Friday, October 17, 2014

Có nên triển khai xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành?


KTNT - Bộ GTVT vừa công bố thông tin về nội dung tiền khả thi của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chờ Quốc hội phê duyệt. 

Không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất 

 
Theo Tờ trình số 5032 của UBND TP.HCM gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) là không thể, do 590, 48 ha  khai thác dân dụng của sân bay nằm trong khu vực đô thị có mật độ dân cư cao xung quanh sân bay. Nơi đây là cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, công suất vận chuyển hiện nay khoảng 20 triệu hành khách/năm, với lượng khách như vậy đã dẫn đến sự quá tải ở sân bay TSN.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, cho biết: “Sân bay TSN thường bị tắc nghẽn, có lúc vào giờ bay phải đậu vào đường lăn, không tắc nghẽn ở nhà ga mà tắc nghẽn ở vùng trời vùng trời. Vì tần suất bay của vùng trời tối đa là 29 tuyến, đôi lúc bị quá tải phải bay vào vùng trời quân sự của sân bay Biên Hòa. Nếu chúng ta mở rộng sân bay TSN thì việc xóa bỏ sân gôn là có thể nhưng cái khó là sự ách tắc ở vùng trời. Vì mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa thành dân sự thì đường bay ở sân bay TSN và đường bay dân sự ở sân bay Biên Hòa không chồng lấn như hiện tại được”. Và nếu như sân bay TSN được nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm thì cần mở rộng về phía Bắc, phải bồi thường giải phóng mặt bằng thêm 64 ha, di dời khoảng 140.000 hộ dân, với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 9,152 tỷ đô la Mỹ. Với quy mô mở rộng này, hệ thống giao thông xung quanh sân bay hiện hữu sẽ bị quá tải dẫn đến ùn tắc giao thông trên diện rộng, ngay cả trường hợp đã xây dựng xong các tuyến Metro số 2-4-5, tuyến Monorail số 2, đường trên cao số 1… Như vậy, đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn, khoảng 8,31 tỷ đô la Mỹ. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc cần xây thêm sân bay Long Thành.
 
Làm thủ tại ga quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất

Việc nghiên cứu xây dựng sân bay Long Thành đã chính thức đề cập từ những năm 1980, dự án đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không được thông thoáng,  khi sân bay TSN đã đạt công suất thiết kế và quá tải. Tại buổi họp báo, có nhiều ý kiến trái chiều khi Bộ GTVT giải trình nội dung triển khả thi của dự án sân bay Long Thành nhưng chung quy là bàn đến vấn đề kinh phí đền bù và xây dựng, vay có trả nổi không khi hiện tại nợ công còn tồn đọng.

Giải thích vấn đề kinh phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Vấn đề 164.000 tỷ đồng cho dự án tiền khả thi của sân bay Long Thành trình Quốc hội phê duyệt là có khả năng trả, trong đó nhà nước đầu tư 30.000 tỷ đồng, chủ yếu vào các dự án không sinh lợi. Phần còn lại có 2 nguồn: một là ngân sách, hai là vốn vay ODA, vốn này nhà nước vay và cho tổng dự án vay lại”. Như vậy, việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, vì vị trí này mang tính cạnh tranh cao nhờ các quy hoạch giao thông cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Gây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến đường sắt TP.HCM-Long Thành - Dầu Giây. Nếu quy hoạch được duyệt thì giai đoạn I, sân bay Long Thành sẽ đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng. Hội đồng thẩm định nhà nước cũng đã xem xét các khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, phương án giải phóng mặt bằng, phương án lựa chọn kỹ thuật công nghệ, các giải pháp bảo vệ môi trường… và Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành vào ngày 30/9/2014. Ngày 03/10/2014, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp thẩm tra và có báo cáo sơ bộ về dự án sân bay Long Thành. Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, báo cáo đầu tư của dự án sân bay Long Thành đáp ứng được những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của giai đoạn lập báo cáo đầu tư tiền khả thi quy định tại Nghị quyết số 49/QH12. Còn phương án mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa cũng không khả thi, do kinh phí đầu tư lớn, khoảng 7,5 tỷ đô la Mỹ nhưng lại hạn chế về vùng trời, nhiễm độc dioxin chưa xử lý, sân bay này lại là sân bay quân sự then chốt của quốc gia.
 

Khó khăn về giải tỏa?
 
Khi xây dựng dự án sân bay Long Thành sẽ phải giải tỏa 6 xã của huyện Long Thành gồm: Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước và 3 xã của huyện Cẩm Mỹ, với diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó xã Suối Trầu bị giải tỏa trắng. Theo kết quả điều tra của UBND tỉnh Đồng Nai, ước tính kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho người dân để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án sân bay Long Thành hơn 13.000 tỷ đồng. Giai đoạn đầu sẽ có 2.515 ha của 1.808 hộ bị thu hồi; giai đoạn 2 có 2.733 hộ dân với 2.484 ha ảnh hưởng phải giải tỏa. 

Tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong 5.000 ha quy hoạch dự án có hơn 3.050 ha ta đất của 4.541 hộ dân bị ảnh hưởng, 1.885 ha của 25 tổ chức bị ảnh hưởng, 72,3 ha sông suối. Đã có 471 hộ dân chọn phương án tái định cư phân tán, 42 hộ dân chưa chọn phương án nào, đa số các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đều ủng hộ dự án, chỉ có 25 hộ không đồng ý. Nhiều người lo lắng khi giải tỏa, các hộ dân nơi đây sẽ không có cơ hội làm việc trong khu vực sân bay Long Thành do trình độ không đáp ứng. Qua điều tra của của tỉnh Đồng Nai, hiện tại ở khu vực bị giải phóng mặt bằng có 638 người không có nghề, 452 là sinh viên đang đi học…Vì vậy, khi bố trí cho họ vào 2 khu tái định cư, họ vẫn có thể tìm việc ở 3 khu công nghiệp lớn của tỉnh đang thu hút trên 6.000 lao động. Bên cạnh đó, chính quyền cũng có chương trình chuyển đổi đổi nghề nghiệp cho người dân khu vực bị giải tỏa vào làm việc ở sân bay Long Thành.

Biểu đồ xây dự sân bay Long Thành giai đoạn 1
 
Bên cạnh đó là Khu vực phía Bắc sân bay Long Thành hướng kết nối với TP.HCM, diện tích trên 5.720 ha, làm khu nhà ở cho nhân viên hàng không, khu tái định cư, khu dịch vụ và vùng cây xanh. Ở phía Nam sân bay, quy hoạch 4.400ha, sẽ có trung tâm dịch vụ trung chuyển quốc tế và công nghiệp, khu công nghiệp phụ trợ... Ở hai đầu Đông Bắc và Tây Nam sân bay làm đường hạ và cất cánh, có trên 11.000 ha là khu nông nghiệp, nghỉ dưỡng, dân cư và kho chứa hàng phục vụ cảng hàng không quốc tế, bệnh việc quốc tế, khu nghỉ dưỡng…Với không gian hoạt động bên trong và bên ngoài của khu vực sân bay Long Thành, bà con địa phương sẽ có nhiều cơ hội lập nghiệp và mưu sinh.
 
Việc xây dựng sân bay Long Thành là thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp ở nước ta theo hướng phát triển công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, có lợi cho thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm dịch vụ xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Phát triển sân bay Long Thành với tầm cỡ thế giới sẽ góp phần nâng cao trình độ công nghệ xây dựng của đất nước.


Tại họp báo về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 diễn ra chiều 17-10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương xây dựng sân bay Long Thành hay không? 

                                                                              
              Bài, ảnh: Thanh Tú
  

No comments: