Monday, August 24, 2015

Thế giới 24h: Chứng khoán thế giới đỏ

Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hôm 24/8 tràn ngập sắc đỏ. Từ Á sang Âu, các sàn giao dịch bị sụt giá ở mức chưa từng thấy.

the-gioi-24h-chung-khoan-the-gioi-do-san-vi-trung-quoc
Một nhà đầu tư nhìn màn hình hiển thị giá cổ phiếu ở một trung tâm chứng khoán tại Bắc Kinh ngày 24/8/2015
Theo các nhà phân tích, trước hết là kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc cùng với bóng ma giảm phát. Những chỉ số đáng thất vọng liên tục được đưa ra, chứng tỏ nền kinh tế thứ nhì thế giới đang bị “cảm nặng", khiến kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám theo.
Cơn sốt “đỏ sàn” bắt đầu với sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải: hôm qua giảm đến 8,5%. Đây là sự sụt giảm nặng nề nhất kể từ 8 năm qua, xóa đi tất cả những lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán Thâm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61% kéo theo Hồng Kông sụt 4,64%.
Đài Loan tức khắc bị “lây nhiễm”: sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức -4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm 2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh nhất từ sáu tháng qua.
Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt sáng qua giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số Mdax mất 3,27%. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Paris cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị giảm bốn phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luân Đôn, Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. Trước đó tại Wall Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ bốn năm qua.
Evan Lucas, công ty chứng khoán IG Markets bình luận: “Hiện nay chúng ta có tất cả các yếu tố để chứng kiến một ngày tệ hại nhất của thị trường thế giới từ năm năm qua”.
Công ty môi giới chứng khoán Aurel BGC nhận định, sự hoảng loạn trên thị trường châu Á là do nguy cơ hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp hỗ trợ đã được Bắc Kinh loan báo vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu tư cho rằng vẫn chưa đủ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Họ hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp ồ ạt, trong khi Bắc Kinh lại có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ.
Chứng khoán tiếp tục giảm, Trung Quốc bơm 18 tỷ USD để cứu
Tỉ phú Mỹ bán tháo cổ phiếu Trung Quốc
THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho
100.000 quân Ukraina áp sát Donetsk
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Eduard Basurin hôm qua trình bày trên bản đồ thông tin trinh sát của lực lượng ly khai cho thấy những điểm tập trung binh lực chủ yếu của Lực lượng vũ trang Ukraina cũng như những nơi lực lượng này có thể tấn công.
Ông Basurin nói: "Theo thông tin của chúng tôi, hiện trực tiếp trên biên giới với DPR có khoảng 90.000 binh sỹ (Ukraina). Kẻ thù có thể tấn công cùng lúc từ hướng Nam và hướng Bắc nước cộng hòa (DPR), và nhóm quân trung tâm sẽ tiến vào Donetsk. Chúng sẽ tìm cách bao vây thành phố, thậm chí là 2 vòng".
Basurin khẳng định dù đơn phương rút vũ khí hạng nặng, lực lượng dân quân ly khai sẵn sàng chiến đấu với quân Kiev. Ông quả quyết: "Chúng tôi biết rõ vị trí triển khai các nhóm quân chính của Ukraina. Và chúng tôi biết có thể thấy gì từ họ. Vì vậy, mặc dù đơn phương rút vũ khí, DPR vẫn kiểm soát tình hình, và khi cần, mọi phương tiện kỹ thuật sẽ được triển khai đúng lúc."
Đại diện của Bộ Quốc phòng DPR đồng thời nêu lên hai kịch bản tấn công của quân đội Ukraina vào DPR, một trong số đó là lực lượng Ukraina sử dụng tên lửa đạn đạo Tochka-U bắn vào trung tâm thành phố Donetsk.
DPR cũng lưu ý rằng tình báo của Kiev có kế hoạch tổ chức một số hành động khủng bố trên lãnh thổ Ukraina trong ngày quốc khánh (24/8). Ngoài ra chính quyền Kiev có ý định đổ lỗi gây ra cuộc tấn công cho lực lượng dân quân.
Mỹ chưa đủ rắn với Trung Quốc về Biển Đông
Lầu Năm Góc vừa công bố Chiến lược An ninh Biển vùng châu Á -Thái Bình Dương, nêu lên 3 mục tiêu về an ninh biển cho khu vực này là “bảo vệ tự do hàng hải, răn đe xung đột và các hành vi cưỡng bức, và cổ vũ cho việc tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế".
Chiến lược mới này được cho là một sự đóng góp tích cực dù có hơi muộn màng, nhưng theo Giáo sư Học viện Hải quân Andrew Erickson, vẫn chưa đi đủ xa. Ông nêu lên những điểm mạnh của chiến lược an ninh biển của Mỹ, thứ nhất là chứng minh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải quốc tế, đặc biệt tại Ấn Độ Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông đối với các lợi ích của Mỹ.
Thứ hai là dẫn chứng bằng tài liệu những tiến bộ vượt bực của Hải quân Trung Quốc, lực lượng này giờ đây sở hữu nhiều tàu nhất châu Á với 303 tàu chiến các loại, hoàn toàn áp đảo 202 tàu chiến cộng lại của Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Điểm mạnh thứ ba của chiến lược của Mỹ là cung cấp dữ liệu về kết quả các công trình xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoài ra, chiến lược này cũng cho thấy một cách cụ thể sự cam kết của Mỹ đối với khu vực, quyết tâm thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á trước năm 2020 bằng cách chuyển khí tài sang vùng Thái Bình Dương, gia tăng sự hiện diện của Mỹ, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự và xây dựng khả năng hàng hải của các nước đối tác.
Về các điểm yếu, ông Erickson cho rằng chiến lược an ninh biển của Mỹ không đi đủ xa khi tìm cách tỏ ra khách quan bằng cách dùng những ngôn từ không rõ ràng cho rằng tất cả các bên đều có lỗi, dù cho Trung Quốc là nước có cách hành xử tiêu cực nhất.
Giáo sư Erickson nói rằng lẽ ra chiến lược của Mỹ phải minh định rõ rệt rằng đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, là không có cơ sở trên luật quốc tế.
Giáo sư Erickson lập luận rằng điểm nhấn của chiến lược an ninh biển của Mỹ đặt quá nặng mục tiêu giảm thiểu căng thẳng khiến cho Washington tỏ ra yếu ớt dưới con mắt của quốc tế. Chiến lược này đặt quá nặng vấn đề giảm thiểu rủi ro, chỉ nêu lên những “quan ngại” của phía Mỹ trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy là những lời lẽ của Washington có tác động nào tới hành động của Bắc Kinh.
Việc chiến lược an ninh mới của Mỹ đề cập tới việc Trung Quốc được mời để tham gia các cuộc diễn tập đa quốc Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 ở mức tương tự như hồi năm 2014, theo Erickson, nêu lên một điểm yếu quan trọng trong sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, trong khi lẽ ra chiến lược này phải khẳng định sự sẵn sàng của Mỹ đối mặt với Trung Quốc chống lại một loạt hành động tiêu cực cao độ của Bắc Kinh trong mấy năm gần đây.
Ông Erickson đề nghị chính phủ của Tổng thống Obama nên công bố một ‘Chiến lược châu Á -Thái Bình Dương’, tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và phải tỏ thái độ dứt khoát, sẵn sàng để căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh để tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả nếu nước này tiếp tục các hành động gây phương hại an ninh và ổn định khu vực.
Hình ảnh ấn tượng
the-gioi-24h-chung-khoan-the-gioi-do-san-vi-trung-quoc-1
Một quân nhân người Ukraina bị thương chơi với một con chó tại một khu nhà của bệnh viện quân y chính ở Kiev
Nguồn:

No comments: