôm 7/9, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine tuyên bố Tổng thư ký NATO sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới nước này trong tháng Chín và động thái này không mang ý định chọc tức Nga.
Để làm hài lòng Nga, Ukraine từng từ bỏ ý định gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu hồi năm 2010. Song hiện giờ, chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko khẳng định trở thành một thành viên của NATO là cách duy nhất giúp Kiev bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. 
Chiến sự ở Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. 
*Tổng thống Petro Poroshenko đang tỏ ra bất lực trong việc tìm hướng giải quyết cuộc chiến tại miền đông Ukraine với phe ly khai cũng như những bất đồng trên chính trường hiện nay dẫn tới nạn bạo động trên đường phố.
*Tổng thống Petro Poroshenko từng lên phương án “tuần hành tại Moscow” để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Song, ông này thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 hiện là “phương án đáng hoan nghênh nhất”.
*Hãng thông tấn Tass dẫn lời Thủ lĩnh đảng Cấp tiến Ukraine Oleg Lyashko cho biết, việc bầu ông Poroshenko giữ chức Tổng thống Ukraine là sai lầm lớn nhất của đất nước. Ukraine đang phải trả một giá rất cao cho sai lầm này.
Ông Oleg Lyashko nhấn mạnh rằng Poroshenko chỉ nghĩ đến việc kinh doanh và tiền bạc chứ không hề nghĩ đến lợi ích của những người dân thường và đất nước.
Nga:
*Hôm 7/9, tờ Lenta dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft, Igor Sechin cho biết, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đề nghị Nga tham gia vào nhóm, song nước này đã quyết định không tham gia mà chỉ là quan sát viên.
Mỹ lo ngại sự xuất hiện của quân đội Nga ở Syria sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa nhóm liên minh chống IS với Moscow. 
*Giới chức điện Kremlin đã bác bỏ những nghi ngờ cho rằng Nga đang triển khai một lực lượng quân sự đông đảo tới Syria khi mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lo ngại Moscow có thể làm leo thang xung đột ở Syria.
Nga khẳng định không có tham vọng quân sự ở Syria. Song, Nga thừa nhận gửi vũ khí và cố vấn quân sự tới trợ giúp lực lượng quân chính phủ ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad.
*Tổng thống Putin khẳng định lệnh cấm vận của phương Tây chống Nga không hề ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Trung và hai nước tiến tới thành lập Liên minh năng lượng chiến lược.
Trong chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, khoảng 20 thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết. Điện Kremlin luôn hy vọng chính sách “xoay trục sang hướng Đông” sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại cũng như đầu tư của Trung Quốc vào Nga, vốn đang bị giảm sút trong thời gian gần đây do đồng ruble mất giá cũng như sự bất ổn của sàn chứng khoán Trung Quốc. 
Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS:
*Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức BND xác nhận họ đã thu thập những bằng chứng liên quan tới việc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sử dụng khí độc mù tạt trong các vụ tấn công ở Iraq.
*Chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã tiêu tốn của Mỹ hàng tỷ USD kể từ tháng 8/2014 và chi phí cho mỗi cuộc không kích lên tới 2,5 triệu USD.
 Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích nhằm tiêu diệt lực lượng IS ở thành phố Kobani của Syria hồi tháng 10/2014. 
*Lầu Năm Góc cho biết lần đầu tiên quân đội Iraq đã sử dụng các chiến đấu cơ F-16 nhập từ Mỹ để tiến hành không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.
Bốn chiến đấu cơ F-16 đã được chuyển tới Iraq hồi tháng 7 qua một hợp đồng ký kết với chính phủ nước này. Phát ngôn viên Lầu Năm góc Peter Cook khẳng định trong thời gian tới Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp các máy bay quân sự cho Iraq.
*Tờ Lenta (Nga) dẫn nguồn tin từ tờ Sunday Express cho biết, hơn 4.000 chiến binh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã vào Liên minh châu Âu (EU) dưới vỏ bọc của những người tị nạn.
Các tay súng đã nhập vào dòng người tị nạn đến thành phố cảng của Thổ Nhĩ Kỳ Izmir và Mersin, từ đó qua Địa Trung Hải đến Italia. Sau đó, các thành viên của IS được gửi đến các nước châu Âu khác, đặc biệt đến Thụy Điển và Đức.
*Thủ tướng Anh David Cameron cho biết máy bay không người lái của nước này đã tiêu diệt một phiến quân người Anh ở Syria.
