Tuesday, June 2, 2015

"Trung Quốc đừng dại mà coi thường Mỹ"


Hôm 1/6, hãng tin Bloomberg đưa tin, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, việc Trung Quốc coi thường Mỹ là hành động chẳng khôn ngoan gì bởi thực tế Washington chỉ đang thận trọng chứ không hề yếu kém.
Theo Bloomberg, các quan chức quân đội Trung Quốc tham dự Diễn đàn An ninh châu Á Shangri-la ở Singapore hồi cuối tuần qua khẳng định sẽ tiếp tục hung hăng ở Biển Đông và họ cho rằng Washington không thể ngăn cản Bắc Kinh.
Tại Shangri-la, một số quan chức quân đội cấp cao của Trung Quốc đã xuất hiện hiếm hoi trước công chúng cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc phòng phương Tây và châu Á, các chuyên gia. Do vậy, đây được xem là cơ hội không dễ gặp để có thể nhận ra tư tưởng thực sự của giới quân sự Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu tại Shangri-La hôm 30/5.
Theo Bloomberg, cảm giác bao trùm giữa những người tham dự hội nghị là quân đội Trung Quốc đang rất tự phụ và thể hiện rất ít sự tôn trọng hay kiêng nể đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vì cho rằng Washington chưa có một chiến lược rõ ràng để đối đầu với những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Một quan chức quân đội Trung Quốc đã hỏi tôi về việc liệu trong 18 tháng tới nếu bà Hillary Clinton được bầu làm tổng thống, thì bà có cứng rắn với Trung Quốc hơn chính quyền hiện tại hay không?”.
Đáp lại, Glaser đã trở lời rằng: “Ý ông muốn hỏi là liệu trong 18 tháng tới ông có thể làm những gì ông muốn nữa hay không phải không?”. Sau đó, vị quan chức này chỉ cười trừ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter gặp Đô đốc hàng đầu của Trung Quốc Sun Jianguo tại Shangri-La.
Glaser cùng nhiều chuyên gia và các quan chức khác của Mỹ tại Shangri-La đều không cho rằng việc Trung Quốc ‘coi thường’ Mỹ là một hành động khôn ngoan. Họ không có cùng quan điểm với việc Bắc Kinh cho rằng chính quyền Obama yếu kém và chưa có kế hoạch ngăn chặn các hoạt động cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ khẳng định Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cùng đội ngũ của ông đã có sẵn kế hoạch đối đầu với Trung Quốc.
Hơn nữa, Mỹ cũng có nhiều cách để khiến Trung Quốc phải ‘chùn bước’. Ví dụ, Mỹ đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, đồng thời gửi nhiều thông điệp cảnh báo Bắc Kinh trong thời gian gần đây.
Hôm 30/5, ông Carter đã hối thúc Trung Quốc khẩn trương kí bộ quy tắc ứng xử với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Mỹ chỉ đang thận trọng và gây áp lực với Trung Quốc theo từng bước nhỏ. Bằng chứng là Mỹ đã mang cả đội phóng viên CNN lên máy bay giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phái đoàn Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La.
Sở dĩ Mỹ thận trọng bởi mối quan hệ Bắc Kinh – Washington rất nhạy cảm và những phản ứng quá mức ngay lập tức đối với Trung Quốc chứa đựng nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quân đội Trung Quốc lại không hiểu được như vậy. Họ cho rằng sự thận trọng của Mỹ là biểu hiện của sự yếu kém và đang tận dụng cái mà họ cho là những kế sách lưỡng lự.
Phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La hôm 31/5, Đô đốc hàng đầu của Trung Quốc Sun Jianguo, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, không hề đưa ra dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ giảm các hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Ông này vẫn khăng khăng nói: "Những công trình xây dựng nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc là hợp lý, hợp pháp và chính đáng. Chúng không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào hoặc ảnh hưởng tới tự do hàng hải”.
Ông Sun khẳng định rằng Trung Quốc cam kết hợp tác cùng có lợi với các nước láng giềng. Tuy nhiên, khi được hỏi chính xác Trung Quốc đang hợp tác với ai và ngoài Trung Quốc thì ai đang có lợi, thì ông này lại không trả lời.
Các cuộc tiếp xúc khác giữa quan chức Trung Quốc và phương Tây ở Singapore đều cho thấy thái độ tương tự từ phía Bắc Kinh.
Thậm chí, trong cuộc trò chuyện với nhà báo Bloomberg, hai quan chức tham dự hội nghị còn cho rằng họ cảm nhận hơn nữa sự yếu kém của Mỹ khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh hồi tháng trước.
Tại Bắc Kinh, ông Kerry nói rằng, Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc trong một loạt các vấn đề, bao gồm Triều Tiên, Iran và Syria và hai bên không nên để những căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác. Mặc dù đó là cách nói thông thường của ông Kerry và điều đó không có nghĩa là ông đang “xuống nước” đối với những căng thẳng ở Biển Đông, nhưng phía Trung Quốc lại cho đó là một dấu hiệu cho thấy Washington chưa sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh.
Bắc Kinh không hề để ý đến thái độ cứng rắn của ông Carter hôm 30/5 rằng, Trung Quốc không có quyền kiểm soát 12 dặm vùng biển quốc tế quanh các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo ở Biển Đông.
Theo Bloomberg, không có gì chính quyền Obama không thể làm để khiến các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông biến mất, chỉ là ông đang thận trọng. Dường như Washington đang dùng chiến lược được đánh giá rất khôn ngoan là tăng cường liên minh trong khu vực, đồng thời từ từ gây áp lực quân sự với Trung Quốc.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia nhận định, nếu cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 sắp tới thì Mỹ chắc chắn sẽ có lập trường cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh ở Biển Đông. Hồi năm 2010, bà Hillary đã từng tuyên bố rằng tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

No comments: