Tổng thống Putin khẳng định Nga không phải là một mối đe dọa đối với phương Tây, Biển Đông sẽ là chủ đề nóng ở hội nghị G7 tại Đức... nằm trong số những tin tức quan trọng diễn ra trên thế giới 24 giờ qua.
Tin nổi bật
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: EPA)
|
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 6/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước ông không phải là một mối đe dọa đối với phương Tây.
Trả lời báo Corriere della Sera của Italia, Putin cho biết ông ủng hộ một thỏa thuận hòa bình Ukraina sau đợt bùng phát bạo lực mới ở miền đông nước này trong tuần.
"Tôi muốn nói rằng – không cần phải sợ Nga" – ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, đồng thời loại trừ một cuộc xung đột lớn giữa Nga và các thành viên NATO.
"Thế giới đã thay đổi nhiều đến mức ngay trong suy nghĩ, mọi người cũng không thể tưởng tượng được một cuộc xung đột quy mô lớn như vậy ngày nay".
"Chúng ta còn nhiều việc khác để làm, tôi có thể dám chắc với các bạn như vậy", Tổng thống Nga nói thêm. "Chỉ có một người bị bệnh, và khi đó thì ngay trong giấc ngủ của anh ta, mới có thể tưởng tượng ra chuyện Nga sẽ bất ngờ tấn công NATO".
Phát biểu trước chuyến thăm Italia vào tuần tới, ông Putin tuyên bố Nga chỉ đơn thuần nỗ lực tự bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Người đứng đầu chính quyền Moscow nêu thêm rằng các thành viên NATO chi tiêu cho quốc phòng hơn gấp 10 lần so với Nga còn ngân sách quân sự Mỹ hiện là lớn nhất trên thế giới.
Đề cập cuộc khủng hoảng Ukraina, ông Putin cáo buộc các nhà chức trách Kiev không thiện chí thực thi một thỏa thuận hòa bình do châu Âu làm trung gian đạt được hồi tháng 2 ở thủ đô Minsk của Belarus và không muốn tham gia đối thoại với các lực lượng nổi dậy ở miền đông.
"Vấn đề là, các đại diện của chính quyền Kiev hiện thời thậm chí còn không muốn ngồi lại đối thoại với họ. Và chẳng có gì chúng ta có thể làm được về điều đó", ông Putin nói và kêu gọi phương Tây thúc giục Kiev đàm phán với quân li khai.
Tin vắn
- Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ là những chủ đề chính trong Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu ngày 7/6 tại Đức. Theo Reuters, lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Italia và Canada sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông trước hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc ở cả 2 khu vực này.
- Ngày 6/6, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hối thúc Triều Tiêu trở lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo này. Lời kêu gọi được bà Park Geun-hye đưa ra nhân dịp lễ tưởng niệm các binh sĩ Hàn Quốc tử trận trong cuộc chiến liên Triều.
- Ảrập Xêút thông báo đã bắn hạ một tên lửa Scud do phiến quân Houthi dòng Hồi giáo Shi'ite và các đồng minh ở Yemen bắn vào vương quốc này. Đây được coi là một sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến kéo dài nhiều ngày qua giữa liên quân do Ảrập Xêút dẫn đầu với phe nổi dậy ở Yemen.
- Bộ trưởng phụ trách du lịch Malaysia thông báo tổng cộng 11 người tử vong sau trận động đất gần ngọn núi cao nhất nước này hôm 5/6. Các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm 8 người mất tích, gồm 6 học sinh và 2 giáo viên.
- Trước thềm hội nghị G7 tại Đức, Thủ tướng Medvedev tuyên bố Nga sẽ trả đũa phương tây đích đáng nếu nước này bị cấm vận nặng hơn.
- Bangladesh và Ấn Độ sắp ký một thỏa thuận lịch sử nhằm đơn giản hóa đường biên giới giữa hai nước bằng cách trao đổi hơn 150 vùng đất. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ phê chuẩn thỏa thuận với người đồng nhiệm Sheikh Hasina ở Dhaka.
- Theo thông tin báo chí, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa chiếm được thị trấn Harawa, cách thành phố Sirte của Libya 50km về phía đông. Một nguồn tin thuộc lực lượng vũ trang Libya xác nhận các tòa nhà chính quyền ở Harawa hiện đều đã nằm trong tay IS.
- Hai người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau khi một loạt vụ nổ xảy ra tại một cuộc tuần hành chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tin ảnh
Con tàu chìm ở sông Dương Tử được lật ngược trở lại để các nhân viên cứu hộ vào bên trong tìm kiếm các nạn nhân. (Ảnh Getty)
|
Các nhà chức trách Trung Quốc ngày 6/6 xác định 396 người đã thiệt mạng và trong vụ chìm tàu ở sông Dương Tử tối ngày 1/6. Hơn 40 người vẫn mất tích.
Phát ngôn
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ngày 6.6 tuyên bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chứng tỏ rằng, chúng đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học và có thể đã tuyển mộ được nhóm tân binh có khả năng phát triển loại vũ khí giết người hàng loạt này.
"Việc IS sử dụng khí clo và tuyển dụng các chuyên gia, kỹ thuật gia, bao gồm cả từ phương Tây, có khả năng phát triển vũ khí hóa học đã chứng tỏ những nỗ lực đáng báo động của tổ chức khủng bố khét tiếng này trong việc phát triển vũ khí hóa học. IS thậm chí sở hữu hàng loạt chuyên gia, kỹ thuật gia trong tổng số hàng chục nghìn tân binh mà tổ chức này đã tuyển dụng", bà Julie Bishop nhấn mạnh trong bài phát biểu tại một diễn đàn quốc tế nhằm chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học.
Kỷ niệm
Ngày 7/6/2006, Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq, đã bị giết chết trong một vụ không kích của Không lực Mỹ.
Sau cuộc chiến Iraq 2003, Abu Musab al-Zarqawi là gương mặt hắc ám nhất với Mỹ. Mỹ từng treo giá 25 triệu USD cho người tìm ra al-Zarqawi.
- Thanh Hảo
No comments:
Post a Comment