"Reyaad Khan bị tiêu diệt trong một đòn không kích chính xác do một máy bay điều khiển từ xa của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) thực hiện hôm 21/8. Tên này khi đó đang di chuyển trên một chiếc xe ở khu vực Raqqa", Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước quốc hội hôm 7/9.
Tiêu diệt Khan đánh dấu lần đầu tiên Anh không kích IS ở Syria.
*Nhà nước Hồi giáo (IS) công khai video quay cảnh thanh kiếm được mài sắc bằng máy, trước khi kết thúc cuộc sống của tù nhân ở Afghanistan.
Video, được cho là quay tại tỉnh Khorasan tự xưng của IS ở Afghanistan, bắt đầu bằng cảnh mài kiếm, Khaama Press đưa tin hôm 7/9. Sau đó, đao phủ mặc đồ đen, bịt mặt từ từ rút kiếm trong bao ra. Hàng chục phiến quân cầm súng và cờ đen đứng sau tù nhân bị bịt mắt. Nạn nhân mặc đồ cam bị trói tay, cằm chống lên thanh gỗ trong tư thế quỳ. 
Khủng hoảng di cư:
*Hôm 7/9, Thủ tướng David Cameron cam kết Anh sẽ tiếp nhận 20.000 người di cư từ Syria trong vòng 5 năm tới nhằm xoa dịu những chỉ trích từ dư luận về việc Anh làm ngơ không giúp đỡ người dân chạy trốn khỏi vùng chiến sự Syria.
Con số 20.000 người mà Anh tiếp nhận vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia châu Âu. Điển hình, trong năm nay, Đức sẽ tiếp nhận khoảng 80.000 người di cư và tị nạn. 
Một phụ nữ ngồi trên chuyến tàu dành cho di dân và người tị nạn ở Hungary.
*Các quốc gia vùng Vịnh bị chỉ trích vì chỉ đón nhận ít người tị nạn, giải thích rằng họ đã ủng hộ nhiều tiền và đổ lỗi cho phương Tây là gốc rễ của khủng hoảng. 
Một số quốc gia Arab tại vịnh Ba Tư có mức thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất thế giới. Nhưng khi hàng triệu người tị nạn Syria phải lánh nạn tại những nơi khác ở Trung Đông, thậm chí mạo hiểm sinh mạng để tới châu Âu, các quốc gia vùng Vịnh chỉ đồng ý cho một lượng ít ỏi người tị nạn được tái định cư tại nước họ.
Nhật Bản:
*Thủ tướng Shinzo Abe vừa thắng cử thêm một nhiệm kỳ chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, sau khi không vấp phải sự phản đối nào. 
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. 
Đảng Dân chủ tự do (LDP) chọn ông Abe làm chủ tịch sau khi không có nghị sĩ nào nộp đơn để tranh cử với ông trong cuộc bầu cử đã được ấn định vào ngày 20/9. Các ứng viên muốn tranh cử phải được sự ủng hộ của 20 nhà lập pháp khác trong đảng. Bà Seiko Noda, đối thủ của ông Abe, đã không thu thập đủ số chữ ký cần thiết để tham gia.
Nhiệm kỳ chủ tịch LDP của ông Abe dự kiến kết thúc vào ngày 30/9. Nhiệm kỳ mới của ông sẽ hết vào ngày 30/9/2018.
Hàn - Triều:
*Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức đoàn tụ cho 100 gia đình bị ly tán từ ngày 20 - 26/10 ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang, bờ biển phía đông Triều Tiên, Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết. Đây là cuộc đoàn tụ đầu tiên kể từ tháng 2/2014.
Ông Kim Jin-Won, 80 tuổi, ở Triều Tiên, khóc khi sắp phải chia tay người thân ở Hàn Quốc trong cuộc đoàn tụ hai miền tháng 11/2010
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa đại diện hai miền hôm qua để bàn về việc đoàn tụ các gia đình ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 theo đề nghị từ Hội Chữ thập Đỏ.
Trung Quốc:
*Ông Wang Jiarui, Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định điều mà đảng Cộng sản nước này lo ngại nhất chính là chương trình chống tham nhũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị, đe dọa tới vị thế lãnh đạo của đảng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tiêu diệt tận gốc nạn tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo. 
“Theo từng hoàn cảnh, một cá nhân sẽ bị cắt chức nhưng nếu quá nhiều quan chức bị đưa ra xét xử, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng với đảng cầm quyền mặc dù hiện tại, Trung Quốc chưa rơi vào tình huống này. Nhưng điều khiến chúng tôi quan tâm và lo ngại nhất hiện nay chính là vấn đề này”, ông Wang nói. 
MINH THU (tổng hợp)

No comments: