Friday, June 19, 2015

'Kinh tế ngầm' với Trung Quốc đã ở mức báo động độ 3


Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành với Người Đưa Tin ngày 17/6

   'Kinh tế ngầm' với Trung Quốc đã ở mức báo động độ 3 - Ảnh 1

Một khối lượng lớn hàng hóa vào Việt Nam theo con đường nhập lậu. Ảnh minh họa

Những số liệu thể hiện sự chênh lệch lớn trong thống kê xuất nhập khẩu năm 2014 của Việt Nam và Trung Quốc mà đại biểu Bình Dương Mai Hữu Tín nêu ra trong phiên họp đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hôm 8/6 của Quốc hội đã làm “nóng” nghị trường và khiến báo chí sôi nổi.
Cụ thể, ông Tín dẫn số liệu thống kê từ phía Trung Quốc cho thấy trong 2014 nước này nhập khẩu của Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn 30% so với con số công bố của Việt Nam (14,9 tỷ USD). Trung Quốc cũng xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD chứ không phải 43,8 tỷ USD như con số công bố của Việt Nam.
Nghi ngờ trong số gần 4 tỷ USD chênh lệch có xuất khẩu lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc, ông Tín đặt câu hỏi “Tại sao có xuất khẩu lậu, trong khi chúng ta hết sức khuyến khích xuất khẩu?”. “Lời giải thích hợp lý kế tiếp chỉ là, đó là các mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế. Đó là những mặt hàng nào? Theo tôi, đó là tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam.” ông Tín tự trả lời.
Mặc dù không “tin tuyệt đối” vào số liệu thống kê của Trung Quốc nhưng theo ông Tín, những con số này là “hiện tượng bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại” với kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng “không thể không tính giá trị của phần ngầm này khi thiết kế chính sách.”
Lí giải về sự chênh lệch này, bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng sự chênh lệch là do mỗi bên có cách thống kê khác nhau và chuyện chênh lệch không chỉ xảy ra với mỗi Trung Quốc. Trong khi đó, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận “chắc chắn có buôn lậu, chắc chắn có kinh tế ngầm.”
   'Kinh tế ngầm' với Trung Quốc đã ở mức báo động độ 3 - Ảnh 2

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

“Có buôn lậu hay nói ngoại giao là kinh tế ngầm"

Trả lời báo Người Đưa Tin ngày 17/6, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thànhnhận định “có buôn lậu hay nói hết sức ngoại giao là kinh tế ngầm” trong thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Nhưng đây không phải là buôn lậu âm thầm. 24 tỷ USD là một con số rất lớn, dù rằng con số này chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế” - ông Thành nói.
“Nên nhớ thương mại hai chiều Việt Nam và New Zealand năm nay mới đạt trên dưới 1 tỷ USD.”
Đồng ý với quan điểm của đại biểu Mai Hữu Tín, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng trong số 4 tỷ USD chênh lệch trong thống kê xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc gồm cả tài nguyên khoáng sản.
Theo ông Thành, xuất lậu tài nguyên khoáng sản gây thiệt hai rất lớn đến nền kinh tế, thất thu thuế và tạo sức ép về nguyên liệu đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Nhập lậu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam cũng khiến Việt Nam chịu nhiều thiệt hại.
“Hàng lậu khi vào Việt Nam sẽ phá vỡ tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, gây áp lực với sản phẩm sản xuất trong nước.”
“Cũng phải tính cả ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi hàng trăm tấn hoa quả, thịt từ Trung Quốc sang có dư lượng hóa chất độc hại quá chỉ tiêu cho phép không được kiểm soát,” ông Thành nói.
Từ đó ông Thành đặt câu hỏi về quản lý đối với các cơ quan chuyên trách. “Quản lý nhà nước thế nào mà để tình trạng buôn lậu đến vài chục tỷ USD?”
   'Kinh tế ngầm' với Trung Quốc đã ở mức báo động độ 3 - Ảnh 3

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Không thiện chí nên "vống" số liệu?

Đồng ý sẽ có chênh về số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh cần tỉnh táo trước con số Trung Quốc đưa ra.
“Không loại trừ khả năng họ không thiện chí nên vống số liệu lên.” Ông Phong nói với Người Đưa Tin ngày 17/6.
Trung Quốc đâu có đưa ra điều gì để đảm bảo những số liệu đó là chính xác?” ông nói.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang tồn tại “nhiều vấn đề”.
“Riêng về thương mại, phải thừa nhận hai bên đang có tình trạng buôn lậu mà không chỉ một phía Việt Nam buôn lậu từ Trung Quốc mà Trung Quốc cũng có thể buôn lậu từ Việt Nam.”
“Điều này chủ yếu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.”
"Một trong những nguy hiểm nhất của buôn lậu kinh tế ngầm là làm bất ổn kinh tế vĩ mô, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, số liệu thống kê bị bóp méo, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách."
Ông Phong cũng cho rằng có hiện tượng bảo kê, móc ngoặc trong hoạt động buôn lậu.
“Những con tàu “không số” xuất than sang Trung Quốc bị đánh chìm không chỉ là buôn lậu nữa mà mang tính chất bảo kê.”
H.Hưng

No comments: