Wednesday, August 19, 2015

Có nên thu phí tác quyền bài 'Tiến quân ca'?



Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) yêu cầu thu phí tiền tác quyền với bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, bài hát đã trở thành Quốc ca của VN từ năm 1946 cho đến nay.

Có nên thu phí tác quyền bài 'Tiến quân ca'? - ảnh 1Hát Quốc ca trong lễ chào cờ tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo thông tin từ phía VCPMC, Trung tâm thu phí tác quyền ca khúc Tiến quân ca, hay còn là Quốc ca của VN khi ca khúc được trình diễn tại các chương trình nghệ thuật (ngay cả các chương trình nghệ thuật mang tính chính trị, không bán vé), chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình hội nghị, kỷ niệm (có thể xem xét tùy theo tính chất của chương trình), xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu)... VCPMC chỉ xem xét không thu phí tác quyền trong một số trường hợp, chẳng hạn như học sinh hát Quốc ca khi chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần.
Cũng theo VCPMC, ca khúc Tiến quân ca được thu tiền tác quyền bình thường giống như những ca khúc khác của nhạc sĩ Văn Cao. Phía VCPMC cũng không nói rõ con số cụ thể mà chỉ cho biết rằng, số tiền thu được không nhiều, vì khó kiểm soát được hết việc ca khúc này được trình diễn ở những đâu, trong trường hợp nào.
Bức thư ngỏ hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca
Có nên thu phí tác quyền bài 'Tiến quân ca'? - ảnh 2
Thư ngỏ hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: Ngọc An chụp lại từ tư liệu
Đền đáp công lao của nhạc sĩ
“Nếu bài hát này còn trong thời gian bảo hộ quyền tác giả, thì việc thu tiền tác quyền là bình thường. Nhưng nếu như vợ của cố nhạc sĩ hay gia đình ông có ý muốn tặng lại ca khúc này, thì nhà nước nên tặng lại gia đình ông một thứ có giá trị lớn để đền đáp công lao của nhạc sĩ. Đó cũng như là cách nhà nước “mua” bài hát để tặng lại cho nhân dân”.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc
Thụy Kha 
Ngày 21.6.2010, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, đã gửi thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca tới Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL. “Tôi là Nghiêm Thúy Băng, 80 tuổi, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca VN (đã mất từ tháng 7.1995), đại diện cho gia đình đang được hưởng quyền thừa kế các tác phẩm âm nhạc của ông, xin trân trọng ngỏ lời hiến tặng công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước tác phẩm Tiến quân ca đang là Quốc ca VN từ năm 1946, đến nay là 64 năm”. Bức thư này sau đó đã được chuyển tới Cục Bản quyền tác giả. Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Hùng và ông Vũ Ngọc Hoan là Cục trưởng và Cục phó của cục này đều ngại ngần khi trao đổi về bức thư ngỏ. Ông Vũ Ngọc Hoan chỉ nói rằng: “Đây là một câu chuyện rất dài”.
Theo lời giải thích từ đại diện VCPMC, vấn đề này đã từng được đưa ra bàn luận, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức vì thế trung tâm vẫn thu tiền tác quyền theo quy định. Nhà thơ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, cho hay: “Việc hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca vẫn chưa có sự thống nhất trong gia đình. Vì thế chúng tôi vẫn đang giao cho VCPMC thu tiền tác quyền các tác phẩm của ông, trong đó có bài hát Tiến quân ca”.
“Bài hát này không còn của riêng tôi”
Trong thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao, ông viết: “Tháng 11.1944, tôi tự viết bài Tiến quân ca lên đá in trang văn nghệ đầu tiên mà tờ báo Độc Lập còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau, khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn soát trở về. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế), tôi chợt nghe thấy tiếng đàn măng đô lin từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập hát Tiến quân ca. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm của tôi đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in ra rồi. Bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng tôi”.
Bà Nghiêm Thúy Băng từng chia sẻ với báo chí: “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng Bộ VH-TT-DL mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca VN năm 1946”.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đưa ý kiến: “Quốc ca không đơn giản là một bài hát thông thường mà là một tác phẩm đặc biệt. Thông qua Quốc ca, người ta thêm yêu và tự nhìn thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, đất nước, nên Quốc ca không thể định lượng bằng tiền bạc. Đã là Quốc ca thì phải là sở hữu của toàn dân. Ai cũng có quyền được hát. Người hát Quốc ca là đang thể hiện tình yêu trách nhiệm công dân, tổ chức của mình với quê hương. Hãy để toàn dân hát Quốc ca mà không lo phải trả tiền tác quyền. Nói cách khác, không nên lấy tiền tác quyền đối với tác phẩm được chọn làm Quốc ca. Vì bản thân tác phẩm được chọn thì người nhạc sĩ ấy đã được vinh danh vĩnh cửu cùng lịch sử dân tộc”.
Ca sĩ Ánh Tuyết, người đã gắn bó với nhạc sĩ Văn Cao và âm nhạc của ông chia sẻ: “Nhạc sĩ Văn Cao là người trong sáng và âm nhạc của ông cũng thánh thiện lắm. Ông viết nhạc bằng tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu đồng loại, chẳng bao giờ toan tính điều gì. Tôi nghĩ Tiến quân ca đã là bài hát của nhân dân từ rất lâu rồi, vậy nên hãy tặng lại cho nhân dân”.
Quy định về tác quyền của quốc ca ở các nước rất khác nhau. Ở một số nước như Canada, do tác giả qua đời đã lâu trước khi tác phẩm được chọn làm quốc ca nên cả lời và nhạc đều là tài sản quốc gia. Do đó, người dân không phải trả tác quyền khi sử dụng. Tuy nhiên, các ban nhạc hoặc ca sĩ có thể yêu cầu được trả phí khi có cá nhân hoặc tổ chức dùng bản quốc ca Canada do họ trình diễn. Một trường hợp đáng chú ý khác là hồi tháng 10.2013, gia đình nhạc sĩ Pa Benoît Odiase, tác giả quốc ca Nigeria đã kiện Tập đoàn viễn thông MTN Nigeria vì tự ý sử dụng bản nhạc này làm nhạc chuông điện thoại, theo tờ Le Figaro. Vài tuần sau khi ông Odiase qua đời, gia đình của ông đã đệ đơn kiện đòi bồi thường tác quyền 1,5 tỉ naira (168 tỉ đồng). Hồi năm 2011, truyền thông Senegal đưa tin gia đình cựu Tổng thống Léopold Senghor (1906 - 2001) nhận được tiền tác quyền đến hơn 1 tỉ franc CFA (hơn 40 tỉ đồng)/năm. Tổng thống Senghor là tác giả quốc ca Senegal và thân nhân sẽ nhận tiền tác quyền trong thời hạn 70 năm kể từ khi ông qua đời.
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, năm 2005, người dân Hàn Quốc đã đệ đơn yêu cầu chính phủ mua đứt tác quyền của... quốc ca. Tại Hàn Quốc, chỉ có trường học là được hát quốc ca miễn phí. Mỗi năm, Hiệp hội Quyền tác giả - tác phẩm âm nhạc Hàn Quốc thu tiền tác quyền quốc ca chuyển tới vợ cố nhạc sĩ Ahn Eak-tai (tác giả quốc ca) khoảng 5,6 triệu won (tương đương hơn 100 triệu đồng). Theo luật bảo vệ tác quyền của nước này, tác phẩm được bảo vệ 50 năm sau khi tác giả qua đời (nhạc sĩ Ahn mất năm 1965). Các nghệ sĩ Hàn cũng đề nghị chính phủ thương lượng với gia đình nhạc sĩ Ahn Eak-tai mua bản quyền quốc ca để tránh phiền phức cho các cơ quan, đoàn thể mỗi khi sử dụng. Tháng 3.2005, gia đình nhạc sĩ Ahn gửi thư cho chính phủ Hàn Quốc đồng ý trao tặng bài quốc ca mang tên Ae guk-ga cho chính phủ và nhân dân Hàn Quốc.
Đ.T - Lan Chi
Ngọc An

No comments: