Thursday, April 16, 2015

Tin thế giới 19h30: S-300 của Nga đắt hàng, ông Putin vẫn nhận lương thấp


Ông Putin có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các quan chức cấp dưới; Trung Quốc có thể đang triển khai hệ thống tên lửa và radar ở các khu vực xâm chiếm trên Biển Đông; Mỹ náo loạn vì trực thăng;..
Việt Nam:
*Theo nguồn tin riêng của Infonet, chiều nay (16/4) xảy ra một tai nạn máy bay tại đảo Phú Quý (Bình Thuận). Thông tin ban đầu có 2 chiếc Su-22 gặp nạn, hiện các lực lượng cứu hộ đang tiếp cận...
Một chiếc Su-22 của Không quân Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết thông tin máy bay Su 22 gặp nạn là thông tin có thật, tuy nhiên cụ thể thế nào thì chưa nắm được. Hiện tại ông đang hội ý cùng Bộ Tư lệnh quân chủng.
Nga:
*Cuộc đối thoại trực tiếp trên truyền hình hàng năm của Tổng thống Putin là sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Nga. Trong năm nay, hơn 1,7 triệu câu hỏi đã được gửi tới ông Putin.
Phần lớn nội dung các câu hỏi xoay quanh vấn đề lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đồng ruble rớt giá nghiêm trọng. 
*Trong buổi trả lời trực tiếp trên truyền hình ngày 16/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, sẽ giảm chi ngân sách quốc phòng xuống 10% nhưng chi tiêu quân sự sẽ không bị ảnh hưởng.
*Công nhận sự ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đến từ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng rằng nền kinh tế của nước ông sẽ nhanh chóng phục hồi trong 2 năm tới.
*Quyết định gỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa phòng không S-300cho thấy Moscow muốn biến Iran trở thành một thị trường nhập khẩu vũ khí mới để giúp nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong thời gian tới, Moscow sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều nước xuất khẩu vũ khí khác như Trung Quốc hay một số nước châu Âu. 
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga. 
*Hôm 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos cho hay quốc gia này đang tiến hành đàm phán với Nga về thương vụ mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mới dù Hy Lạp đang ngập trong nợ nần.
*Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy mối quan hệ Nga – phương Tây“rơi xuống vực thẳm”. Tuy nhiên, quan hệ Nga – Trung lại “nồng ấm bất ngờ”. Nhưng ẩn sau sự nồng ấm đó là vô số sự nghi kị và “bất mãn”.
*Theo bản kê khai thu nhập của các quan chức chính phủ Nga được điện Kremlin công bố hôm 15/4, Tổng thống Vladimir Putin có thu nhập thấp hơn nhiều so với các quan chức cấp dưới.
Thu nhập của Tổng thống Putin trong năm 2014 là 7,654 triệu rúp (gần 151.000 USD). Người có thu nhập cao nhất trong chính phủ Nga là ông Oleg Govorun, người đứng đầu Bộ phận hợp tác kinh tế và xã hội với Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia. Thu nhập của ông Govorun gấp 15 lần của Tổng thống Nga.
Ukraine:
*Bản báo cáo mới nhất của tổ chức OSCE cho hay cuộc xung đột tại Ukraine đang có những dấu hiệu leo thang căng thẳng và quân chính phủ Kiev là thủ phạm khơi mào tấn công.
Theo bản báo cáo hàng ngày do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) công bố hôm 14/4, các cuộc giao tranh quân sự giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai miền đông tiếp tục tái diễn tại ngôi làng Shirokino. Trong đó, quân chính phủ Kiev đã tăng cường triển khai các đợt tấn công. 
Quân đội Ukraine tiến hành rút lui vũ khí khỏi khu vực chiến sự theo quy định trong thỏa thuận Minsk 2. 
*Bộ Nội vụ Ukraine cho biết ông Oleg Kalashnikov (52 tuổi), một cựu thành viên trong Quốc hội nước này vốn là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, được phát hiện chết bất thường ở nhà riêng tại Kiev hôm 15/4.
Nguyên nhân dẫn tới cái chết của cựu quan chức này do bị trúng đạn. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Ukraine không công bố ông Kalashnikov bị sát hại hay tự sát. 
Trung Quốc:
*Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn hiện không có ý định ban hành luật ân xá đặc biệt đối với các đối tượng là quan chức phạm tội tham nhũng.
Trước đó, một số nguồn tin cho rằng ông Tập và ông Vương từng có ý định ban hành luật ân xá đặc biệt đối với các quan chức có những đóng góp to lớn cho đất nước. Đây cũng là cách làm dịu bớt tư tưởng căng thẳng liên quan tới chiến dịch chống tham nhũng đối với các quan chức trong hàng ngũ Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc. 
Một quan chức Trung Quốc phạm tội tham nhũng từng bỏ trốn ra nước ngoài, bị dẫn giải về nước để thi hành án. 
*Sau bốn năm xảy ra thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, Trung Quốc đã âm thầm tái khởi động xây dựng hai lò phản ứng mới vào tháng Hai năm nay.
Để đạt được tham vọng trở thành một cường quốc năng lượng hạt nhân, Trung Quốc sẽ cần xây từ 10 – 12 lò phản ứng mỗi năm. Con số này gấp đôi so với kỷ lục Pháp đã lập được từ thập niên 80.
*Trung Quốc có thể đang triển khai hệ thống tên lửa và radar tại các khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đây cũng được cho là một phần trong kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc có thể muốn áp đặt tại Biển Đông. 
"Những hoạt động xây dựng thời gian quan sẽ giúp Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại khu vực. Các hoạt động cải tạo và mở rộng đất ở đó có thể giúp quân đội Trung Quốc triển khai các loại vũ khí như radar tầm xa, binh lính và các hệ thống tên lửa hiện đại. Xa hơn nữa, đây là các hoạt động nhằm phục vụ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nếu Bắc Kinh muốn", Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel Locklear phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 15/4. 
Nhật Bản:
*Không quân Nhật Bản đã liên tục phải điều động máy bay theo dõi hoạt động của các máy bay ném bom Nga xâm phạm không phận khu vực phía bắc và các chiến đấu cơ Trung Quốc ở khu vực phía nam.
Chiến đấu cơ F-2A của Lực lượng Phòng vệ trên Không Nhật Bản.
Tờ The Moscow Times cho hay theo tuyên bố hôm 15/4 của Lực lượng Phòng vệ trên Không Nhật Bản, tính từ đầu năm nay tới ngày 31/3, chiến đấu cơ của Nhật Bản đã 944 lần được điều động đi theo dõi hoạt động của các máy bay Trung Quốc và Nga. Con số này tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 
Iran:
*Hôm 15/4, Iran tuyên bố quốc gia này sẽ chỉ chấp nhận ký kết mộtthỏa thuận hạt nhân khi mà các cường quốc trên thế giới đồng loạt xóa bỏ lệnh cấm vận áp đặt với Tehran lâu nay. 
“Nếu các lệnh trừng phạt không được xóa bỏ, sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết. Kết quả của các cuộc đối thoại sắp tới và ký kết một thỏa thuận hạt nhân cần đi kèm với tuyên bố dỡ bỏ toàn bộ những lệnh trừng phạt mà các cường quốc áp đặt với Iran”,  Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình từ thành phố Rasht của Iran.
Mỹ:
*Theo tờ The Guardian (Anh), nhiều nhân vật cánh tả cho biết sẽ không ủng hộ bà Hillary Clinton cho đến khi bà chỉ ra một tầm nhìn chiến lược rõ ràng hơn trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Nhóm hỗ trợ của bà Hillary Clinton  cho biết chi tiết cụ thể của chiến dịch sẽ được tiết lộ trong vài tuần tới. Tuy nhiên, một số nhân vật cấp tiến vẫn không ngớt chỉ trích video tuyên bố tranh cử của bà thiếu chi tiết khi đưa ra những cam kết chính sách.
Cảnh sát đang rà bom chiếc trực thăng.
*Doug Hughes, một bưu tá ở Ruskin, bang Florida, Mỹ bị bắt giữ vì tự ý đáp trực thăng xuống bãi cỏ trong khuôn viên Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, gây náo loạn an ninh.
Theo Reuters, ông Hughes (61 tuổi) đã lái chiếc trực thăng cánh quạt loại nhỏ, bay từ Gettysburg, cách thủ đô Washington 110 km về phía bắc rồi đáp xuống bãi cỏ thuộc tòa nhà quốc hội Mỹ lúc 13h30 (giờ địa phương) hôm 15/4.
*Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS nhiều khả năng đang vận hành một doanh trại tại bang Chihuahua, phía bắc Mexico, cách đường biên giới với Mỹ hơn 10 km.
Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mở trại ngay sát biên giới Mỹ được cho là có sự hỗ trợ từ các băng đảng tội phạm ở Mexico. Những băng đảng này còn đang lên kế hoạch đưa các phần tử khủng bố IS vào Mỹ qua đường biên giới thuộc khu vực bang New Mexico và Texas.
*Tấm bia mộ của cha bà Hillary Clinton tại nghĩa trang ở bang Pennsylvania bị đẩy đổ xuống đất, không lâu sau khi nữ chính trị gia này tuyên bố tranh cử tổng thống.
Hàn Quốc:
*Người thân của các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol không kìm được nước mắt khi đến thăm nơi xảy ra thảm kịch làm 304 người thiệt mạng cách đây một năm.
Nngười thân của các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol rơi nước mắt nhớ lại vụ tai nạn cách đây một năm. 
Hôm 15/4, khoảng 200 thân nhân đã đi tàu đến hiện trường tai nạn ở ngoài khơi đảo Jindo, phía tây nam Hàn Quốc. Đây là nơi phà Sewol 6.800 tấn, chở 476 người, bị chìm vào ngày 16/4/2014. Phà gặp nạn khi đang trên đường từ thành phố Incheon đến đảo nghỉ dưỡng Jeju. 
Mexico:
*Nhà chức trách Mexico hôm 16/4 ban bố tình trạng báo động tại một số bang sau khi kẻ trộm đánh cắp một nguồn chất phóng xạ nguy hiểm được dùng trong chụp X quang.
Bộ Nội vụ Mexico cho biết nguồn Iridium-192, ký hiệu X-571, đặt trong một container và bị đánh cắp hôm 13/4 tại thị trấn Cardenas, bang Tabasco, miền nam Mexico.
Indonesia:
*Hôm nay (16/4), một chiếc chiến đấu cơ F-16 của Indonesia đã bốc cháy ngay trước thời điểm cất cánh cùng với 3 chiếc máy bay khác, buộc phi công phải nhảy khỏi máy bay khi đám cháy bốc cao ngùn ngụt.
Chiếc F-16 bốc cháy tại sân bay quân sự Halim Perdana Kusumah ở Jakarta. 
SCMP cho hay theo kế hoạch chiến đấu cơ F-16 cùng 3 máy bay khác sẽ cất cánh từ sân bay quân sự Halim Perdana Kusumah ở Jakarta nhằm chuẩn bị cho công tác đảm bảo an ninh phục vụ cuộc họp thượng đỉnh với sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Á và châu Phi tại Indonesia vào tuần tới. 
Tuy nhiên, chiếc F-16 đã đột nhiên bốc cháy. Nguyên nhân sự việc hiện đang được cơ quan chức năng Indonesia điều tra. 
MINH THU (tổng hợp)

No comments: